Nhà khoa học dành trọn tâm huyết cho lâm nghiệp

PGS.TS Trần Thị Thu Hà say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, trực thuộc Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), là nhà khoa học nữ đầy tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam. Thành tựu đáng chú ý là nghiên cứu, lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, PGS.TS Trần Thị Thu Hà là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống dược liệu quý, được cấp bằng bảo hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; là chủ nhiệm của 7 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho các sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, với 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được áp dụng vào thực tiễn.

Nhà khoa học dành trọn tâm huyết cho lâm nghiệp

PGS.TS Trần Thị Thu Hà sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, từ nhỏ những cánh rừng miền núi Con Cuông đã gắn liền với tuổi thơ của chị. Mặc dù là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh Nghệ An suốt 3 năm học THPT, nhưng vào đại học chị lại chọn trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên như một cơ duyên.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã bắt đầu tham gia các dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid….

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Úc, chị từng được 2 giải thưởng quốc tế và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Chị có cơ hội được ở lại nước ngoài, hoặc tham gia làm việc tại các tổ chức quốc tế, với thu nhập rất cao, nhưng với mong muốn đem những kiến thức được học về ứng dụng và giúp đỡ đồng bào, đóng góp cho quê hương, chị lựa chọn trở về.

Về nước, theo sự phân công của nhà trường chị bắt đầu thành lập trung tâm nghiên cứu với mô hình tự chủ theo Nghị định 115– giờ là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).

Từ năm 2007, cùng với sự giúp đỡ của nhà trường, chính quyền địa phương và 2 cộng sự khác, chị bắt đầu giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn bằng nguồn vay cán bộ nhà trường để trồng lại rừng, theo hướng thâm canh và xây dựng hệ thống rừng giống và khu khảo nghiệm giống.

Muôn ngàn khó khăn chồng chất, nhưng chị không hề chùn bước. Một mặt chị miệt mài nghiên cứu, tập trung chọn và nhân giống một số loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng và trong sách đỏ Việt Nam như: Lan kim tuyến, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím, hoàng tinh đỏ, thất diệp nhất chi hoa...

Ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử để lai tạo, nhân giống, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã tạo ra được rất nhiều giống tốt với quy mô công nghiệp, giúp phát triển ngành dược liệu Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu trên cũng giúp chị đăng ký được 11 đoạn gen đặc trưng thông đất trên ngân hàng gen NCBI, xác định được 6 xuất xứ có hàm lượng Hupezin A cao, xây dựng được vườn giống gốc cây thông đất tối ưu phục vụ công tác lai tạo và nhân giống.

Chị cũng tham gia chủ trì 14 đề tài, dự án chuyển giao công nghệ cấp tỉnh, cấp Bộ. Ngoài ra, chị còn là tác giả của nhiều đề tài xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển nông lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững, sinh kế người dân vùng cao cho nhiều địa phương trong cả nước.

Đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen mai cây tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”, thuộc Chương trình Quỹ gen quốc gia (2017 - 2020) do PGS.TS Trần Thị Thu Hà chủ nhiệm đã giúp cho các địa phương khai thác và phát triển được nguồn gen mai cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu ở địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang tạo ra giá trị lớn cho người trồng rừng có thể thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm (măng, lá, giống cây con) ở các vùng núi cao.

Nhà khoa học dành trọn tâm huyết cho lâm nghiệp

Không chỉ xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học, chị còn là một nhà quản lý tài ba. Từ con số 0, chị và cộng sự đã xây dựng Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (trực thuộc Đại học Nông lâm Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên) thành đơn vị tự chủ về ngân sách và thành đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà cũng là người đưa ra định hướng thành lập doanh nghiệp khoa học cùng đồng hành với Viện nghiên cứu nhằm thương mại hóa những sản phẩm ra thị trường. Qua đó, giúp hàng trăm kỹ sư mới ra trường là phụ nữ người dân tộc thiểu số làm chủ công nghệ về lĩnh vực giống, nông lâm nghiệp, tạo ra việc làm cho người dân địa phương. Chị đã và đang tích cực hỗ trợ về khoa học công nghệ và định hướng các sản phẩm chủ lực cho ba hợp tác xã ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang.

Trong suốt thời gian công tác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, chị đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thưởng “Kovalevskaia năm 2019” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; giải thưởng “Bài báo xuất sắc về Tương lai lâm nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương” do Tổ chức FAO tặng. Gần đây nhất, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã được vinh danh trong Top 100 nhà khoa học xuất sắc nhất châu Á.

Hoàng Tùng

Nữ trí thức và hội nhập thế giới

Nữ trí thức và hội nhập thế giới

PNM xin đưa những góp ý của Đại sứ, TS Luận Thùy Dương-Hội Nữ trí thức Việt Nam về Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII