Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Chất liệu chính của trình diễn là cơ thể của người nghệ sĩ với sự tập trung cao độ vào hành vi cá nhân.

Ở một quốc gia còn nhiều giới hạn về biểu đạt như Việt Nam, nghệ thuật trình diễn, với bản chất tự thân của nó, vẫn luôn tạo nên nhiều quan điểm đa chiều. Nhưng có lẽ, đứng trước sự thừa mứa về mặt chất liệu, sự tham lam về mặt biểu cảm  hay sự thiếu thốn về mặt ý tưởng , hình thức nghệ thuật này vẫn là một cách tiếp cận tiềm năng có tính bền vững cao, để ứng biến linh hoạt trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.

Tự thân về nghệ thuật trình diễn 

Tài liệu hiếm hoi về nghệ thuật trình diễn bằng tiếng Việt từ Nhà Sàn Collective, một trong những không gian tích cực hỗ trợ các nghệ sĩ trình diễn ở Việt Nam từng nhận định: Nghệ thuật trình diễn thách thức quan niệm chính thống về “Nghệ thuật thực sự là gì?” khi thích ứng linh hoạt với nhiều tình huống khác nhau và thách thức “tính vật chất” của nghệ thuật khi bản thân nó không phải là một vật thể như tác phẩm điêu khắc hay tranh vẽ trên giá vẽ truyền thống. (1)

Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Chất liệu chính của trình diễn là cơ thể của người nghệ sĩ với sự tập trung cao độ vào hành vi cá nhân, cùng phản ứng đột biến với bối cảnh và khán giả xung quanh. Trong nhiều tác phẩm, nghệ sĩ có thể kết hợp với các phương tiện khác để hỗ trợ như âm thanh, sắp đặt, video, etc. Nhưng căn bản nhất, trình diễn vẫn đặt trọng tâm vào bản năng chuyển động tự nhiên của con người, với cơ thể của nghệ sĩ hoặc có chăng là một vài vật thể tối thiểu. (1)

Sự ra đời của nghệ thuật trình diễn thách thức sự chú tâm vào đạo cụ hay không gian để tôn vinh chất liệu nguyên bản nhất: thân thể và suy tư con người. Nhìn lại lịch sử các tác phẩm trình diễn nổi bật ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ để lại tiếng vang chỉ bằng những vật liệu tối giản, để dành điểm chiếu vào hành vi và phản ứng của cơ thể mình. Từ tác phẩm được coi là mở đầu lịch sử trình diễn của bộ đôi nghệ sĩ Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân khi sử dụng vải xô, chiếu và sơn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, tập trung vào cơ thể để truyền tải chủ đề sinh - tử. (2) Hay đến tác phẩm trình hiện ở các quốc gia khác nhau của nghệ sĩ Trần Lương với độc nhất một chiếc khăn quàng đỏ, để chừa không gian cho sự phản hồi đột biến của khán giả với cơ thể anh. Đồng thời, những phát sinh khó lường từ cơ thể vật lý của nghệ sĩ trong quá trình trình diễn cũng tạo nên những biến thể đa dạng, góp phần thúc đẩy những đối thoại, mâu thuẫn mới mẻ, điều mà khó có các loại hình nghệ thuật nào có thể làm được. 

Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Bên cạnh chất liệu, tính linh hoạt và biến thiên của nghệ thuật trình diễn còn nằm ở không gian. Bất kỳ nơi chốn nào, khơi gợi được những cảm thức của người nghệ sĩ, cũng có thể trở thành một sân khấu thiêng để thực hành trình diễn. Trong một nghiên cứu về nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam, tiến sĩ Nora Taylor từng nhận định: Nghệ thuật trình diễn dễ dàng thích ứng với thử nghiệm vì nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu (Nora - trang 113). (Performance art lends itself easily to experimentation because it can take place anywhere;)  

Ở Việt Nam, trong giai đoạn đầu phát triển của nghệ thuật trình diễn, Nhà Sàn Studio ở đường Bưởi đã trở thành không gian thử nghiệm của nhiều thế hệ nghệ sĩ trình diễn đời đầu như Trần Lương, Trương Tân, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Minh Phước... Về sau, những sân khấu thiêng của người nghệ sĩ trình diễn càng trở nên đa dạng, từ một mỏ than đen xì ở Quảng Ninh, đến một khu di dời hoang tàn bên kinh thành Huế, hay một căn phòng kín ở Sài Gòn. Nghệ thuật giờ đây, không còn bị giới hạn ở những không gian như bảo tàng, trung tâm văn hóa, xưởng nghệ sĩ, mà đã len lỏi vào những ngóc ngách của đời sống thường nhật.  

Nuôi dưỡng sự bền vững từ bản chất đã có 

Nếu bền vững chỉ dừng lại ở chất liệu, được hiểu như quá trình sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, hay xây dựng tác phẩm lồng ghép ý nghĩa trực diện, thì nghệ thuật rất dễ nghèo đi vì không có tính gợi mở và phản tư. Mà bền vững, quan trọng hơn, cần được lưu trữ lại trong chính ý niệm của nghệ sĩ qua tác phẩm. Liệu có chất liệu nào bền vững hơn cơ thể của một con người, một thực thể đầy tính thiêng mà người nghệ sĩ nuôi dưỡng mỗi thời khắc? Liệu ý niệm nào tồn tại lâu dài với nghệ sĩ ngoài tư duy của anh ấy? Liệu cách thực hành nào tốt hơn khả năng tập trung vào hành vi ngay trong cả đời sống thường nhật? 

Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Tiến sĩ Nora từng nhận định: “Các tác phẩm trình diễn thường khó đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi: vậy cuối cùng, điều đó có ý nghĩa là gì, thay vào đó, họ kinh ngạc trước các hiệu ứng kỹ thuật của màn trình diễn, có lẽ họ bị hấp dẫn bởi nó như một thứ gì đó vượt ra ngoài phạm vi bình thường”. Khác với một bức tranh hay một sắp đặt, khi xem trình diễn, khán giả đi qua những cảm xúc khác nhau, từ chờ đợi, tò mò đến hồi hộp không biết xem liệu điều gì có thể diễn ra tiếp theo, rồi lại thẫn thờ khi tác phẩm kết thúc, hay vẫn còn lưu luyến bởi tính phù du nó tạo ra. Ngay cả người nghệ sĩ, trong quá trình thực hành, cũng liên tục khám phá ra những giới hạn mới của cơ thể, cho phép họ liên tục thử nghiệm và mở rộng cảm xúc của mình. Chia sẻ trong chương trình nhìn lại 20 năm tiến trình phát triển của nghệ thuật trình diễn ở trung tâm nghệ thuật APD, nghệ sĩ Trần Lương nhận định: “Nghệ thuật trình diễn có khả năng kết nối với nội giới và ngoại quan ở mức độ cao nhất trong tất cả các bộ môn nghệ thuật, vì nó dùng tất cả các giác quan để đối thoại với đời sống xung quanh, với thời tiết, độ ẩm, với thiên nhiên, không khí chính trị, xã hội, v.v..”.

Trò chuyện với Châu Nhi, một nghệ sĩ trẻ đến từ Huế, Việt Nam. Cô theo đuổi ngành hội họa tại trường đại học của mình nhưng lại đang chọn trình diễn để phát triển, Nhi chia sẻ: “Giai đoạn đầu khi xem những hành động, cử chỉ của các anh chị nghệ sĩ trình diễn đi trước, mình luôn tự hỏi vì sao nó lại khiến mình rung động tới vậy, chẳng biết cảm giác từ đâu tới nhưng nó cứ thúc đẩy mình muốn tìm hiểu và chạm vào nghệ thuật đó hơn. Cho đến khi mình thực hành rồi thì những biến chuyển về giác quan lại cho mình có cảm giác gần gũi, thô kệch nhưng lại rất thực”.

Phải chăng, sự triển nở về mặt cảm xúc và suy tư mà mỗi chủ thể tham gia có được, khi một tác phẩm trình diễn diễn ra và ngay cả khi đã kết thúc, luôn là giá trị bền vững mà nghệ thuật tìm kiếm?

Thách thức cho nghệ thuật trình diễn tạo lập được sự bền vững ở Việt Nam

Nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn biến chuyển khác nhau. Thời điểm sau những năm 2000, nhiều trình diễn cũng đã được xuất hiện trong các sự kiện mang tính chính thống sau một khoảng thời gian thực hành ở không gian độc lập, nhỏ lẻ. Nhiều năm trở lại đây, nghệ thuật trình diễn xây dựng được tệp khán giả riêng thông qua các hình thức khác nhau như workshop, tour trình diễn, đa phần mang tính du kích vì những hạn chế về mặt kiểm duyệt hay tài chính. 

Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Với bối cảnh Việt Nam, khi mà quyền tự do biểu đạt vẫn còn nhiều hạn chế, các thể loại rõ ràng như thị giác hay biểu diễn có thể gặp những rào cản nhất định về mặt thường thức. Trong mối tương quan đó, nghệ thuật trình diễn với tính chất du kích về không gian và tính đột biến về hình thức có thể cho phép nghệ sĩ thử nghiệm linh hoạt nhất có thể, gợi mở nhiều xúc cảm cho người xem. Nghệ sĩ Trần Lương cũng đồng nhận định tính bền vững của nghệ thuật trình diễn không phải là câu hỏi về sự tồn tại và tương lai của nó mà là bản chất của nó với đủ tính đa dạng và các hình thái sinh học, bất chấp các điều kiện xã hội và chính trị.

Người nghệ sĩ trình diễn, cũng không khác biệt so với các nghệ sĩ thuộc những lĩnh vực khác trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, đều phải liên tục thực hành để làm mới mình. Bên cạnh chất liệu từ cơ thể hay những quan sát thường nhật, người nghệ sĩ cũng phải thử nghiệm với nhiều chất liệu khác. Nghệ sĩ trình diễn Dương Thanh Quang chia sẻ: “Dù coi nghệ thuật trình diễn là hình thức thực hành trọng tâm, nhưng tôi vẫn không giới hạn mình ở một chất liệu nhất định mà vẫn thử sức với nhiều chất liệu khác. Tôi xem điều này là một yếu tố quan trọng để người nghệ sĩ có thể khai phá những giác quan”.

Nghệ sĩ Vũ Đức Toàn, giám tuyển, thành viên nhóm trình diễn độc lập Phụ Lục cũng nhận định việc trau dồi và làm mới mình là điều không thể bỏ qua với người thực hành nghệ thuật. Một nghệ sĩ trình diễn có kỹ năng giỏi sẽ nhạy cảm về tình huống, chất liệu và sự tương tác. Đồng thời cũng hiểu hơn về không gian vật lý của mình khi làm, cảm nhận rõ rệt hơn về thời gian, nhịp độ, cường độ. Và quan trọng không kém là nghệ sĩ có nên đủ trí tuệ để nhìn thấy trước một vài vấn đề có thể xảy ra khi trình diễn. 

Liệu nghệ thuật trình diễn có phải là một cách tiếp cận bền vững ở Việt Nam?

Song song với đó, các yếu tố ngoại biên cũng nên được chú trọng để nâng đỡ vị trí của nghệ sĩ trình diễn ở Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ về nguồn quỹ và các hoạt động kiểm duyệt để nghệ sĩ trình diễn được thực hành bài bản hơn. Khác với những loại hình nghệ thuật khác đã có những chế tài và quy chuẩn nhất định, nghệ thuật trình diễn với hơn 20 năm tuổi đời vẫn đang đi tìm cho mình những sự hỗ trợ nhất định. Điều này vừa là khó khăn nhưng cũng là một thách thức thú vị cho các nghệ sĩ và những người ủng hộ nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam để tiếp tục kéo dài đời sống màu sắc của trình diễn thông qua những đối thoại, đàm phán liên tục. 

 * Bài viết được ủy quyền bởi culture360.ASEF.org và cổng thông tin nghệ thuật và văn hóa của ASEF.

Tham khảo

(1) GIỚI THIỆU VỀ NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN VIỆT NAM | A DRAFT OVERVIEW OF VIETNAMESE PERFORMANCE ART. (2010, September 23). IN:ACT Sự Kiện Nghệ

Thuật Trình Diễn Quốc Tế | International Performance Art Event.

https://inactevent2010.wordpress.com/3-giới-thiệu-về-nghệ-thuật-trinh-diễn-việt-nam-a-draft-overview-of-vietnamese-performance-art/

(2) Recap: “BÀN VỀ THỰC TRẠNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI VÀ NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN/VẤN ĐỀ TỔ CHỨC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT” (Hay Là Collective)

https://www.instagram.com/p/CmsURSEoHhQ/

(3) Taylor, N. A. (2016). Vietnamese Anti-art and Anti-Vietnamese Artists: Experimental Performance Culture in Hà Nội’s Alternative Exhibition Spaces.

https://www.academia.edu/30186468/Vietnamese_Anti_art_and_Anti_Vietnamese_Artists_Experimental_Performance_Culture_in_H_N_i_s_Alternative_Exhibition_Spaces

(4) Trò chuyện “Tiến trình phát triển của nghệ thuật trình diễn Việt Nam sau hơn 20 năm thực hành”; APD

(Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD)

https://apd.org.vn/en/library/event-program/elementor-4856/

Như Quỳnh

Thưởng thức sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật qua “Phản chiếu”

Thưởng thức sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật qua “Phản chiếu”

Hai nghệ sĩ Xuân Lê và Shihya Peng sẽ có chuyến lưu diễn tại Việt Nam, hứa hẹn đưa khán giả vào một thế giới vi tế và đầy cảm xúc.