Nữ Tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam

Bà Hoàng Thị Nga là người tiên phong phá vỡ định kiến xã hội, khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học
  • Gần một thế kỷ trước, vào năm 1935, bà Hoàng Thị Nga đã ghi tên mình vào lịch sử trí thức Việt Nam khi trở thành người phụ nữ đầu tiên của đất nước đạt học vị Tiến sĩ tại Pháp. Hành trình của bà là câu chuyện đầy cảm hứng về sự vượt khó, khát vọng tri thức và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Dòng dõi khoa bảng, hun đúc tinh thần hiếu học

Hoàng Thị Nga sinh năm 1903 tại làng Đông Ngạc, tổng Minh Cảo, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Cầu Đơ (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong một gia đình có bề dày truyền thống khoa bảng. Ông tổ của bà là Hoàng Nguyễn Thự, đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Đinh Mùi (năm 1787). Cha bà, ông Hoàng Huân Trung, cũng là một trí thức nổi tiếng với bằng Cử nhân và từng đảm nhiệm chức Tri phủ Phú Thọ, sau này trở thành Hội trưởng Hội Khai trí Tiến đức. Gia đình bà còn có nhiều người thành danh khác như ông Hoàng Cơ Nghị, cử nhân Vật lý, và ông Hoàng Cơ Bình, bác sĩ Y khoa.

Chân dung bà Hoàng Thị Nga
Chân dung bà Hoàng Thị Nga

Lớn lên trong môi trường trí thức, Hoàng Thị Nga được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến ngay từ nhỏ. Bà theo học tại trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt Ecole Brieux (nay là trường THCS Thanh Quan) và trường Sư phạm nữ sinh người Việt (nay là trường THCS Trưng Vương) tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu sự nghiệp trồng người với công việc giảng dạy tại Đáp Cầu, Bắc Ninh.

Người phụ nữ tiên phong phá vỡ định kiến xã hội, chạm tới đỉnh cao khoa học

Niềm đam mê học hỏi đã thôi thúc Hoàng Thị Nga sang Pháp du học. Bà theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm, sau đó là khoa Khoa học của Đại học Paris. Năm 1931, bà tốt nghiệp Cử nhân Khoa học.Với quyết tâm cao độ, bà tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Vật lý vào năm 1935. Đề tài nghiên cứu của bà là "Tính chất quang điện của các chất hữu cơ". Thành tựu này đã được Tạp chí Khoa học số 97 (1/7/1935) ca ngợi trong bài viết: "Vẻ vang cho phụ nữ Việt Nam:  Hoàng Thị Nga đạt Tiến sĩ Khoa học Vật lý".

Trang bìa luận án Tiến sĩ của bà Hoàng Thị Nga. Ảnh tư liệu
Trang bìa luận án Tiến sĩ của bà Hoàng Thị Nga. Ảnh tư liệu
Bài báo về bà Hoàng Thị Nga trên tờ Tạp chí Khoa học số 97 ngày 1/7/1935. Ảnh tư liệu
Bài báo về bà Hoàng Thị Nga trên tờ Tạp chí Khoa học số 97 ngày 1/7/1935. Ảnh tư liệu

Trở về nước, Tiến sĩ Hoàng Thị Nga được Toàn quyền Pháp Decoux tiếp đón nồng nhiệt. Bà không chỉ là một nhà khoa học tiên phong mà còn là biểu tượng cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ.

Bên cạnh sự nghiệp học thuật, bà Hoàng Thị Nga còn được biết đến là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học (hoặc Cao đẳng Khoa học). Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà không kéo dài. Có một số thông tin cho rằng bà cũng từng là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y khoa sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng điều này vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi.

Cuộc đời của Hoàng Thị Nga vẫn còn nhiều bí ẩn. Sau khi rời Việt Nam, bà sang Pháp định cư và mất năm 1970. Di cốt của bà được an táng tại thành phố Nice, sau đó được chuyển về nghĩa trang Antony, Hauts-de-Seine vào năm 2000.

Tiến sĩ Hoàng Thị Nga là một tấm gương sáng về nghị lực và sự kiên trì của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 20. Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long, từng nhấn mạnh bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sĩ ở một lĩnh vực khoa học, điều vô cùng hiếm hoi và khó khăn đối với phụ nữ thời bấy giờ. Hành trình học tập và nghiên cứu của bà Nga đã chứng minh cho tinh thần vượt khó, dám phá vỡ những giới hạn để chinh phục đỉnh cao tri thức.

Diệu Hương

Loretta Ciraldo, nữ tiến sĩ da liễu truyền cảm hứng về vẻ đẹp tuổi tác

Loretta Ciraldo, nữ tiến sĩ da liễu truyền cảm hứng về vẻ đẹp tuổi tác

Ở tuổi 71, nữ tiến sĩ vẫn sở hữu làn da khỏe đẹp và trung thành với thói quen chăm sóc da tối giản