“Lát cắt mỏng” về những thực hành nghệ thuật “mở đường”

Một trưng bày của 8 tác giả thuộc giai kỳ mở màn cho mỹ thuật đương đại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, ẩn chứa nhiều ấn tượng.

Với tiêu đề khá lạ và thú vị: “Người phá rào, Kẻ nổi loạn, Gã lập dị”, Tổ chức nghệ thuật The Outpost đã mở một trưng bày dành riêng cho nhóm họa sĩ nổi bật thuộc giai kỳ nghệ thuật mở màn cho nghệ thuật đương đại Việt Nam (những năm 90s của thế kỉ XX).

Tại triển lãm này, người xem có cơ hội thưởng ngoạn những tác phẩm tranh, tượng, nghệ thuật sắp đặt và các tạo tác nghệ thuật từ các chất liệu khác nhau của 8 họa sĩ, nhà điêu khắc, gồm: Lê Công Thành, Vũ Tân Dân, Trần Trung Tín, Nguyễn Mạnh Đức, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức bên phần trưng bày “Nhà sàn” (gỗ) với ý tưởng “thời gian tái cấu trúc ngôi nhà tùy biến theo không gian trưng bày”. Ảnh: L.Q.V   
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức bên phần trưng bày “Nhà sàn” (gỗ) với ý tưởng “thời gian tái cấu trúc ngôi nhà tùy biến theo không gian trưng bày”. Ảnh: L.Q.V   

Từ bộ sưu tập của Nguyen Art Foundation (NAF), có trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh, Tổ chức The Outpost đã chọn, mượn và trưng bày các tác phẩm xuất hiện trong những chuyển động nghệ thuật tại Hà Nội trong giai đoạn từ sau năm 1975 đến đầu những năm 2000. Đây là một lát cắt mỏng về những thực hành nghệ thuật ít nhiều hàm chứa tinh thần “mở đường” ở các mảng khác nhau của bức tranh quang cảnh nghệ thuật đa dạng mà NAF đang sưu tập.

Đặc biệt hơn, các mảng này phần nào bao hàm lẫn nhau, va đập với nhau. Trong từng chân dung tác giả, ta đều thấy ít nhiều nỗ lực cơi nới đường biên sáng tạo của một “người phá rào”, cảm nhận một chút tinh thần phản biện của một “kẻ nổi loạn” hay cá tính khác với số đông của một “gã lập dị”. 

Trong số 8 tác giả có tác phẩm trưng bày ở triển lãm này có 3 người đã rời cõi trần, nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ vẫn luôn được nhắc nhớ. Đó là Lê Công Thành (1932 - 2019) với mảng tượng tròn mang đậm tính phồn thực và tính duy mỹ, ngôn ngữ mạnh mẽ và sống động, hình khối khái quát, đơn giản, nhấn mạnh đến tính vật chất trong khối điêu khắc lý tính, biểu đạt sự uyển chuyển của hình khối.

Tác phẩm “Mẹ đất” (đất nung) của nhà điêu khắc Lê Công Thành mang đậm tính phồn thực và tính duy mỹ. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Mẹ đất” (đất nung) của nhà điêu khắc Lê Công Thành mang đậm tính phồn thực và tính duy mỹ. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Bảy ngày một tuần” (mực, màu nước, trên giấy dó, cuộn giấy và gạc) của họa sĩ Nguyễn Minh Thành. Ảnh: L.Q.V  
Tác phẩm “Bảy ngày một tuần” (mực, màu nước, trên giấy dó, cuộn giấy và gạc) của họa sĩ Nguyễn Minh Thành. Ảnh: L.Q.V  

Với Trần Trung Tín (1933 - 2008), đó là một trường hợp đặc biệt. Ông  chưa hề được tu nghiệp ở môi trường đào tạo mỹ thuật nào, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Ông sáng tác bằng bản năng và ban đầu, hội hoạ chỉ là một phương tiện. Nhưng độc đáo ở chỗ, Trần Trung Tín đã không sa vào lối minh hoạ giản đơn, mà vẽ theo “cảm, nghĩ” và bằng “thiên tư”, nên ông đã tạo ra một thế giới hình hiệu rất riêng cho mình, vừa mang đậm màu sắc duy lý, vừa hết sức trữ tình.

Tác phẩm “Con chim ốm” (sơn dầu, trên giấy ảnh) của họa sĩ Trần Trung Tín. Ảnh: L.Q.V 
Tác phẩm “Con chim ốm” (sơn dầu, trên giấy ảnh) của họa sĩ Trần Trung Tín. Ảnh: L.Q.V 

Còn Vũ Dân Tân (1946 - 2009) là một nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ông vừa là nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, đồng thời vừa là người cung cấp nền tảng cho nghệ thuật đương đại sơ khai ở Việt Nam. Ông đã thách thức hệ thống nghệ thuật chính thống đương thời bằng sự tự do trịnh trọng (sử dụng bao bì đã qua sử dụng, photocopy và các chất liệu, phương tiện và kỹ thuật phi tiêu chuẩn khác) và tính nguyên bản về ngữ nghĩa của chúng.

Tác phẩm “Vali của một người hành hương mặt nạ” (giấy carton tái chế, màu bột, mực tàu, hộp gỗ có nắp kính) của họa sĩ Vũ Dân Tân. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Vali của một người hành hương mặt nạ” (giấy carton tái chế, màu bột, mực tàu, hộp gỗ có nắp kính) của họa sĩ Vũ Dân Tân. Ảnh: L.Q.V

Với những tác giả còn lại, nhiều người vẫn trung thành với quan niệm sáng tạo cách tân của mình và không ngại ngần đối mặt với những thách thức trong đời sống mỹ thuật ở Việt Nam.

Sự thú vị của “Người phá rào, Kẻ nổi loạn, Gã lập dị” không chỉ là tên gọi của triển lãm, ở các tác phẩm, hay cách lựa chọn sắp đặt của giám tuyển, mà còn ở tinh thần kết nối, chia sẻ trong vai trò là cộng sự của các tổ chức nghệ thuật tại Việt Nam. Nhờ đó, người yêu mỹ thuật sẽ có cơ hội “khảo cổ” lại nền hội họa Việt Nam ở nhiều cơ tầng khác nhau với những khung cảnh đa chiều, qua từng thời kỳ.

Các tác phẩm “Thiền” (bên trái) và “Không đề” (mực và màu nước, trên giấy dó) của họa sĩ Nguyễn Quang Huy. Ảnh: L.Q.V
Các tác phẩm “Thiền” (bên trái) và “Không đề” (mực và màu nước, trên giấy dó) của họa sĩ Nguyễn Quang Huy. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Vô đề” (mực, màu nước và gouache, trên giấy dó) của họa sĩ Nguyễn Văn Cường. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Vô đề” (mực, màu nước và gouache, trên giấy dó) của họa sĩ Nguyễn Văn Cường. Ảnh: L.Q.V
Một phần trong cụm tác phẩm “Xin lỗi” (mực, trên giấy dó) của họa sĩ Trương Tân. Ảnh: L.Q.V 
Một phần trong cụm tác phẩm “Xin lỗi” (mực, trên giấy dó) của họa sĩ Trương Tân. Ảnh: L.Q.V 

Triển lãm “Người phá rào, Kẻ nổi loạn, Gã lập dị” được tổ chức trong không gian của Trung tâm Nghệ thuật The Outpost - Roman Plaza, trên tầng 2 của Tháp B1 - nằm trên đường Tố Hữu (Hà Nội) từ ngày 5.5 đến ngày 28.7.2024.

Hy vọng có thêm nhiều cơ hội khám phá và chiêm ngưỡng sự chuyển mình và phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam qua những triển lãm như thế.

LÊ QUANG VINH

Đây là những chiếc xe điện điên rồ nhất được ra mắt tại triển lãm ô tô lớn nhất Trung Quốc

Đây là những chiếc xe điện điên rồ nhất được ra mắt tại triển lãm ô tô lớn nhất Trung Quốc

Nếu bạn cần thêm bằng chứng cho thấy thị trường xe điện của Trung Quốc đang bùng nổ, hãy nhìn vào triển lãm ô tô lớn nhất nước này.