Những ngày cuối tháng 8/2024, mưa lũ đã tràn qua huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, gây ra những thiệt hại nặng nề cho bà con nơi đây. Xã Quang Vinh, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 6/8 xóm ngập nặng, nhà cửa, đường xá chìm sâu trong nước lũ, bà con phải chạy lên bìa rừng, dựng lán nghỉ tạm. Giữa biển nước mênh mông, toàn bộ cây trồng, nông sản gần như mất trắng, điện mất, thiếu thốn đồ dùng vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu, nhiều nhà gạo, mì không còn đủ ăn, khó khăn chồng chất khó khăn.
6/8 xóm xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bị ngập nặng, nhà cửa, đường xá chìm sâu trong nước lũ, bà con phải chạy lên bìa rừng, dựng lán nghỉ tạm. |
Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, một câu chuyện đầy xúc động về tình thương, tình đoàn kết quân dân và tình mẫu tử đã tỏa sáng, mang lại những tia hy vọng, sự ấm áp cho bà con vùng lũ.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 28/8, chị Hoàng Thị Niền, một người phụ nữ dân tộc Nùng sinh năm 1994, sống tại xóm Lũng Nặm, xã Quang Vinh, đã bất ngờ trở dạ dù chưa đến ngày dự sinh và cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Trong khi nước lũ vẫn đang dâng cao, mọi con đường đều bị chia cắt bởi dòng nước lũ, việc tìm một nơi an toàn để sinh nở trở nên vô cùng khó khăn.
Gia đình chị Niền cũng chưa kịp chuẩn bị đồ đạc gì, bối rối liên lạc khắp nơi tìm bè đưa chị tới trạm y tế xã. Nhưng trạm y tế giờ đây đã ngập trong biển nước.
Khi biết tin về trường hợp cấp cứu của chị Niền, các cán bộ địa phương đã lập tức di chuyển cano vào đón sản phụ. Trên chuyến cano lướt qua dòng nước lũ, giữa cái nắng gay gắt, những cơn đau chuyển dạ càng ngày càng tăng. Dưới sự trợ sinh của chị Đào Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quang Vinh, chưa kịp tới trung tâm y tế huyện, chị Niền đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Và chiếc cano cứu hộ đơn sơ bỗng chốc hóa thành một phòng sinh đặc biệt, nơi tình mẫu tử thiêng liêng được nâng niu bởi tình thương, tình quân dân giữa thiên tai khắc nghiệt.
Phép màu đã xảy ra trên "phòng sinh đặc biệt" giữa biển nước lũ, chị Niền vượt cạn thành công. Tiếng khóc chào đời của bé hòa lẫn tiếng cano, xua tan đi phần nào không khí căng thẳng, lo lắng của đoàn cứu hộ. Video: Nông Tuyển |
Giữa những thiếu thốn về trang thiết bị y tế trên cano, việc cắt dây rốn cho em bé là không thể. Trong tình huống cấp bách đó, các cán bộ và đội cứu hộ đã nỗ lực hết mình, đưa chị Niền và bé sơ sinh đến Trung tâm Y tế huyện trong thời gian nhanh nhất. Tại đây, các y bác sĩ đã kịp thời thực hiện các thủ tục cần thiết, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Hiện tại, hai mẹ con chị Niền đang được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Y tế huyện. Dù vẫn còn yếu và chưa có sữa, nhưng sức khỏe của chị Niền đang dần hồi phục.
Chị Hoàng Thị Niền và em bé hiện đang được chăm sóc sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh. Ảnh: Hội LHPN huyện Trùng Khánh |
Tin hai mẹ con chị Niền đều "mẹ tròn con vuông" nhanh chóng được lan tỏa, mang theo niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình chị Niền và cả cộng đồng. Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng xen lẫn những lo lắng, bởi hoàn cảnh của chị Niền vô cùng khó khăn, gia đình chị bị cô lập hoàn toàn, không còn gì ngoài bốn bức tường trống trơn. Bé mới sinh chưa có quần áo, tã lót, bỉm sữa, trong khi gia đình không có lấy một đồng.
Ngay sau khi biết tin, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trùng Khánh đã nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình chị Niền. Không chỉ hỗ trợ về vật chất với số tiền 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cần thiết, Hội còn động viên, khích lệ chị Niền vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đại diện Hội LHPN huyện Trùng Khánh đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình chị Niền. Ảnh: Hội LHPN Trùng Khánh |
Câu chuyện về người mẹ vượt cạn trên cano cứu hộ đã lay động trái tim của biết bao người. Từ các chi hội phụ nữ trong huyện, nhiều chị em đã chung tay góp sức, ủng hộ chị Niền. Tính đến chiều ngày 28/8, số tiền quyên góp đã lên tới hơn 3 triệu đồng, cùng nhiều đồ dùng cần thiết cho em bé sơ sinh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hội LHPN huyện Trùng Khánh còn tặng 6 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, cho các chi hội phụ nữ xóm trong xã Quang Vinh. Đồng thời, Thường trực Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Trùng Khánh cũng đã có những hành động kịp thời, cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng tại xã Quang Vinh, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong cơn hoạn nạn.
Câu chuyện về chị Niền và em bé sinh ra trong mùa lũ, với "phòng sinh đặc biệt" là chiếc xuồng cứu hộ, là một minh chứng sống động cho sức mạnh của tình yêu thương, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết của người Việt. Dù thiên tai có thể cuốn trôi đi tất cả, nhưng nó không thể nào dập tắt được ngọn lửa của tình người.
Nghĩa tình mùa lũ
Người dân xã Phú Lương và Thị Trấn Phú Đa thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận những tấm lòng "nghĩa tình mùa lũ".