PGS.TS Lê Minh Hà và những nghiên cứu nâng cao giá trị cho cây thuốc Việt

PGS. TS Lê Minh Hà là nhà khoa học nữ nổi tiếng trong việc ứng dụng khoa học để chiết xuất các hoạt chất quý từ nguồn dược liệu thiên nhiên

PGS. TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa Dược tại Viện Hóa Học các hợp chất thiên nhiên là nhà khoa học nữ nổi tiếng trong lĩnh vực hóa – dược. Thế mạnh của chị là dùng khoa học ứng dụng, chiết xuất các hoạt chất quý từ nguồn dược liệu thiên nhiên để sản xuất ra những dược phẩm chất lượng, trị bệnh hiệu quả, an toàn giúp ích cho hàng ngàn bệnh nhân. Ngoài ra, những nghiên cứu của chị cũng gián tiếp tạo việc làm, thu nhập, góp phần phát triển kinh tế cho người dân tại các vùng trồng cây dược liệu.

Từ khi còn là sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS. TS Lê Minh Hà đã có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. May mắn thay, sau khi tốt nghiệp đại học, chị được nhận công tác tại Viện Hóa Học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Tại đây, chị có điều kiện để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, vừa được học tập, trau dồi, mở rộng kiến thức và nâng cao học hàm học vị, cống hiến nhiều nghiên cứu giá trị cho ngành hóa – dược.

PGS.TS Lê Minh Hà hiện là Trưởng phòng Hóa Dược tại Viện Hóa Học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
PGS.TS Lê Minh Hà hiện là Trưởng phòng Hóa Dược tại Viện Hóa Học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Công trình nghiên cứu khoa học điển hình của PGS. TS Lê Minh Hà là nghiên cứu quy trình chiết tách và tinh chế hợp chất KG1 từ cây địa liền, mở ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lí xương khớp cho hàng triệu bệnh nhân ở Việt Nam hiện nay.

Trong quá trình nghiên cứu lâu dài với việc tìm hiểu các bài thuốc dân gian, PGS. TS Lê Minh Hà đã phát hiện ra, hợp chất KG1 có trong cây địa liền – một loại cây hay được người dân đặc biệt là người cao tuổi đem về ngâm rượu để xoa bóp trị đau nhức xương, có tác dụng giảm đau và kháng viêm rất tốt. Thêm vào đó, KG1 có khả năng tái tạo và phục hồi sụn khớp, hỗ trợ điều trị hiệu quả cho các bệnh đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Chị và nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên chuột. Kết quả trên cho thấy chuột uống KG1 liều 50mg/kgP và liều 20mg/kgP có khả năng ức chế cơn co thắt bụng từ đó làm chuột giảm đau. Ở liều 50mg/kgP, KG1 có khả năng ức chế co thắt tốt hơn so với Eferagan với % ức chế của KG1 là 75,79% còn Eferagan (50mg/kgP) là 68,42%. Sự sai khác này là có ý nghĩa thống kê với P<0.1.

Sau 4 – 5 giờ sử dụng KG1 đã xuất hiện tại đầy đủ các khớp, xương trên toàn cơ thể thúc đẩy các phản ứng sinh hóa trong quá trình giảm đau, chống viêm sưng phù nề mà hầu như không để lại bất kì một tác dụng phụ nào như các thuốc tây giảm đau mà ta thường thấy. Nghiên cứu cho thấy KG1 có tác dụng rõ rệt trong kháng viêm, tiêu sưng (giảm 78%), đỏ nóng (giảm 54,8%) tại các mô khớp cũng như dịch khớp.

Tuy nhiên, để tách chiết được KG1 ở quy mô lớ, quy mô công nghiệp khá khó khăn. PGS. TS Lê Minh Hà cho biết: “KG-1 là chất có nhiệt độ nóng chảy rất thấp. Cái khó nhất trong quy trình chiết xuất KG-1 là kiểm soát được nhiệt độ ở tất cả các công đoạn quy trình công nghệ: từ quá trình chiết xuất, cô đặc cho đến quá trình tinh chế sản phẩm. Để vừa đảm bảo được hiệu suất chiết xuất, vừa bảo toàn được hoạt tính của KG-1. Để chiết xuất được hoạt chất KG-1 ở qui mô phòng thí nghiệm thì không quá khó khăn, nhưng khi áp dụng ở qui mô sản xuất công nghiệp thì gặp rất nhiều vấn đề. Tôi cùng các cộng sự đã mất nhiều năm liền nghiên cứu để tìm ra được điều kiện tối ưu có thể đáp ứng được ở quy mô sản xuất công nghiệp. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là tìm ra được loại dung môi chiết xuất an toàn, phù hợp và kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình tinh chế hoạt chất”.

Lễ ký kết chuyển giao công nghệ từ đề tài nghiên cứu khoa học quy trình chiết tách và tinh chế hợp chất KG1 từ cây địa liền.
Lễ ký kết chuyển giao công nghệ từ đề tài nghiên cứu khoa học quy trình chiết tách và tinh chế hợp chất KG1 từ cây địa liền.

 Do đó chiết tách thành công hợp chất KG1 từ cây địa liền  có ý nghĩa rất lớn để đưa công trình khoa học vào ứng dụng sản xuất dược phẩm và các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Lê Minh Hà đã ngay lập tức được chuyển giao công nghệ cho các công ty dược phẩm và các sản phẩm được biết đến là an toàn, tự nhiên, hiệu quả cao, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm nước ngoài.

Tiếp nối thành công từ việc chiết tách KG1 từ cây địa liền, PGS.TS Lê Minh Hà lại tiếp tục nghiên cứu, chiết tách thành công hoạt chất rotundin từ củ bình vôi tươi để tạo ra các loại dược phẩm hỗ trợ điều trị bệnh. 

Và gần đây nhất, PGS.TS. Lê Minh Hà và cộng sự đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất chế phẩm TECAN chiết xuất từ thân rễ rẻ quạt và sâm đại hành, sáng chế ra hợp chất (3S)-dihydroeleutherinol-8-O-β-D-glucopyranoside làm cơ sở để phát triển sản phẩm thuốc ho thảo dược.

Bằng độc quyền sáng chế “Hợp chất (3S)-DIHYDROELEUTHERINOL-8-O-BETA-D-GLUCOPYRANOZIT (được Viện Hàn lâm đặt tên độc quyền là S3-ELEBOSIN) từ rễ cây Sâm đại hành”
Bằng độc quyền sáng chế “Hợp chất (3S)-DIHYDROELEUTHERINOL-8-O-BETA-D-GLUCOPYRANOZIT (được Viện Hàn lâm đặt tên độc quyền là S3-ELEBOSIN) từ rễ cây Sâm đại hành”

 Chị chia sẻ: “Thực trạng cho thấy nước ta có tỷ lệ cao mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Nhu cầu của các công ty dược về các sản phẩm an toàn hiệu quả cho dòng bệnh này là rất lớn. Đây cũng là trăn trở đối với các nhà khoa học hàng đầu thuộc viện Hàn lâm khoa học & công nghệ Việt Nam.”

Bắt đầu từ năm 2016, PGS.TS Lê Minh Hà đã không ngừng tìm tòi các loại dược liệu hàng đầu để phối hợp thành công thức dùng cho bệnh Viêm đường hô hấp. Xuất phát từ đề tài nghiên cứu cơ bản tìm kiếm các chất có hoạt tính kháng viêm từ các cây thuốc họ La dơn nhóm nghiên cứu của chị phát hiện ra cây Sâm đại hành có hoạt tính kháng viêm khá tốt. Do đó nhóm đặt mục tiêu phải làm sáng tỏ thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, đặc biệt là hoạt tính kháng viêm và tác dụng trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp đã được sử dụng trong dân gian của cây Sâm đại hành, nhằm nâng cao giá trị sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn hoạt chất quý giá từ cây thuốc dân gian này. Từ đó góp phần đưa ra giải pháp an toàn và hiệu quả cho các bệnh viêm đường hô hấp bằng các thảo dược thiên nhiên quý giá của Việt Nam.

Và sau bao nỗ lực, cuối cùng cũng thu được kết quả, năm 2018, PGS.TS Lê Minh Hà như vỡ òa sung sướng khi nghiên cứu thành công công thức chuyên biệt dành cho những trường hợp ho, đờm nhiều, viêm đường hô hấp.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hoạt chất S3-Elebosin chiết xuất từ Sâm đại hành làm giảm đáng kể sự suy giảm hệ lưới nội bào, và có tác dụng chống viêm rất mạnh thông qua ức chế các chất trung gian gây viêm như IL-12p40, IL-6, TNF-α. Tác dụng chống viêm của S3-Elebosin tương đương với chất đối chứng dương SB203580.” – chị bồi hồi nhớ lại.

Để tạo ra sản phẩm ứng dụng được vào thực tiễn, hoạt chất S3-Elebosin được phối hợp với một số thảo dược khác có tác dụng tốt đối với viêm đường hô hấp như xạ can, xuyên bối mẫu, mạch môn, cát cánh … Kết quả thử nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy sản phẩm kết hợp các dược liệu kể trên có 4 tác dụng đồng thời là: kháng viêm, giảm đau, giảm ho và long đờm, và có tính an toàn cao.

Sản phẩm cũng đáp ứng tốt trong quá trình điều trị viêm đường hô hấp, giúp giảm nhanh các triệu chứng: ho, đờm, đau rát cổ họng,…ở người bị viêm họng, viêm amidan, viêm V.A, viêm thanh quản. Hơn nữa, sản phẩm không gây mệt mỏi như khi dùng thuốc kháng sinh, thuốc tân dược, không chỉ hiệu quả mà rất an toàn có thể dùng cho trẻ em. Tháng 6/2019, sản phẩm được giới thiệu tại “Triển lãm Quốc tế phụ nữ sáng chế lần thứ 12” diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc và giành được Giải Vàng tại Triển lãm. 

PGS. TS Lê Minh Hà tham dự và báo cáo đề tài nghiên cứu S3 – Elebosin tại “Triển lãm Quốc tế phụ nữ sáng chế lần thứ 12” diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc.
PGS. TS Lê Minh Hà tham dự và báo cáo đề tài nghiên cứu S3 – Elebosin tại “Triển lãm Quốc tế phụ nữ sáng chế lần thứ 12” diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc.

Với những giá trị khoa học và ưu điểm của công nghệ đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, dự án “hỗ trợ thương mại hóa công nghệ của Hội Nữ trí thức Việt Nam” đã lựa chọn công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng ho thảo dược từ Sâm Đại hành và Rẻ quạt của PGS.TS Lê Minh Hà để hỗ trợ thương mại hóa.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai PGS.TS Lê Minh Hà cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, nhằm nâng cao giá trị sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn hoạt chất quý giá từ những cây thuốc dân gian Việt Nam, tạo cơ sở để sản xuất thêm nhiều dược phẩm nội có chất lượng tốt hơn hoặc tương đương với sản phẩm nhập ngoại, có giá thành rẻ hơn, hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân tại các vùng trồng cây dược liệu.

Minh Khang (t/h)

Hai nhà khoa học nữ và hành trình chế tạo vắc xin ho gà trong bối cảnh thiếu thốn, chuột thí nghiệm cũng là một thứ xa xỉ

Hai nhà khoa học nữ và hành trình chế tạo vắc xin ho gà trong bối cảnh thiếu thốn, chuột thí nghiệm cũng là một thứ xa xỉ

Vaccine ho gà được phát triển bởi hai nhà khoa học nữ: Pearl Kendrick và Grace Eldering.