Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”: Chủ đề tốt không thể bù cho chất lượng nghệ thuật kém

"Về mặt chủ đề thì không sai, tuy nhiên, cách xây dựng biểu tượng như thế nào đang là vấn đề của cụm tượng đài này"- ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết

Cụm tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” vừa được khánh thành ngày 17/7 tại Hà Nội mang ý nghĩa biểu tượng và truyền tải rõ ràng thông điệp vì dân phục vụ của lực lượng CAND đến với công chúng Thủ đô. Tượng đài được đặt tại ngã ba phố Trần Nhân Tông, Quang Trung cao 7,2 m bằng chất liệu đồng với bảy nhân vật thể hiện hình tượng chiến sĩ cách sát giao thông, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn với những hành động đẹp bảo vệ nhân dân. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng nghệ thuật của cụm tượng đài.

Tượng đài
Tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ“ trước khi khánh thành. Ảnh: Anh Quân

1. Họa sĩ Vi Kiến Thành - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên của HĐNT cho biết, Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” được triển khai xây dựng đúng theo quy định của Nghị định số 113 của Chính phủ về quản lý hoạt động mỹ thuật. Đây là kết quả của cuộc thi có năm phương án phác thảo gửi về. Hội đồng nghệ thuật đã chọn phương án của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Toàn để thi công bởi đây là phương án tốt nhất trong các phương án phác thảo tham dự cuộc thi. Tác giả chọn phương án về mặt tạo hình theo phong cách hiện thực, tả thực phù hợp với nội dung và ý đồ mà tác phẩm này muốn truyền tải. Đó là các hình ảnh đẹp của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cảnh sát giao thông đối với nhân dân. Phong cách hiện thực gần gũi, giản dị, dễ hiểu và có tính đại chúng giúp người xem tiếp cận tác phẩm một cách dễ dàng nhất, đây cũng là mong muốn của đơn vị đặt hàng.

Ban đầu cụm tượng đài là hai tác phẩm riêng biệt, trong quá trình thảo luận Hội đồng nghệ thuật thấy rằng có thể kết hợp thành một tác phẩm mà vẫn bảo đảm thông điệp đến người xem và giảm bớt về kinh phí. Theo ông Thành, về mặt bố cục tạo hình của tác phẩm, tác giả vẫn giải quyết được một cách hợp lý và thỏa đáng khi gộp hai nội dung thành một tác phẩm. Ông cho biết thêm: “Theo cá nhân tôi, vị trí đặt tượng đài là khá hợp lý, không quá gần đường giao thông những cũng không tạo ra khoảng cách như một quảng trường lớn. Và tôi còn muốn hạ thấp độ cao xuống một chút để gần dân hơn nữa, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận tác phẩm hơn nữa. Người ta có thể đứng cạnh được các chiến sĩ giao thông, chữa cháy”. Ông cho rằng, một tác phẩm điêu khắc khi sáng tạo lên thành hình tượng nghệ thuật cần nghĩ rằng tác phẩm đó hướng đến đối tượng nào. Ở đây, nhà đầu tư và nhóm tác giả muốn hướng đến đại chúng. Nội dung nào thì đi liền với phong cách sáng tác đó, nên việc sử dụng phong cách hiện thực là hoàn toàn hợp lý.

2. Theo quan điểm chung của thế giới, tượng đài là quy hoạch mang tính kiến trúc, như đặt ở thị trấn hay thành phố sẽ liên quan đến quy hoạch đô thị của thành phố đó. Phải hiểu rằng nó nằm trong bộ phận tổng thể của quy hoạch phong cảnh, kiến trúc. Và khi nằm trong đó tượng đài sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, kỹ thuật… Để một tác phẩm được đưa ra khu vực công cộng sẽ có sự tham gia của hai hội đồng, gồm hội đồng liên quan đến quy hoạch kiến trúc và một hội đồng nghệ thuật. Nhằm đưa ra ý kiến và xét duyệt. Tại các nước phát triển, tượng đài nằm trong không gian công cộng là tài sản công do vậy cần có cả ý kiến bình chọn của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Heritage Space) cho biết.

Ông Tuấn đánh giá, nhiều tượng đài của Việt Nam làm theo phong cách hiện thực XHCN. Phong cách mang tích lịch sử, văn hóa nhưng nó thể hiện ở một giai đoạn đã qua và chỉ là bóng mờ của quá khứ. Ở nước ta, nhiều nơi vẫn đang dùng hình thái nghệ thuật này cụ thể là cụm tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”. Đối với tôi, đó không phải là vấn đề của nghệ thuật hôm nay. Về mặt chủ đề thì không sai, theo quan niệm của thế giới về xây dựng biểu tượng, tuy nhiên, cách xây dựng biểu tượng như thế nào đang là vấn đề của cụm tượng đài này. Cách thể hiện phong cách hiện thực ở đây chưa tốt, bởi nghệ thuật hiện thực có tính khái quát và tính cô đọng chứ không phải là “giải thích”. Ngay cả khi sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật cũ, tác giả cũng thể hiện tay nghề chưa tốt, đây cũng là vấn đề của hội đồng nghệ thuật. Đây hoàn toàn là vấn đề chuyên môn chứ không phải vấn đề của đơn vị đặt hàng hay chủ đề tác phẩm.

Bên cạnh đó, trên thế giới, xu thế xây dựng cứng hóa đang được chuyển đổi dần, thay vào đó là các công trình có yếu tố xanh (vận hành ít năng lượng, xả ít khí cacbon, giảm thiểu xây dựng cứng và có chỉ số đánh giá về hàm lượng xanh trong công trình). Đây là xu thế đang rất phát triển và là xu thế của xây dựng, quy hoạch và tổ chức xã hội trong tương lai. Thủ đô Hà Nội nằm trong chuỗi các “thành phố sáng tạo” mà UNESCO công nhận, chính vì vậy cần xúc tiến, thúc đẩy và có những đặc thù hỗ trợ phát triển xu thế này.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật cho biết không gian khu vực có vẻ hơi nhỏ so quy mô cụm tượng, chất liệu đồng chưa hòa hợp với bối cảnh chung chưa tạo được cảm giác gần gũi với người dân bởi tỷ lệ và vị trí đặt tượng cao so mặt đất. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao, nên chăng khuyến khích các tác phẩm mang yếu tố nghệ thuật công cộng nhiều hơn so với những công trình mang ý nghĩa tuyên truyền.

Anh Quân

Một chiếc ô tô đậu 47 năm ở cùng một vị trí trên đường phố Ý trở thành một 'tượng đài'

Một chiếc ô tô đậu 47 năm ở cùng một vị trí trên đường phố Ý trở thành một 'tượng đài'

Một chiếc ô tô đã đậu ở cùng một vị trí trên một con phố trong 47 năm đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch và địa phương ở Ý.