Một người bà EQ cao vút: Cháu không chịu trả đồ chơi khi đi mua đồ Tết, bà chỉ nói 1 câu được khen ngợi hết lời

Một tình huống có thể gây sự chú ý và khó xử đã được bà giải quyết dễ dàng bằng vài câu nói.

Bài viết của mẹ Cúc Cúc (Trung Quốc)

Khi tôi dắt con đi mua sắm đồ Tết trong trung tâm thương mại, tình cờ gặp một người quen – bà Lưu trong khu phố đang đi cùng cháu trai Tiểu Hào. Không ngờ, chưa đi được mấy bước, tôi đã nghe thấy Tiểu Hào khóc thảm thiết ở khu vực đồ chơi, tay ôm chặt một chiếc ô tô, không chịu buông ra.

Bà Lưu không hề hoảng hốt, cười hiền từ, ngồi xuống và nói với Tiểu Hào: "Con thích chiếc xe này phải không, bà biết rồi. Nhưng đây là nhà của những chiếc xe nhỏ, nếu chúng ta mang chiếc xe này đi, các bạn nhỏ khác sẽ không có xe để chơi. Thế này nhé, con nói 'tạm biệt' với nó, lần sau chúng ta lại đến chơi cùng nó, được không?".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tiểu Hào vừa khóc vừa hít mũi, từ từ buông tay ra, ngoan ngoãn đặt chiếc ô tô vào lại giá và còn vẫy tay chào nó. Bà Lưu vỗ vai cháu, cười và nói: "Tiểu Hào thật giỏi, những đứa trẻ như con, đồ chơi mới thích nhất đấy!".

Một tình huống có thể gây sự chú ý và khó xử đã được bà giải quyết dễ dàng bằng vài câu nói. Những người xung quanh cũng tán thưởng, khen bà Lưu biết cách dạy trẻ.

Trên đường về nhà, tôi không khỏi cảm thán rằng tình huống "trẻ con nhất quyết không chịu rời đi" khi đi ra ngoài rất phổ biến với nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cách giải quyết của bà Lưu thật sự đáng học hỏi, bởi bà có trí tuệ cảm xúc cao, không chỉ tránh được việc làm trẻ khóc mà còn không tạo ra sự ngượng ngùng.

Tại sao trẻ lại ôm chặt đồ chơi không chịu buông?

Nhiều bậc phụ huynh có thể đã gặp tình huống tương tự: Trẻ vào trung tâm thương mại, nhìn thấy món đồ chơi yêu thích và ôm chặt không chịu buông, thậm chí khóc lóc om sòm. Cha mẹ cảm thấy ngại ngùng và không kiềm chế được, có thể quát tháo: "Thả ra! Về nhà mẹ sẽ mua cho con!" hoặc thậm chí giật lại đồ chơi một cách thô bạo.

Những tình huống này thường khiến cả phụ huynh và trẻ đều cảm thấy xấu hổ, trẻ cảm thấy mình không được thấu hiểu. Thực ra, việc trẻ ôm đồ chơi không chịu buông không hoàn toàn là do "hư hỏng" hay thích "làm ầm ĩ".

Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, sự bám víu vào đồ chơi của trẻ thường xuất phát từ ba nhu cầu chính:

Tò mò về những điều mới mẻ: Bộ não của trẻ rất nhạy cảm với những kích thích về thị giác và xúc giác mới mẻ. Khi trẻ nhìn thấy món đồ chơi yêu thích, tự nhiên sẽ cảm thấy rất muốn chiếm hữu.

Khao khát thể hiện cảm xúc qua đồ chơi: Đối với trẻ, đồ chơi không chỉ đơn giản là đồ vật, mà có thể là phương tiện để chúng thể hiện cảm xúc và phát triển trí tưởng tượng. Ví dụ, trẻ có thể xem chiếc ô tô đồ chơi là "bạn mới" của mình và không muốn buông tay.

Nhu cầu nhận được sự chú ý từ cha mẹ: Có khi, trẻ ôm đồ chơi không chịu buông là để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Đặc biệt với những trẻ thiếu sự quan tâm từ cha mẹ, chúng có thể dùng cách này để "thử" phản ứng của phụ huynh.

Những sai lầm thường gặp khi xử lý tình huống này

Khi gặp tình huống như vậy, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc phụ huynh là ngăn cản trẻ, thậm chí dùng lời đe dọa hoặc thái độ cứng rắn để giải quyết, ví dụ như: "Nếu con không thả ra, hôm nay đừng hòng về nhà!"; "Đừng làm mất mặt, thả ra đi!"; Hoặc thậm chí giật lại đồ chơi từ tay trẻ.

Những hành động này, dù có thể giải quyết tình huống một cách nhanh chóng, nhưng về lâu dài lại gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ:

Tổn thương lòng tự trọng của trẻ: Các biện pháp cưỡng chế có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc xấu hổ, lâu dần trẻ có thể trở nên dễ dàng khóc lóc để thể hiện sự bất mãn. 

Càng làm tăng sự gắn bó với vật chất: Càng bị tước đoạt đồ chơi một cách thô bạo, trẻ càng có thể có xu hướng khao khát sở hữu đồ chơi mạnh mẽ hơn, thậm chí học cách quấy khóc để đáp ứng nhu cầu của mình. 

Làm hỏng mối quan hệ cha mẹ - con cái: Những cuộc cãi vã và trách mắng liên tục có thể làm giảm sự tin tưởng của trẻ đối với cha mẹ, dẫn đến mối quan hệ giữa hai bên trở nên xa cách.

Cách làm này xứng đáng để các bậc phụ huynh học hỏi

Cách xử lý tình huống của bà Lưu rất thông minh, vì bà không chỉ tôn trọng cảm xúc của trẻ mà còn hướng dẫn Tiểu Hào buông đồ chơi bằng một cách thức nhẹ nhàng và hợp lý. Chúng ta cũng có thể áp dụng những kỹ thuật như sau:

Công nhận cảm xúc của trẻ, xây dựng sự kết nối cảm xúc: Khi trẻ ôm đồ chơi không chịu buông, chúng ta không nên vội vàng trách mắng. Thay vào đó, có thể ngồi xuống và nhìn vào mắt trẻ, nhẹ nhàng nói: "Con thích món đồ chơi này phải không? Bố mẹ cũng thấy nó rất đẹp!". Cách giao tiếp kiểu này sẽ khiến trẻ cảm thấy được thấu hiểu, từ đó cảm xúc của trẻ sẽ dịu lại.

Gắn "sự sống" cho đồ chơi và hướng dẫn trẻ buông tay: Trẻ có trí tưởng tượng rất phong phú, việc nhân cách hóa đồ chơi là một cách rất hay để hướng dẫn trẻ. Ví dụ, giống như bà Lưu đã nói: "Đây là nhà của những chiếc xe, các bạn nhỏ khác cũng đang đợi nó." Phương pháp này giúp trẻ hiểu rằng đồ chơi không nhất thiết phải mang về nhà, nhưng cũng không khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng.

Chuyển hướng sự chú ý và tạo ra lựa chọn thay thế: Nếu trẻ vẫn chưa nguôi ngoai, có thể thử chuyển hướng sự chú ý của trẻ. Dẫn trẻ đến một khu vực thú vị khác, hoặc hứa hẹn sẽ làm gì đó vui vẻ, chẳng hạn: "Chúng ta đi mua món trái cây con thích nhé?"; "Phía trước có khu vui chơi, chúng ta vào chơi một lúc được không?". Phương pháp này vừa giúp giảm bớt sự khó xử, vừa tránh được việc trẻ quá tập trung vào đồ chơi.

Đặt ra những quy tắc rõ ràng, giúp trẻ hiểu ranh giới: Với trẻ, việc đặt ra quy tắc trước như "chỉ nhìn thôi, không mua" hoặc "chỉ được chọn một món đồ chơi nhỏ" sẽ giúp trẻ giảm bớt hành vi mất kiểm soát khi vào trung tâm thương mại.

Hiểu Đan