Nếu nhắc đến những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Hà Nội, có ai là không biết đến đền Ngọc Sơn, ngôi đền nhỏ được bao bọc trên đảo nhỏ nằm giữa Hồ Gươm. Xuân đến, Hạ về, Thu qua, Đông tới, chẳng lúc nào đền Ngọc Sơn vắng những bước chân. Người ta đến thăm đền Ngọc Sơn không chỉ vì nơi đây là điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, mà ở nơi này còn cất giấu bao giá trị văn hóa của ngàn năm văn hiến, của đất kinh kỳ non sông gấm vóc.
Đền Ngọc Sơn - Một "điểm tựa" tâm linh mang đậm dấu ấn thời gian
Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân, đền Ngọc Sơn luôn tấp nập người đến thăm thú, chiêm bái, thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Không cứ ngày đầu năm Xuân tháng Ba, mùng 1 hay ngày Rằm, đến mùa thi nhiều sĩ tử cũng thường đến đây thăm đền để tìm kiếm điểm tựa tâm linh, tự gửi đến bản thân lời chúc may mắn trước mỗi kỳ thi.
Hay trong những ngày Thu tháng 9, tiết trời mát dịu, từng cơn gió se se khiến lòng người yên ả, dạo quanh Bờ Hồ, người ta lại ngoảnh đầu nhìn hòn đảo nhỏ giữa hồ, lòng bỗng dưng bồi hồi, tò mò đưa bước chân lên chiếc cầu Thê Húc màu đỏ như dải lụa đào sang xem "xứ ấy" có gì đặc biệt.
Từ cổng đền Ngọc Sơn, phía bên tay trái có mô đất cao, gọi là núi Ngọc Bội, được xếp đá và dựng lên đỉnh một ngọn tháp 5 tầng bằng đá. Trên cùng có ngọn bút lông cũng bằng đá.
Tháp Bút ấy không nguy nga, cũng chẳng lộng lẫy nhưng đây là dấu tích vang bóng một thời của những sĩ phu đất Việt. Dẫu nhỏ bé và khiêm nhường nép bên lối vào nhưng mang trong mình hoài bão "Tả thiên thanh" (viết lên trời xanh) - chính là ba chữ viết trên thân tháp.
Kết hợp với hai câu đối "Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn/ Kình thiên bút thế thạch phong cao" (Tạm dịch: Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ/ Chạm bầu trời thế bút ngất núi) ngụ ý nói về khí phách của người cầm bút, dốc lòng theo sự nghiệp học hành. Tháp Bút là biểu tượng của tinh thần yêu chuộng văn chương lễ nghĩa, lòng hiếu học. Đài Nghiên - Tháp Bút là cặp kiến trúc đối xứng, là biểu tượng của văn nghiệp đất trời.
Đi qua Tháp Bút đến một chiếc cổng, trên nóc cổng là Đài Nghiên. Đó là chiếc nghiên lớn bằng đá hình nửa quả đào đặt trên ba con ếch đá. Thân nghiên đá có khắc một bài minh, hai bên cổng được đắp hình rồng hổ tượng trưng cho sự thành đạt của những người dốc lòng học tập.
Lớp cổng giữa được giới hạn bằng hai cột trụ có hai bức đắp nổi hình Long môn - Hổ bảng. Đây là biểu tượng khuyến học theo Nho giáo. Theo quan niệm của người phương Đông, Long môn chỉ sự thành công trong thi cử với huyền tích cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. Còn Hổ bảng là bảng ghi lại những người đỗ Tiến sĩ, được coi là những Rồng, những Hổ trên văn đàn. |
Trong đảo Ngọc, trên nền cũ của cung Khánh Thụy là một ngôi đền nhỏ trong đám cây cỏ mọc rậm, đó là đền tư nhân tên Tín Trai, thờ Tam Thánh (Quan Công và tùy tùng là Châu Xương, Quan Bình). Sau này ông nhường nửa phần đất cho Hội Hướng thiện. Đặt thêm bàn thờ Trần Hưng Đạo giữa Hậu cung, người là Anh hùng dân tộc, cũng như một nhà quân sự, chính trị thiên tài có tài văn chương sắc sảo. Năm 1842, có thêm tượng thờ Văn Xương - vị thần chủ trì việc học. Một thời gian sau có thêm tượng Lã Đồng Tân - vị tiên có tài tìm thuốc chữa bệnh.
Có lẽ chính vì những biểu tượng đẹp này mà nhiều học sinh, sinh viên ghé thăm đền để mong nhận được một chút "vía may mắn" về sự nghiệp học hành.
Nơi vãn cảnh đẹp giữa trung tâm Hà Nội
Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn có nhắc đến cảnh trí của đền Ngọc Sơn khi xưa.
Cổng chính nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, lớp cổng đầu tiên gồm 4 cột xây bằng gạch và hai mảng tường lửng. Hai chữ Hán là "Phúc" và "Lộc" đắp hai bên tường lửng được sơn màu đỏ son, tương truyền là do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viết, tựa như lời chúc mọi sự tốt lành cho những ai khi đặt chân tới đây.
Sau khi đi qua chiếc cầu gỗ đỏ cong cong như "dải lụa đào" vắt ngang hồ nước - cầu Thê Húc (nơi đậu của ánh sáng ban mai) là một chiếc cổng. Cổng có lầu mang 3 chữ “Đắc Nguyệt Lâu", tức là lầu hứng được ánh trăng, lầu được trăng.
Cầu Thê Húc dẫn sang đền Ngọc Sơn năm 1906 xưa (ảnh: Edgard Imbert) và cầu Thê Húc nay (ảnh: V) |
Hai bên cổng đắp hình long mã và rùa thần đội đồ thư và gươm báu. Bên cổng có câu đối:
"Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn
Lầu dương minh nguyệt tọa hồ tâm".
(Cầu gỗ như chiếc cầu vồng đưa lên bờ đảo
Lầu cao soi trăng sáng nằm giữa lòng hồ). - bản dẫn dịch của Nguyễn Văn Uẩn
Những chi tiết như long mã hay rùa thần đều là linh vật liên quan đến truyền thống võ công văn học tựa như tháp Bút đài Nghiên đã nói ở trên. Cũng giống như việc đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương nhằm thay thế cho Văn Miếu đã bị chuyển vào Huế.
Hai bức tranh Long mã Hà đồ và Thần quy Lạc thư dựa vào điển tích xưa thời Phục Hy có Long mã nổi trên sông Hoàng Hà mà vẽ ra Bát quái toàn đồ và thời Đại Vũ dựa vào rùa Thần nổi trên sông Lạc mà tạo ra Cửu trù. Đó đều là những phát minh quan trọng về số học, dựa vào đó để tính toán sự việc của nhân sinh. |
Cổng chính đền có ba chữ "Ngọc Sơn tự", hai bên mặt trụ có hai câu đối: "Lãm thủy đăng sơn nhất lộ tiềm nhập giai cảnh - Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang" (Tới cổng đền ngắm làn nước, leo lên núi, một lối đi dẫn vào nơi cảnh đẹp - Tìm nguồn xưa, hỏi việc cũ, nơi này vô hạn phong quang).
Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Nơi đây cũng đã trải qua nhiều cuộc trùng tu nhưng vẫn giữ được nhiều kiến trúc xưa để có được diện mạo như ngày nay.
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, đền Ngọc Sơn khiến cả thành phố lo lắng. Khi đó xảy ra vụ cháy tại bốt bán vé ngay chân cầu Thê Húc làm người ta lo lại sẽ gây hư hại cả một khi di tích đặc biệt. Nhắc lại để thấy tình cảm đặc biệt mà người Hà Nội dành cho ngôi đền này. Nơi đây như chứng tích của thời gian, cho người ta không gian để thảnh thơi, để chìm đắm trong những buổi chiều thu mát rượi, trong những làn gió heo may se se. Giữa không khí đất trời như vậy, người ta nghe những câu chuyện xưa dội về, người ta tìm thấy những điều quý giá được cất giữ ở ngôi đền nhỏ.
Nơi lưu giữ "báu vật" của Thủ đô
Đến đây thăm đền, du khách sẽ được vào chiêm bái tượng Quan Vũ cùng tùy tùng, tượng Lã Tổ (hai bên là tượng Thiên Khôi, Thiên Việt). Phía trong là tượng Văn Xương - biểu trưng cho khoa cử, học hành. Đi ra sau Hậu cung có đặt Cửu Thiên Vũ Đế thánh tượng - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. |
Trước Trấn Ba đình có kè đá "chắn sóng" với ngụ ý chắn các làn sóng văn hóa độc hại xâm lấn vào nền văn hóa truyền thống của người Việt. Phía trước đền chính là Trấn Ba đình. Đình có ngói đỏ dựng trên nền cao, xây dựng kiến trúc 2 tầng 8 mái với 4 cây cột bằng gỗ và 4 cây cột bằng đá đỡ lấy 2 tầng mái thanh thoát cong vút lên thinh không. |
Lên đảo Ngọc thăm đền Ngọc Sơn, du khách nào cũng ghé thăm phòng trưng bài tiêu bản rùa hiếm. Với mỗi người dân Hà Nội, "cụ" rùa hồ Gươm chẳng khác nào một "báu vật", gắn liền với văn hóa bao đời của Hà Nội. Theo dân gian, Rùa là một trong Tứ linh, biểu tượng cho sự trường tồn. Trong tâm thức xưa, hình tượng Rùa gắn liền với lịch sử một thuở vàng son của dân ta. Điều ấy được thể hiện rõ qua truyền thuyết thần Kim Quy cho An Dương Vương mượn móng làm lẫy nỏ thần đánh tan tác quân Triệu Đà vào thế kỷ III TCN.
Cũng theo truyền thuyết, đến thế kỷ XV, nhờ có rùa vàng cho Lê Lợi "mượn gươm thần" nên đã chiến thắng trong kháng chiến chống quân Minh. Sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã trả lại gươm thần cho rùa vàng trên hồ Lục Thủy, nay là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) và rùa sống ở đây được gọi là rùa Hồ Gươm.
"Cụ" rùa trong ảnh trái mất năm 1967, nặng 250kg, dài 2.1m, rộng 1.2m, được bảo quản bằng phương pháp nhồi xác và ngâm tẩm hóa chất. Tiêu bản thứ 2 thuộc về "cụ" cùa mất ngày 19/1/2016, nặng 169kg, mai dài 1.85m, rộng 1.08m, được bảo quản bằng công nghệ nhựa hóa của Cộng hòa Liên bang Đức. |
Thời gian trôi qua rồi, nhưng hẳn người dân Thủ đô ai cũng nhớ những lần cụ rùa nổi ở hồ Hoàn Kiếm. Cứ mỗi lần rùa nổi, như một sự kiện lớn khiến người dân háo hức, hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng bằng được. Năm 2005, khi cả nước đón ngày Kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh 2/9/1945 - 2/9/2005, cụ rùa Hồ Gươm nổi lên thu hút sự chú ý của người dân. Chỉ 1 năm sau đó, cụ rùa nổi nhiều lần, đó là vào ngày 20/3/2006, ngày 24/3/2006. Không lâu sau đó, cụ rùa lại nổi vào ngày 18/4 và 25/4. Đến tháng 10 cùng năm, vào dịp kỷ niệm 52 năm ngày Giải phóng Thủ đô, người dân cũng xôn xao khi cụ rùa nổi lên. Đến 8/11/2006, khi Hà Nội tổ chức các hoạt động mừng Hội nghị APEC và Việt Nam gia nhập WTO, cụ rùa cũng gây thích thú khi nổi lên nằm ở chân Tháp Rùa.
Một vài lần xuất hiện của cụ rùa nữa là vào năm 2009, một lần vào hồi tháng 1, lần 2 vào dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Thủ đô và 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến năm 2010, cụ rùa nổi lên rất nhiều lần, tiêu biểu là vào dịp khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Và các lần xuất hiện sau đó vào năm 2011, 2013 và 2015.
Rùa Hồ Gươm cực kỳ quý hiếm, trên thế giới chỉ có 6 cá thể. Theo thông tin tại đây, đền Ngọc Sơn đang trưng bày 2 tiêu bản rùa Hồ Gươm, chúng ta vẫn thân thương gọi là cụ rùa. Những tiêu bản quý hiếm này không chỉ mang lại giá trị trực quan cho tất cả du khách đến đây chiêm ngưỡng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời là ví dụ sinh động cho các em nhỏ có thể đến ngắm nhìn cụ rùa trong truyền thuyết.
Vòng quanh đền là lối đi nhỏ xen lẫn hoa cảnh, được bao bọc bởi những cây sanh rủ bóng xuống hồ. Chỉ một khắc, ngồi xuống nghỉ ngơi, dõi mắt ra phía xa. Dường như nơi này có thể "ngưng đọng" thời gian, tách biệt với sự xô bồ của cuộc sống hai bên bờ.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều nơi để đi, nhiều cảnh đẹp để chiêm ngưỡng. Nhưng có lẽ, không đến thăm đền Ngọc Sơn một lần, hẳn sẽ nuối tiếc lắm. Nơi ấy còn tích xưa, chuyện cũ và cũng là nơi gửi gắm nhiều niềm tin vào những điều tốt đẹp hơn ở phía trước.
Chương trình văn hóa nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan sẽ được tổ chức trang trọng tại Núi Bà, Tây Ninh
Rằm tháng 7 năm nay, núi Bà Đen, Tây Ninh sẽ là nơi để các Phật tử hướng tấm lòng hiếu nghĩa đến các bậc sinh thành, thông qua nhiều hoạt động, trải nghiệm văn hóa tâm linh ý nghĩa được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan, từ ngày 26/8-03/9 (tức từ 11-19/7 âm lịch).