Yêu khi thời gian không còn chờ đợi

Có ai đó từng ví cái tình của người già giống như hương trầm thơm, càng về cuối thì càng ngan ngát, đến khi tàn rồi mà vẫn quấn quít, vấn vương.

Thế nhưng, bất chấp những cái nguýt dài, những lời càm ràm tưởng như không hồi kết và những thề nguyện “từ nay tao mặc kệ ông ấy/bà ấy”, họ vẫn lẳng lặng chăm sóc nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngày nào ông cũng lọ mọ ra bờ rào hái lá tre, lá sả, gom mấy búp bưởi, củ gừng về đun một nồi nước xông đầy ăm ắp rồi giục bà mau mau trùm chăn, xông hơi để “đuổi con Covid”...

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, ngoài đường vắng lặng, nhưng đằng sau cánh cửa thì lại chẳng có mấy “bình yên”: hiếm có hôm nào mà hai ông bà già lại không “mặt nặng mày nhẹ” với nhau vài lần vì toàn những chuyện tủn mủn, như cái cốc uống nước không để đúng chỗ, quét xong cái nhà mà tìm mãi chẳng nhớ để chổi ở đâu...

Đó là những ngày tháng lịch sử, khi cánh cửa mọi nhà trong xóm vốn vẫn thường rộng mở, nay bỗng nặng nề khép chặt. Không gian im ắng như tờ, chẳng còn tiếng trẻ con chơi đùa, cũng không có giọng các bà, các chị í ới gọi nhau đi chợ sớm. Mọi người đều khóa mình trong nhà để “trốn dịch”. Sau hơn 30 năm có lẻ chung sống, hai ông bà già đã ngoài 60 tuổi, cuối cùng cũng nhận lời “kết bạn” (facebook) với nhau để có cái mà xem… cho đỡ buồn tẻ.

Nhớ những ngày chưa có dịch, tuy đã ở tuổi hưu trí, nhưng cả ông và bà đều “có hoa chân” nên chẳng mấy khi chịu ở nhà: nếu không đi du lịch, thăm bạn bè ở tỉnh này tỉnh kia, thì ông nhất định phải kéo dăm ông hàng xóm hoặc vài ông chiến hữu cũ trong đội cảnh sát đến ăn uống, ôn lại kỉ niệm xưa; còn bà thì chắc hẳn sẽ “lê la” khắp xóm để “buôn” chuyện trên trời dưới biển: từ giá thịt cá ở chợ cho đến con cái làm ăn vắng nhà…

Ngày đó, mỗi khi nghe ti vi thông tin về hình tình dịch bệnh, ông bà cứ ngỡ nó còn ở đâu xa xôi lắm, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm tới “gõ cửa” xóm Bến bên bờ đê sông Hồng hiền hòa, yên ả này. Thế mà một ngày nọ, thình lình, dịch bệnh ào tới theo cách mà ông bà cho là “như sấm nổ giữa trời quang”. Con số thống kê những F0, F1 tăng lên từng ngày ở một xã lân cận khiến cái xóm nhỏ ngoại ô Hà thành cuối cùng cũng rùng mình run rẩy, ngậm ngùi khép chặt cửa.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Phải “ở yên trong nhà” trong một tình thế bắt buộc, hai ông bà già thấy mình như “hai con mèo bị buộc chung một dây”, quay đi quay lại đều thấy vướng víu, “tức mắt” dù đã chung sống với nhau già nửa đời người và tưởng rằng đã quá hiểu nhau để có thể “thờ ơ” với mọi tính xấu của đối phương. Căn nhà hơn 100m2 có cả sân vườn vốn dĩ rất rộng rãi, thoáng đãng và thừa không gian cho hai người sinh sống (còn dành cả chỗ con cháu về chơi) thế mà nay bỗng trở nên chật chội và bí bách.

Đừng ngây thơ nghĩ rằng chuyện vợ chồng cãi cọ, đá thúng đụng nia trong thời gian giãn cách xã hội chỉ là… chuyện trên báo đài; bây giờ, nó diễn ra ngay ở đây, với cặp vợ chồng đã ngoài 60 tuổi. Người ta cứ cho rằng chỉ những đôi vợ chồng trẻ mới hay xích mích, còn những người già như ông bà - đã qua cái thời mặn nồng tình tứ hay ghen tuông bùng nổ - thì chỉ còn là hai người “đồng chí”, chung sống hòa bình dưới cùng một mái nhà, lấy chuyện con cháu làm vui, lấy việc chăm sóc cây cỏ, nuôi vài ba con thú cưng làm bận.

Ấy thế mà, chuyện hóa ra chẳng dễ dàng như thế, bà bắt đầu hậm hực với việc ông ngáy to trong lúc ngủ, dù rằng từ hồi trẻ đến giờ, ông chưa bao giờ ngủ mà không ngáy to; còn ông thì bắt đầu khó chịu với việc bà lê dép loẹt quẹt trong nhà, dù biết rằng từ hồi bị đau chân, bà chưa bao giờ đi lại nhẹ nhàng…

Cứ thế, những chuyện “lông gà vỏ tỏi” nhỏ nhặt bị tích lũy lại từng ngày, từng ngày rồi vỡ òa ra trong những cuộc điện thoại “đấu tố” nhau với con cháu ở xa nhà. Đám con cháu nghe tâm sự của hai ông bà già chỉ biết ôm bụng cười, vì “người già với trẻ con” là một. Chúng nó cũng âm thầm hiểu rằng, không chỉ có đám thanh niên trẻ tuổi mới “phát điên” vì phải ở trong nhà; “căn bệnh” này hóa ra chẳng “tha” bất cứ lứa tuổi nào.

Thế nhưng, bất chấp những cái nguýt dài, những lời càm ràm tưởng như không hồi kết và những thề nguyện “từ nay tao mặc kệ ông ấy/bà ấy”, họ vẫn lẳng lặng chăm sóc nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngày nào ông cũng lọ mọ ra bờ rào hái lá tre, lá sả, gom mấy búp bưởi, củ gừng về đun một nồi nước xông đầy ăm ắp rồi giục bà mau mau trùm chăn, xông hơi để “đuổi con Covid”, còn bà thì ngày nào cũng sắp sẵn một vốc thuốc bổ, vitamin C tăng đề kháng làm “bữa phụ” cho ông. Hai chiếc giường vốn “ngự” hai góc nhà bây giờ được chuyển dần về phía đối diện nhau, trước khi đi ngủ, ông còn lớn tiếng dặn mà như nạt nộ bà: “Có gì thì nhớ gọi to lên!” rồi mới yên tâm cất tiếng ngáy đều đều.

Không giống như đám trẻ yêu thương nhau bằng lời nói hay những hành động vồn vã, người già có cách thể hiện tình cảm rất khác. Họ không có thói quen ngủ chung một giường vì chê người này ngáy to, người kia hay trở mình làm “mất giấc”… thậm chí họ ngồi cạnh nhau cũng thấy “chướng”, nhưng lại không thể không “để mắt” trông chừng lẫn nhau, như thể sợ người này “đi trước” thì quãng đường còn lại của mình sẽ rất cô đơn. Có lẽ cũng bởi vậy mà họ vẫn lặng lẽ chăm chút cho nhau bằng sự ân cần, trái ngược hẳn với miệng lưỡi “chém đinh chặt sắt” và những lời ca thán “nhiều như cơm bữa”.

Có ai đó đã từng ví cái tình của người già cũng giống như hương trầm thơm, phải thật tĩnh lặng và tinh ý mới nhận ra, nhưng càng về cuối thì càng ngan ngát, nồng đượm lên mãi, cho đến tận khi tàn rồi mà vẫn quấn quít, vấn vương. Được là chứng nhân của những tháng ngày khó quên này, có lẽ hai ông bà già đã nhận ra rằng, thời gian sẽ chẳng chờ đợi họ, và những nguy hiểm đang rình rập bên ngoài kia cũng thế, vậy nên hãy thật trân trọng người ở bên cạnh mình trong khi còn có thể.

Trang Đào

Tình già

Tình già

Khi chúng ta già, những đứa cháu được sinh ra. Và một nụ hôn âu yếm nơi sofa phòng khách của vợ chồng bạn suốt bao năm bỗng trở thành lố bịch.