Hôn nhân cũng tùy. Ấy là vì phải tính vào độ tuổi. Như cỡ tôi thì xêm xêm phải có vài chục Tết. Còn những cặp mới góp gạo thổi cơm chung thì khỏi cần bàn. Tết chưa có tác động nhiều đến hôn nhân của họ. Thêm nữa mỗi thời mỗi khác, bây giờ thì Tết cũng chả mấy quan trọng nhất là với vợ chồng son.
Rõ ràng tình trạng hôn nhân ngày Tết nếu túng thiếu thì đừng nói là vui vẻ mừng xuân được/ Ảnh minh họa |
Dạo tôi mới cưới, giữa thập niên tám mươi, đúng vào dịp bĩ cực nhất của kinh tế đất nước và dĩ nhiên các gia đình luôn ở trong tình trạng túng thiếu thế nên Tết là một cái gì đó quá ư kinh khủng. Sẽ có người phản bác, vất vả quanh năm có dịp Tết vui vẻ, thư giãn và ăn uống linh đình khác hẳn ngày thường ai lại nói thế. Xin thưa đó hoàn toàn là sự thật.
Này nhé, ngày Tết có khấm khá hơn về tiền bạc. Dạo đó chỉ trông vào đồng lương nhà nước trả và áp dụng chế độ thưởng năm, bét dem cũng được thêm tháng lương thứ 13 nên có rủng rẻng hơn thật. Nhưng dẫu có thêm chút đỉnh thì Tết còn có bao nhiêu thứ phải chi. Tết mà. Chí ít vợ chồng con cái cũng phải có manh quần tấm áo mới. Ông bà bố mẹ cũng phải có đồng quà tấm bánh báo hiếu. Đấy là chưa kể còn đi lễ Tết thày giáo, thủ trưởng, ân nhân và những trường hợp đặc biệt. Toàn những khoản chi không thể lơ tơ mơ được. Nói như câu thành ngữ “chưa đi chợ đã hết tiền” Tết chưa đến mà túi đã nhẵn. Ba ngày Tết dẫu có khốn khó mấy thì cũng phải có lọ hoa, cành đào, bánh chưng, mứt kẹo, thuốc lá và dĩ nhiên không thể thiếu chai rượu cúng. Thêm khoản thịt thà nữa cũng khá tốn kém. Tết chả nhẽ lại nhịn thèm nhìn thiên hạ nhờn mép có mà vợ chồng tủi thân bằng chết. Còn nữa, tiền phong bao mừng tuổi người già con trẻ là thứ không thể không có. Nhiều lắm.
Bây giờ thì Tết cũng chả mấy quan trọng nhất là với vợ chồng son/ Ảnh minh họa |
Mới tính sơ sơ như thế đã đủ thấy nếu không có tích cóp, không có thu nhập nào khác mà chỉ trông nhõn vào lương, thưởng thì thôi rồi lượm ơi. Mặt méo xệch là cái chắc. Ở trong tình trạng ấy, vợ chồng dẫu có thắm thiết yêu nhau dời non lấp biển cũng chỉ cố gắng hòa thuận tươi cười bề mặt, còn thì ruột gan héo hon là cầm chắc.
Tôi không phải loại người quá chuộng vật chất, nhưng rõ ràng tình trạng hôn nhân ngày Tết nếu túng thiếu thì đừng nói là vui vẻ mừng xuân được. Chưa kể ngày Tết cánh đàn ông, đàn ang còn hay đàn đúm rượu chè, cờ bạc. Anh nào biết điều còn đỡ đần đôi ba việc giúp vợ. Mọi gánh nặng từ chi tiêu, chợ búa đến bếp núc cỗ bàn đều không rời khỏi tay người phụ nữ. Sự bất bình đẳng nằm ở chỗ này và nó cũng là nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn trầm trọng trong hôn nhân ở 3 ngày Tết.
Nói gì thì nói thì sự cân bằng cho ngày Tết đối với hôn nhân mang tính quyết định/ Ảnh minh họa |
Không quá bi quan nhưng Tết xưa đúng là cực hình ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhà tân tiến còn đỡ, nhà nào cổ hủ phong kiến thì phụ nữ còn khổ nữa, cứ gọi là nai lưng ra cho đến tận ngày đi làm. Và ngày đó người vợ, người phụ nữ mới thực sự được giải phóng khỏi cái gông Tết.
Đấy mới sơ sơ thế đã đủ thấy Tết ảnh hưởng đến hôn nhân thế nào. Gia đình tôi từng xảy ra xích mích đúng trong ngày Tết. Thậm chí hàng xóm nhà tôi chẳng hiểu vì lý do gì mà một dịp Tết xong thấy ầm ĩ rồi vợ chồng đường ai nấy đi, tan đàn sẻ nghé. Thật bi kịch. Thế mới xuất hiện câu than cửa miệng, tết với chả nhất. Rõ ràng cái Tết thời kỳ khó khăn chẳng phải chỉ riêng có niềm vui.
Nhưng cái thời đói kém ấy qua lâu rồi. Nhờ giời kinh tế dần khá lên. Tết thật sự trở về đúng nghĩa của nó là đoàn tụ, ấm cúng, vui vẻ. Tất nhiên, khi không còn phải lo về kinh tế thì những lễ lạt cầu kỳ kiểu phú quý sinh lễ nghĩa lại xuất hiện. Tết bây giờ là dip thể hiện của không ít gia đình khá giả. Thôi thì bày vẽ đủ kiểu, đủ trò. Họ mạc dòng tộc cũng được khơi lại rộn rã cỗ bàn giỗ họ hương khói. Tết mệt bã người là có thật vì đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.
Hôn nhân thì sao? Tết thời tân tiến này cũng có nhiều cách tận hưởng khác hẳn với Tết truyền thống. Chẳng cứ đám trẻ chọn dịp Tết bay đi đến những vùng đất mới hưởng thụ mà những người già cũng không ít người chọn cách này. Thú thật, vợ chồng tôi năm kia cũng bay vào miền Trung đón cái Tết đầu tiên chỉ có hai người kể từ ngày cưới. Có lẽ những gì truyền thống ăn sâu ở gia đình nên dù được tự do tận hưởng ngày Tết nghỉ ngơi nhưng tôi thấy buồn chán giữa một thành phố tuy có bạn bè nhưng trở nên xa lạ tận cùng vào thời khắc chuyển giao. Cái vụ ăn Tết du lịch ấy được coi là một Tết thất bại. Bởi đến vùng đất đó, cảnh quan mình đã tường đi thăm thú chả được mấy nả. Bạn bè thì nhà người ta đón tết cũng chả có nhiều thời gian dành cho mình. Vậy là cứ khách sạn ăn xong là vợ chồng mỗi người một góc giường ngủ. Ăn uống cũng vậy, thứ ăn uống hàng quán ngày thường thì chấp nhận được chứ Tết nhất nó cũng cương cưỡng làm sao ấy. Nhân viên họ cũng nghỉ vãn lo Tết thế là chất lượng phục vụ giảm hẳn. Sau lần đó nhà tôi chọn cố thủ tại gia ăn Tết cho lành.
Phiễu phão dăm câu ba điều về hôn nhân với Tết tôi muốn nói đến sự quan trọng của Tết dù là truyền thống hay hiện đại hôm nay. Nói gì thì nói thì sự cân bằng cho ngày Tết đối với hôn nhân mang tính quyết định. Một cái Tết vui vẻ hay không là do chính sự chọn lựa của chủ nhân, cả đàn ông hay phụ nữ chứ chả phải Tết to hay nhỏ, sang trọng hay bình dân.
Riêng với tôi, tâm lý sợ Tết vẫn là thường trực. Biết làm sao được khi thế hệ chúng tôi đã không còn trẻ, đã bước vào ngưỡng cuối của quy luật thời gian nên luôn biết sợ những ám ảnh quá khứ. Tết ơi là Tết.
Hà Nội 11/12/2019
Tết xa xứ
Một mùa đông tuyết bay mù trời trắng xóa bồng bềnh hình như cứ mỗi năm lại một hiếm hoi xa vắng dần.