Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ đã dự đoán số người mắc bệnh Parkinson trên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, làm dấy lên những lo ngại về mối liên hệ giữa căn bệnh này với các yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu.
Bệnh Parkinson đang được đánh giá là một trong những rối loạn thần kinh phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dữ liệu mới nhất cho thấy một con số đáng báo động, số ca mắc bệnh này có thể tăng từ 11,9 triệu người vào năm 2021 lên hơn 25 triệu người vào năm 2050.
![]() |
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí BMJ đã chỉ ra rằng bệnh Parkinson không chỉ đơn thuần là căn bệnh của tuổi già mà còn là kết quả của sự tác động tổng hợp từ di truyền, môi trường và các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các chất độc từ môi trường, đặc biệt là thuốc trừ sâu, đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo bà Eva Schäffer, tiến sĩ lĩnh vực thần kinh tại Đại học Kiel (Đức), “Nhiều loại thuốc trừ sâu có điểm chung là kích hoạt quá trình viêm trong não và gây ra stress oxy hóa, đây là hai yếu tố được cho là góp phần quan trọng vào sự thoái hóa tế bào thần kinh”.
Các chất này cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và hoạt động của protein alpha-synuclein - một loại protein có xu hướng kết tụ trong não và được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson. Ngoài thuốc trừ sâu, trichloroethylene - một dung môi công nghiệp vẫn còn được sử dụng trong một số lĩnh vực, và ô nhiễm không khí cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của giới nghiên cứu.
Bệnh Parkinson thường khởi phát âm thầm từ nhiều năm trước khi các triệu chứng rõ rệt như run tay, chậm vận động hay mất thăng bằng xuất hiện. Đây là “giai đoạn im lặng”, thời điểm quan trọng để can thiệp sớm và chăm sóc dự phòng.
Bên cạnh các biểu hiện vận động, người bệnh còn có thể trải qua nhiều triệu chứng khác như cứng cơ, mất biểu cảm khuôn mặt, thay đổi giọng nói, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức và trầm cảm. Nhiều bệnh nhân cho biết đã có các vấn đề tiêu hóa như táo bón mạn tính từ nhiều năm trước khi được chẩn đoán chính thức.
Một lối sống lành mạnh đóng vai trò không thể thiếu trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như làm chậm tiến triển bệnh sau khi được chẩn đoán. Theo tiến sĩ Schäffer, “các bài tập thể dục sức bền mức độ vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ mắc Parkinson đến 60%”.
Bên cạnh đó, một chế độ ăn cân bằng giàu chất xơ, rau xanh, trái cây và các loại đậu giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, yếu tố được chứng minh có liên hệ chặt chẽ với sức khỏe não bộ.
Dù Parkinson hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp điều trị đang ngày càng tiến bộ. Việc sử dụng thuốc bổ sung hoặc thay thế dopamine giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống.
![]() |
Một lối sống lành mạnh đóng vai trò không thể thiếu trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. |
Ngoài ra, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và các kỹ thuật can thiệp hiện đại như phương pháp kích thích não sâu (DBS) cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Một phiên bản mới của DBS, gọi là “beta-sensing”, đang được nghiên cứu để tối ưu hiệu quả điều trị bằng cách đọc tín hiệu thần kinh để điều chỉnh kích thích chính xác thời điểm và khu vực cần thiết.
Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh Parkinson không chỉ là vấn đề y tế cá nhân mà còn là thách thức y tế công cộng. Các chuyên gia kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế đẩy mạnh nghiên cứu, tăng cường kiểm soát các chất độc hại trong môi trường, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của lối sống lành mạnh trong phòng chống bệnh.
Hạn chế dùng điện thoại trong 3 ngày có thể làm thay đổi hoạt động của não bộ
Các nhà khoa học phát hiện việc hạn chế sử dụng điện thoại thông minh có thể gây ra cảm giác tương tự như đang “cai nghiện” hay lên cơn thèm ăn.