“Tờ tiền của em màu xanh, của anh cũng màu xanh, tờ nào nhiều hơn” - Câu nói của đứa trẻ khiến phụ huynh ở TP.HCM đứng hình

Người mẹ “sượng trân”, quay mặt đi cười giả lả.

Đến thăm nhà người bạn cùng chỗ làm, chị Trân, một phụ huynh ở TP.HCM mừng tuổi hai đứa trẻ, mỗi đứa 20 nghìn đồng. Quan điểm của chị là lì xì chỉ nên 10- 20 nghìn đồng cho vui vẻ, con cháu trong nhà có thể nhiều hơn. Tết đến có bao nhiêu thứ phải lo, không nên để vấn đề lì xì làm gánh nặng.

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên ngượng ngùng khi bạn của chị lì xì lại cho con trai chị 100 nghìn đồng. Đứa con lớn của bạn chị Trân, năm nay 10 tuổi, liền “hỏi khéo” một câu khiến chị sượng trân: “Tờ tiền của em màu xanh mà tờ của anh cũng màu xanh. Tờ nào nhiều tiền hơn thế anh?".

“Nó biết thừa nhưng cứ nói vậy, khiến tôi rất ngại. Ngày xưa tôi được mừng tuổi 200 đồng, 500 đồng vui lắm chứ, có ai mừng tuổi là đã vui rồi. Vậy mà bây giờ nhiều cha mẹ để con mình mở bao lì xì của người lớn ngay trước mặt rồi có biểu hiện thái độ không tốt, chẳng lẽ lấy lại không mừng tuổi nữa?”, bà mẹ này bày tỏ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo dõi câu chuyện của bà mẹ này, nhiều người cho rằng, đứa trẻ hành xử như vậy, lỗi thuộc về người lớn. Trong nhà bố mẹ hay bàn luận cô này lì xì cho bé 50 nghìn đồng, anh kia lúc chiều cho bé 100 nghìn đồng. Vô tình hình thành trong tiềm thức trẻ về mệnh giá lớn nhỏ. Ít ai dạy cho con lì xì là món quà may mắn đầu năm, họ chỉ nói về mệnh giá, to hoặc nhỏ. Nếu không dạy trẻ nghiêm khắc, dung túng cho suy nghĩ đó thì đứa nhỏ lớn lên chỉ biết tiền là nhất.

Việc li xì rất tế nhị và giống như “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, rất phiền phức và mệt mỏi và làm hu trẻ con, bỏ đi được thì tốt.

Luồng quan điểm ngược lại nhận định, việc trẻ so sánh tiền lớn nhỏ cũng có thể thông cảm được. Nếu trẻ hỏi về mệnh giá thì có thể giải thích cho chúng nghe lì xì không quan trọng mệnh giá mà mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn. Quan trọng cách người lớn giáo dục.

“Lì xì là phong tục đẹp. Anh tôi là sếp, nên nhiều người lì xì trẻ nhà anh ấy theo gì thì chắc ai cũng hiểu. Năm đó, thằng bé con của anh chỉ hỏi chú là: Chú chưa lì xì cháu. Anh tôi nghe được phạt không cho ra phòng khách.

Tôi thỉnh thoảng tiếp khách giùm, thấy ai rút 100 nghìn đồng tôi nói luôn: ‘Tụi em đang làm công nhân, con cái chưa có, phát thế này chị không bằng lòng. Mỗi đứa 20 chục’. Mấy đứa nói: Ai cũng như nhà chị thì đỡ quá. Đấy họ lì xì cũng đau hầu bao lắm”, một người chia sẻ.

4 điều nên dạy con khi nhận lì xì

Lì xì là một trong những phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Đây cũng là dịp để phụ huynh tận dụng, dạy con những bài học về đối nhân xử thế hay quản lý tài chính.

Theo đó, có 4 điều cha mẹ nên dạy con khi nhận tiền lì xì càng sớm càng tốt:

1. Dạy con lễ phép: Khi trẻ nhận bao lì xì, hãy nhớ dạy con cảm ơn. Đừng mở bao lì xì hoặc bàn tán mệnh giá nhiều - ít trước mặt khách khứa. Tiền lì xì chỉ là một lời chúc, học cách ứng xử lịch sự còn quan trọng hơn.

2. Trẻ học được tính trách nhiệm: Không ít bậc cha mẹ quản lý rất chặt chẽ tiền lì xì vì sợ con chưa biết chi tiêu, nhiều người còn tự ý thu giữ, sử dụng tiền lì xì của con. Tuy nhiên, cha mẹ nên để lại một phần tiền cho trẻ tùy ý sử dụng. Điều này có thể nuôi dưỡng khả năng tự lập của trẻ em trong việc mua sắm và chi tiêu hàng ngày. Cha mẹ có thể gợi ý trẻ sử dụng tiền lì xì để phục vụ cho việc học. 

Nhiều trẻ thường nghĩ rằng tiền học hay tiền mua sách vở là trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng bạn có thể nói, nếu trẻ để dành tiền và phục vụ cho nhu cầu học tập thì cha mẹ sẽ thấy rất vui, nhờ đó, trẻ cũng sẽ trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

3. Dạy trẻ giá trị của việc quản lý tài chính: Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: "Con có cần món đồ này không?", "Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?" hoặc "Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?".

Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm.

4. Trẻ học cách đồng cảm với người khác: Những người lớn tuổi bày tỏ lời chúc phúc cho con cái bằng cách lì xì. Ngược lại, khi ông bà, cô chú tổ chức sinh nhật hoặc trong những ngày lễ trọng đại của gia đình, bạn cũng có thể cùng con cái bàn bạc để dùng tiền lì xì mua tặng lại một số món quà nhỏ tiết kiệm mà ý nghĩa, chủ yếu là để nuôi dưỡng đức tính biết ơn ở trẻ.

Hiểu Đan

Dạy con về sự sẻ chia và lòng biết ơn trong ngày Tết

Dạy con về sự sẻ chia và lòng biết ơn trong ngày Tết

Tết là một dịp quan trọng mà cha mẹ có thể dạy con về sự sẻ chia và lòng biết ơn, trẻ sẽ hiểu hơn thông qua các hành động thực tế.