Thu hút đông đảo nhà khoa học và doanh nghiệp tới tham dự, sự kiện do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Hội nghị Kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thực phẩm đồ uống thu hút được đông đảo nhà khoa học và doanh nghiệp tới tham dự |
Phát biểu đề dẫn, ThS Lê Thị Khánh Vân Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp giới thiệu về Trung tâm cho biết: “Hội nghị là cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư, chuyển giao công nghệ nội sinh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, dược liệu Việt Nam”.
ThS Lê Thị Khánh Vân Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp phát biểu đề dẫn |
Tại hội nghị, GS.TS Lê Mai Hương – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam thu hút sự chú ý của các đại biểu khi khẳng định: "Công nghệ sinh học (CNSH) đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam. Khoa học sự sống, với sinh học là hạt nhân, chính là nền tảng cho mọi hoạt động của con người. Từ việc sản xuất lương thực, thực phẩm, đến việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, tất cả đều liên quan mật thiết đến sự hiểu biết về các quá trình sinh học. Và trong bối cảnh hiện nay, sự kết hợp giữa sinh học với các ngành khoa học khác, đặc biệt là hóa học và công nghệ thông tin, sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc, mang đến những giải pháp toàn diện cho các thách thức của nhân loại"
GS.TS Lê Mai Hương – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị |
GS.TS Lê Mai Hương nhấn mạnh đây chính là thời điểm vàng để các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam chung tay, ứng dụng những tiến bộ của CNSH để tạo ra những sản phẩm đột phá, mang lại giá trị cao cho xã hội, đưa CNSH Việt Nam vươn tầm cao mới.
Thống nhất với phát biểu đề dẫn của Hội nghị, GS.TS Lục Huy Hoàng, Phụ trách Viện Khoa học Tự nhiên (KHTN) - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn về thực trạng nghiên cứu khoa học hiện nay. Theo GS.TS Lục Huy Hoàng, Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, đã và đang thực hiện nhiều nghiên cứu sâu sắc, có giá trị. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là phần lớn các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc công bố trên các tạp chí khoa học, chưa được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, thậm chí còn bị "cất ngăn bàn".
Cách đây 5 tháng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thành lập Viện KHTN với mong muốn bắc cầu nối giữa những nghiên cứu hàn lâm và nhu cầu thực tiễn, đưa các nghiên cứu ra khỏi "tháp ngà" khoa học, đến gần hơn với cuộc sống, phục vụ cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
GS.TS Lục Huy Hoàng, Phụ trách Viện Khoa học Tự nhiên (KHTN) - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
GS.TS Lục Huy Hoàng bày tỏ mong muốn của Viện KHTN về việc được giới thiệu những nghiên cứu đã có sản phẩm hoàn thiện, có khả năng ứng dụng cao đến các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm vào cuộc sống. Mặt khác, đưa ra những nghiên cứu tiềm năng nhưng chưa hoàn thiện để nhận được góp ý từ doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
GS.TS Lục Huy Hoàng khẳng định, Viện luôn sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện những "đơn đặt hàng" nghiên cứu từ phía doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh hướng nghiên cứu, phát triển những sản phẩm thiết thực, giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp và xã hội.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã cùng lắng nghe và trao đổi về các nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nước uống từ lá tía tô” của TS. Phan Duệ Thanh; “Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất bột nấm bào ngư (Pleurotus spp.) trồng trên cơ chất bã mía của ThS Nguyễn Xuân Lâm; “Nghiên cứu vỏ quả măng cụt/ quả sim lên men với vi khuẩn Lactobacillus” của TS. Lê Thị Tươi; “Nghiên cứu quy trình làm trà túi lọc từ lá sachi kết hợp lá cam thảo và lá nếp” của TS. Trần Khánh Vân; và nhóm các nghiên cứu: Nghiên cứu lên men sản xuất đồ uống có cồn từ quả bần chua lên men, nghiên cứu lên men chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm enzyme và probiotic dùng cho chăn nuôi gia súc gia cầm, nghiên cứu lên men chuyển hóa bã đậu nành thành chế phẩm enzyme và probiotic dùng cho cá, Nghiên cứu sản xuất nhựa sinh học Polyhydroxyalkanoate (PHA) từ dầu mỡ thải, Nghiên cứu chuyển hóa rác thải hữu cơ thành phân bón trong thời gian ngắn nhờ sự hỗ trợ của enzyme và vi sinh vật của PGS.TS Đoàn Văn Thược.
TS. Phan Duệ Thanh, Giảng viên chính, Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội giới thiệu “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nước uống từ lá tía tô” |
ThS Nguyễn Xuân Lâm, Giảng viên Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ về “Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất bột nấm bào ngư (Pleurotus spp.) trồng trên cơ chất bã mía |
TS. Lê Thị Tươi, Giảng viên Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội giới thiệu “Nghiên cứu vỏ quả măng cụt/ quả sim lên men với vi khuẩn Lactobacillus” |
TS. Trần Khánh Vân, Trưởng Bộ môn, Giảng viên chính, Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ về “Nghiên cứu quy trình làm trà túi lọc từ lá sachi kết hợp lá cam thảo và lá nếp”. |
PGS.TS Đoàn Văn Thược, Trưởng Bộ môn, Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ về nhóm các nghiên cứu: lên men sản xuất đồ uống có cồn từ quả bần chua lên men, nghiên cứu lên men chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm enzyme và probiotic dùng cho chăn nuôi gia súc gia cầm, nghiên cứu lên men chuyển hóa bã đậu nành thành chế phẩm enzyme và probiotic dùng cho cá, Nghiên cứu sản xuất nhựa sinh học Polyhydroxyalkanoate (PHA) từ dầu mỡ thải, Nghiên cứu chuyển hóa rác thải hữu cơ thành phân bón trong thời gian ngắn nhờ sự hỗ trợ của enzyme và vi sinh vật. |
Các đại biểu thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị |
Phần thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn và thiết thực từ các đại biểu, giúp Hội nghị thực sự trở thành một diễn đàn mở, nơi các nhà khoa học và doanh nghiệp không chỉ gặp gỡ, chia sẻ và tìm kiếm cơ hội hợp tác, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ sinh học tại Việt Nam.
Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024 của Chi hội Nữ trí thức và Trung tâm COSTAS
Năm 2023, Chi hội và Trung tâm COSTAS đẩy mạnh hỗ trợ kết nối trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ