“Thôi, tui đi vỏ lãi vô Rạch Chèo, tự dưng nhớ sông, nhớ xuồng”, tôi quay qua nói với bạn. Bạn cười, quay qua gởi xe rồi bao chuyến vỏ lãi. Vỏ lãi xé nước lao đi, phía trước mặt là ngút ngàn xanh cứ rộng ra, rộng ra mãi. Gió thổi ngang mặt, nắng phớt trên đầu, sóng dưới chỗ ngồi… Mọi cảm giác đan xen vào nhau, những chuyến xuồng qua, những chuyến xuồng lại, xuồng lớn nương xuồng nhỏ lúc chạy ngang nhau, nước mấp mé mạn xuồng nhưng không trào vào xuồng được.
Thoảng có nếp nhà mỏng mảnh nằm ven bờ, cửa hướng ra sông, mọi sinh hoạt nương tựa vào sông cả. Bạn hỏi nhìn gì mà đắm đuối, bối rối nói không biết người ta sang sông bằng cách nào khi đôi bờ không có cầu, khi nhà không có xuồng? Thì người ta qua bằng phà, những cái phà tự chế, rộng đến mấy phải có cách qua sông, cách này hay cách khác. Bạn cười hiền khô.
(Ảnh minh họa: mekongdeltasensetravel). |
Tôi thích sống gần sông nhưng những chuyến dịch chuyển cứ đưa tôi xa sông dần để rồi nơi sống cố định xa sông một đỗi, đủ để khi nhớ tôi phải tìm sông đến mấy cây số mới gặp. Một năm đôi lần tôi mới trở về thăm con sông cũ, nơi ngôi nhà đầu tiên của tôi ở đó. Con sông ấy sau này người ta lấp từng đoạn, từng đoạn rồi lấp hẳn. Không còn dấu tích một con sông từng chảy ngang nhà, mỗi đêm thấp thỏm nghe tiếng đất lở đổ oàm xuống sông tôi nghe thương những nếp nhà chênh vênh trên sóng. Đứng giữa con đường, khi là lòng sông, bỗng nghe nhói, thương sông vô kể.
Dân ven sông sống nhờ sông, có cả xóm lặn lội mò sò huyết, đục hàu. Thấy trên sạp sò huyết được bày trắng trẻo đẹp đẽ vun đầy nhưng sò dưới sông con lớn, con nhỏ, đất bám chắc lớp vỏ cứng, lặn ngụp khúc sông dài mới được ít ký. Hàu trong nhà hàng giá một con bằng ba ký hàu vỏ bên ngoài. Mấy lần ăn hàu nướng ở nhà hàng, không dưng khi trả tiền chạnh lòng nhớ xóm đục hàu.
Về Vàm Cái Đôi hỏi xóm ấy còn đục hàu không, họ nói còn, sông gần lấp thì đi sông xa, sông xa ít hàu thì đi xa hơn nữa. Quen nghề rồi, lặn lội cũng có cái hay, nó như gắn với tiềm thức, sống với sông, như một nghề, không phải nghề của một thời mà nghề của một đời.
Chắc sông cũng có trái tim, độ lượng chở che, cưu mang tất cả (Ảnh: Wiki). |
“Sông Cái đây rồi sông Đực đâu?”, hỏi cho vui vậy để nói các con sông ở Cà Mau hay mở đầu bằng từ Cái: sông Cái Ngang ở gần đầu lộ Tân Thành, rạch Cái Tàu ở U Minh; rồi Cái Nước, Cái Nhum, Cái Rô Thu; Phú Tân có Cái Ðôi Vàm, đây là con sông đổ ra biển. Cái có nghĩa là “sông con” (đây là tiếng cổ của dân tộc Phù Nam). Ở miền Nam, những địa danh bắt đầu bằng chữ Cái ở đây đều nằm trên một con sông nhỏ, chảy ra một con sông lớn.
Có thể tôi cảm tính, nhưng những con sông chứa chữ “Cái” trong tên của mình đều dễ dần, dịu dàng. Sông nhỏ nên một kiểu hiền hiền, dòng chảy chầm chậm, thong thả nước lớn nước ròng. Chắc sông cũng có linh hồn nên khi mỗi lúc mùa xáo trộn sông chuyển màu nước vào độ cuối năm, khi ấm lạnh hai miền Nam Bắc như hòa lẫn vào khí trời miền Tây, dòng trôi phân vân và sản vật trong lòng sông lúc ấy ngon lạ lùng.
Chắc sông cũng có trái tim. Nó đập trong ngực những người đang sống cùng sông, sông độ lượng chở che tất cả. Sông thì thầm kể chuyện theo mùa; chảy một dòng hào sảng, dẫu khách thương hồ nhiều bận chao đảo trên đầu sóng ngọn gió, nhưng sông đã cưu mang cả đời cho họ.
Tôi thích ngắm sông, thích trở về những nơi gần gũi, thích nghe câu chuyện về mùa màng, tôm tép (Ảnh: bazantravel). |
Bạn nói với tôi nếu gặp một người nào đó ăn nói đơn giản, ăn bận hơi xộc xệch một chút (dù đã ráng sức gọn ghẽ), không toan tính giúp người mình sẽ được gì, hết sức phóng khoáng… thì hẳn rằng là người miền Tây hoặc thế nào cũng có gì đó liên quan đến miền Tây. “Thì như bạn, như… tôi”, tôi cười lớn, tự nhận mình ruột rà máu mủ với miền Tây dù cha mẹ tôi gốc Bắc, nhưng Cà Mau là nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi. Gần bốn mươi tuổi, bao bận chìm nổi tôi lại trở về sống bên sông Vàm Cái Đôi.
Tôi đã đi qua nhiều bến sông, có bến buồn, có bến vui, có bến yên ấm no đầy, có bến bồi lở chênh vênh… Nhưng nấn ná và thương yêu là bến sông mẹ đợi cha tôi trở về. Người đã đi không trở lại, dẫu trong tấc gang có thể gặp lại nhau vẫn chối từ một cuộc hội ngộ, còn người đợi, vẫn thủy chung bến ấy, đến lúc ngực không còn hơi thở, lời cuối để lại vẫn hỏi bến xưa người có kịp về.
Ôi những con sông làm nên văn minh loài người, những con sông cưu mang con người, những con sông chỉ biết đợi chờ…
“Ngày nghỉ sao không tìm chỗ đông vui mà chơi mà suốt ngày đòi về sông với cậu?”, bạn hỏi như cằn nhằn. Tôi thích ngắm sông những ngày ít bận rộn. Tôi thích trở về những nơi gần gũi họ hàng hơn là ra chốn lao xao. Tôi thích lắng nghe những câu chuyện cậu tôi kể về mùa màng, tôm tép, rau cỏ, chợ búa hơn là lướt fb hoặc sa vào các chương trình giải trí dày đặc trên truyền hình. Tôi thích được ăn cơm nấu bằng củi, mấy thứ cá vụn kho quẹt và rau tập tàng hái quanh vườn luộc.
Luôn luôn, khoảng cách giữa ngắm nhìn và cảm nhận ở chốn ấy là một mà không thông qua màn hình 360 độ láng mướt. Mọi thứ ảo ảnh có thể đã rợn ngợp trong tầm mắt lúc ấy sẽ trôi đi như mưa trên lá môn, chỉ có những thứ thật thà ở nơi quê kiểng vướng lại trong tôi, mà ngay khi có thể rảnh rỗi lại nhắc tôi nhớ, nhắc tôi tìm về.
Mỗi chốn rời đi, mỗi chuyến ở lại đều đưa tôi đến những đời sống rất khác (Ảnh: vyctravel). |
Những xê dịch tiếp nối có đưa tôi đi xa sông nữa không? Tôi cũng không rõ nữa. Tôi chấp nhận sự xê dịch như nắng mưa cuộc đời. Rời chốn quen này sẽ đến chốn lạ khác, rồi chốn lạ ấy thành quen rồi lại đến chốn lạ… Mỗi chốn rời đi, mỗi chuyến ở lại đều đưa tôi đến những đời sống rất khác. Chỉ có tâm hồn tôi thì vẫn vậy. Cũng có khi nhọc nhưng tôi chấp nhận nó. Tựa như sông, phải chảy theo dòng.
Đôi khi giữa những quên nhớ mơ hồ, tôi tưởng mình là sông, một con sông đằm thắm, có linh hồn, êm đềm chảy qua những bờ bãi… Cũng có khi gập ghềnh để thành thác; cũng nguy hiểm chất chứa khi lòng bị bới cào rồi bất lực để những dải đất đổ ụp xuống bởi lòng đã rỗng… Rồi thế nào nữa? Rồi lại êm đềm để chảy trôi...
Hội An: Bước thời gian trên mái ngói
Thời gian dường ưu ái nơi này để đồng hành và lưu dấu. Người ta tìm về nơi đây để làm mới mình cùng nhịp thời gian!