Phụ nữ nội trợ Nhật Bản, tinh hoa đi liền thách thức: Sự dịch chuyển của tương lai

Mặc dù vị thế “nội trợ” trong xã hội Nhật rất phổ biến và được tôn trọng hơn nhưng liệu đây có là lựa chọn duy nhất của người phụ nữ?

Mặc dù vị thế “nội trợ” trong xã hội Nhật là rất phổ biến và dường như là được tôn trọng hơn so với xã hội phương Tây, thì hiện nay những cuộc tranh luận về đời sống nội trợ đang trở nên ngày càng sôi nổi và mạnh mẽ: Liệu đây có nên là lựa chọn duy nhất của người phụ nữ?

Tới thời điểm hiện tại, theo các khảo sát về mẫu hình gia đình lý tưởng, vẫn có hơn 1/3 phụ nữ trẻ Nhật Bản coi mục đích lớn nhất là trở thành cô dâu xinh đẹp và muốn được ở nhà làm nội trợ sau khi kết hôn, cho thấy khuôn mẫu xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. 

Tuy nhiên, không thể không nhận thấy rằng gần đây vẫn có những con sóng ngầm trong đời sống của người nội trợ, dấy lên những tranh cãi không dứt với điều vốn tưởng như là bình thường trong xã hội. Không chỉ là một gánh nặng khó khăn khó thích nghi với người nước ngoài như đã nói ở bài trước, nhiều phụ nữ Nhật cũng nhận thấy sự “hy sinh phi lý” mà mình phải chịu đựng cho cuộc hôn nhân của mình.

Các bà mẹ Nhật phải lao động vất vả không chỉ bởi đòi hỏi cầu kỳ của mô thức sống cũ mà còn bởi các đặc trưng sinh hoạt.
Các bà mẹ Nhật phải lao động vất vả không chỉ bởi đòi hỏi cầu kỳ của mô thức sống cũ mà còn bởi các đặc trưng sinh hoạt.

Việc các bà mẹ Nhật phải lao động vất vả gấp đôi người bình thường, không chỉ bởi đòi hỏi cầu kỳ của các mô thức sống cũ, mà còn bởi các đặc trưng sinh hoạt khiến cho họ phải dậy sớm, mua sắm và làm việc nhà nhiều hơn gấp bội. Đã có nhiều cô gái từ chối lập gia đình để theo đuổi sự nghiệp hơn là lâm vào một “kết cuộc” không lựa chọn. Đó là những đòi hỏi cấp thiết nảy sinh từ một xã hội thiếu hụt nhân lực, là những khát khao thầm kín của những người phụ nữ ưu tú giàu năng lượng vẫn muốn cống hiến cho công việc và học tập.

Không khó để nhận ra các thách thức nhân khẩu học: với tốc độ lão hóa quá nhanh và tỉ lệ sinh thấp, nước Nhật đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng, trong khi đó, một lực lượng lao động ưu tú và được hưởng nền giáo dục ưu việt là các bà nội trợ lại đang lãng phí thời gian của mình tại gia. Những người phụ nữ này hy vọng sẽ bù đắp được lỗ hổng của sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao trong xã hội Nhật.

Ngoài ra những áp lực về kinh tế cũng khiến cho mô hình kinh tế một người làm chủ lực trở nên khó khăn và nhiều rủi ro hơn. Mặt trái của cuộc sống nội trợ cũng không phải là dễ thở: nhiều phụ nữ Nhật trở thành những bà mẹ trực thăng và không thể cảm thấy hoàn toàn thanh thản trong quá trình nuôi dậy con, nhiều người cảm thấy mất tự do và không được đối tác tôn trọng….

Điều này thôi thúc phụ nữ Nhật trở lại với công sở nhiều hơn, đặc biệt là khi chính phủ mới của ông Abe với chính sách kinh tế mới đang ngày càng khuyến khích phụ nữ trở lại làm việc. Nhiều phụ nữ với những năm tháng quán xuyến việc nhà vẫn tỏ ra xuất sắc khi trở lại nhiệm sở vì các kỹ năng và tư duy của họ vẫn được mài sắc trong những năm tháng chăm sóc gia đình một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn rất khó để lựa chọn cuộc sống giữa một con đường sự nghiệp và một gia đình toàn vẹn. 

Với xã hội Nhật, khi một bà nội trợ ở nhà và thực sự quản lý tất cả mọi thứ, gia đình được tổ chức tốt đẹp hơn và người đàn ông cảm thấy có chỗ dựa hơn. Vì vậy, gia đình không bị đẩy vào trạng thái căng thẳng, có thể có nhiều thời gian rảnh hơn bên nhau.

Sự mất tự do và thiếu tôn trọng từ đối tác khiến phụ nữ mong muốn trở lại với công sở nhiều hơn.
Sự mất tự do và thiếu tôn trọng từ đối tác khiến phụ nữ mong muốn trở lại với công sở nhiều hơn.

Khi một bà nội trợ giám sát và giúp con của mình làm bài tập ở nhà, đứa trẻ sẽ được nhận sự giáo dục tốt hơn và không cần khổ sở ở những lớp học thêm. Khi một bà nội trợ chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh hàng ngày và chăm sóc sức khoẻ của gia đình, gia đình sẽ có thể duy trì sức khỏe và không cần phải trả nhiều hóa đơn bệnh viện. Khi một bà nội trợ ở nhà, đứa trẻ được coi là hưởng trọn vẹn tình yêu thương của mẹ, được lưu giữ ký ức với các món ăn ngon của mẹ và trưởng thành trong lành mạnh.

Thật dễ dàng để một phụ nữ Nhật bị đánh giá là một người mẹ không chuyên nghiệp khi lựa chọn thành công một cách chuyên nghiệp.  Cũng dễ bị đánh giá là lười biếng khi lựa chọn trở thành một người vợ ở nhà trong một thế giới có khát khao tạo cơ hội nghề nghiệp bình đẳng cho phụ nữ. Và cũng càng khó khăn cho những người đứng giữa ngã ba đường khi những cải cách về chính sách vẫn chưa cởi trói cho họ để thực sự được giải phóng khỏi gánh nặng chăm sóc con cái và tìm được niềm đam mê trong sự thăng tiến.

Quỳnh Châu

Phụ nữ nội trợ Nhật Bản, tinh hoa đi liền thách thức (Kỳ 1): Đời nội trợ bận rộn

Phụ nữ nội trợ Nhật Bản, tinh hoa đi liền thách thức (Kỳ 1): Đời nội trợ bận rộn

Câu chuyện về những bà nội trợ ở Nhật với những hy sinh có thể đến mức phi lý và những cố gắng để gây dựng sự nghiệp riêng của mình