Người phụ nữ trong nhà

Người phụ nữ ở trong nhà, thì nhà là của họ bởi họ biết cách làm cho ngôi nhà ấm áp, tin cậy và gắn kết.

Nhà văn Nguyễn Khải, trong tập truyện "Sống ở đời", có kể lại một giai đoạn cả gia đình ông sống dựa vào nồi bún riêu của vợ. Đó là thời kỳ mới mở cửa, nhà văn loay hoay tính chuyện làm ăn, nhưng đổ bể cả. Cuối cùng bà vợ mở quán bún riêu, rất đông khách, huy động cả gia đình bán bún. Đích thân Nguyễn Khải cũng chan nước dùng, bê bún cho khách hàng ngày. Sáng bán, tối đếm tiền, lãi nhiều, cuộc sống gia đình thoải mái hơn hẳn. Nhưng tất nhiên là một nhà văn, ông không thấy hạnh phúc với lối sống đó, mặc dù ngoài lúc giúp vợ bán bún thì ông vẫn có rất nhiều thời gian để sáng tác.

Cái ẩn ức của nhà văn Nguyễn Khải, không phải là ẩn ức xấu hổ của kẻ sĩ như nhiều người suy diễn. Đó đơn giản là ẩn ức chung của những người đàn ông, những ông chồng Việt Nam vốn luôn thừa tự trọng đến mức tự ái. Tôi có tài năng và sức khỏe, tôi chỉ cần được đặt đúng chỗ thì cái gì cũng làm được - lập luận của các đấng mày râu là như thế. Cũng có nghĩa, nếu tôi chưa có cái gì, hoặc làm cái gì cũng hỏng, thì có nghĩa là tôi chưa được đặt đúng chỗ (chữ không phải tôi bất tài hay yếu đuối).

Anh có người bạn học cũ, trai phố cổ Hà Nội, gia đình không thuộc dạng có điều kiện, nhưng cũng không để con thiếu thốn gì. Bạn học hành làng nhàng, tốt nghiệp đại học một khoa khó kiếm việc của một trường đại học khó kiếm việc. Bởi thế, 10 năm sau khi ra trường, bạn nhảy hết nghề này đến việc khác, nhưng đụng đâu hỏng đấy, ngôn ngữ dân gian hiện đại gọi là “tay trắng làm nên cục nợ”.

Tranh minh họa: Tào Linh.
Tranh minh họa: Tào Linh.

Rồi bạn lấy vợ, sinh con, và vẫn trầy trật với việc lập nghiệp. Vợ bạn chân chất, một cô gái nông thôn, khuyên chồng thôi cứ làm ăn chân chỉ hạt bột, từ từ tích cóp mà nên. Nhưng không, bạn chí lớn, đã làm là phải lớn, phải khác người. Thế là cái vòng phiêu lưu của bạn vẫn cứ quanh quẩn viển vông, gia cảnh vẫn trống huơ trống hoác. Vợ bạn nhìn đứa con nhỏ xíu còi dí dị, thở dài gửi trẻ, đi xin việc. Cô chịu khó học hỏi, lại tháo vát, nên chỉ sau một năm, được tín nhiệm cất nhắc lên vị trí cao hơn, lương rất khá.

Đến lúc này thì bạn lại kiếm cớ mắng nhiếc, yêu cầu vợ nghỉ việc ở nhà trông con, với lý do con quá nhỏ, cần mẹ dành thời gian chăm sóc nhiều hơn. Dĩ nhiên cô vợ không đồng ý, vì nếu không có thu nhập của cô, gia đình sẽ rất khó khăn, khi mà cứ vài tháng, chồng lại vác tiền nhà đi trả nợ. Giờ thì họ đã ly thân được nửa năm, cô vợ đưa con về gửi bà ngoại, còn anh chồng chìm ngập trong rượu chè say xỉn. Cứ gặp anh, bạn lại thở dài, Tôi cưới phải con vợ không biết chăm lo cho gia đình.

Một người bạn vong niên của anh, chủ chuỗi nhà hàng ăn uống đặc sản phát đạt ở Hà Nội, có quan điểm rất rõ ràng về vợ. Đó là việc gì cũng không nói quá hai câu. Câu đầu tiên, vấn đề được đưa ra. Câu thứ hai, nếu vợ đồng thuận thì thôi, còn nếu vợ trái ý, thì bỏ qua không nói nữa. Tức là về bản chất, thực ra cho mọi vấn đề đều chỉ nằm trong một câu đầu tiên mà thôi.

Người bạn ấy đã ngoại lục tuần, vợ trẻ hơn chồng cả giáp. Chị là mẫu phụ nữ hàng phố, tháo vát, sắc sảo, có thể thừa ngoa ngoắt nhưng cũng không bao giờ thiếu biết điều. Cực kỳ ít khi thấy ông chồng nổi nóng, nhưng mỗi khi ấy, chị chỉ cười, cái cười tươi tắn hòa nhã, chứ không phải cái cười sắc lạnh ẩn giấu nguy cơ. Nhưng lúc bình thường vui vẻ, thỉnh thoảng anh nói: "Tôi nể vợ nhất".

Người đàn ông ấy giỏi kiếm tiền, nhưng cũng cực kỳ bốc đồng trong tiêu pha. Hàng chục chiếc xe phân khối lớn chật cứng trong nhà ngoài sân, là bằng chứng cho những cơn bốc đồng ấy. Chị hầu như không cản chồng, nhưng một khi chị lắc đầu, có nghĩa là việc ấy rất cần thiết, có nghĩa là anh đang thiếu tỉnh táo rồi. Thi thoảng, anh khoác chiếc áo da, đội mũ bảo hiểm và lái chiếc mô-tô phân khối lớn giá bằng chiếc ô tô hạng sang, tham gia một đoàn xuyên Việt nào đó. Chỉ có một lần chị lắc đầu và anh ở nhà. Lần ấy, huyết áp anh bất ngờ lên một mức rất cao, chút nữa thì đột quỵ.

Nhà văn Nguyễn Khải có thể ẩn ức với nồi bún riêu của vợ trong một giai đoạn nào đấy. Nhưng bạn bè thân hữu của ông đều kể rằng, cuộc đời tôn thờ sự bình an của ông, vốn chưa bao giờ thiếu được vai trò của vợ.

Những người phụ nữ ở trong nhà, thì nhà là của họ. Khi họ đi ra ngoài, thì nhà không còn là nhà nữa. Không phải vì họ sẽ nấu ăn, sẽ dọn dẹp, sẽ trồng cây, tưới hoa, hay chăm sóc bọn trẻ. Mà bởi vì họ biết cách làm cho ngôi nhà ấy ấm áp, tin cậy, và gắn kết. Đó là thiên chức của phụ nữ. Bởi thế, những người đàn ông thực sự không phải sợ vợ mình, mà là họ sợ ngôi nhà sẽ thiếu đi người phụ nữ. Trong tiếng Hán, chữ An gồm ở trên là bộ 宀 miên, nghĩa là mái nhà, ở dưới là bộ 女 nữ. Người phụ nữ ở dưới mái nhà, thì đó là An.

Gia Hiền

Có chồng để làm gì?

Có chồng để làm gì?

Nếu cuộc sống của mình không thể tốt đẹp hơn thì lấy chồng làm gì khi những muộn phiền, áp lực cuộc sống chẳng thể được san sẻ mà lại tăng lên?