10 năm không mua quần áo mới, mỗi tháng chỉ tiêu 1/3 lương, vợ chồng tôi dồn đủ tiền cho con đi du học Úc

Cứ cuối năm, vợ chồng cô Tư lại gửi tiền tiết kiệm cả năm sang cho con.

"10 năm không mua quần áo mới, mỗi tháng chỉ tiêu 1/3 lương, vợ chồng tôi dồn đủ tiền cho con đi du học Úc" - Đây là câu chuyện có thật được một bà mẹ họ Tư, 47 tuổi, làm công nhân vệ sinh ở Quảng Châu chia sẻ với báo chí. 

Câu chuyện gây tranh cãi của cặp vợ chồng nghèo quyết chí nuôi con ăn học

Năm 2000, vợ chồng cô Tư bỏ lại các con ở quê hương Hồ Nam để đến Quảng Châu làm việc chăm chỉ. Khi đó, con gái Tiểu Lệ của cô chưa đầy 10 tuổi và con trai vẫn chưa vào tiểu học. Công việc đầu tiên tại Quảng Châu của họ là công nhân vệ sinh và tiếp tục đến tận bây giờ. Nhiều năm dậy sớm, làm việc khuya khiến cô Tư mắc bệnh thấp khớp. Điều tiếc nuối duy nhất của cô về công việc là gần như không có cơ hội trở về quê và chứng kiến, tham gia vào quá trình trưởng thành của các con.

Mỗi buổi sáng, cô Tư phải rời nhà vào lúc 4h30 để đi làm trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Hơn 5h, cô bắt đầu lấy dụng cụ rồi đi dọn dẹp đường. Vì được phân dọn các con đường khác nhau nên vợ chồng cô Tư hiếm khi gặp nhau trong giờ làm việc.

Cô Tư là công nhân vệ sinh ở Quảng Châu
Cô Tư là công nhân vệ sinh ở Quảng Châu

Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ kiếm được tổng cộng 6.000 NDT (khoảng 20 triệu đồng). Nếu trừ các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản như nhà ở, nước, điện, thực phẩm thì số tiền tiết kiệm chẳng được bao nhiêu. 

Khi con gái Tiểu Lệ học năm thứ ba đại học thì bỗng đề xuất muốn đi du học Úc. Nghe xong, vợ chồng cô Tư không hề ngăn cản mà quyết chắt bóp, dành dụm bằng được để cho con xuất ngoại. Được biết vì hoàn cảnh nghèo khó nên trước đây, cô Tư chỉ học hết cấp 2. Những tiếc nuối, dang dở khiến cô quyết chí phải để đời con khá hơn đời mình.

Từ thời điểm đó, vợ chồng cô Tư sống tằn tiện hết mức có thể, mỗi tháng chỉ tiêu hết 1/3 lương, tức là 2.000 NDT (khoảng 6,8 triệu đồng). Suốt 10 năm liền, từ lúc con chia sẻ ý muốn đi du học, đến sau này khi con đã đi du học ở nước ngoài, vợ chồng cô Tư không hề mua 1 bộ quần áo mới nào. 

Vì Tiếng Anh của Tiểu Lệ không tốt nên phải đầu tư học và sau đó thi IELTS để nộp hồ sơ du học. Tiền luyện thi Tiếng Anh lên tới 200 NDT/giờ (hơn 680 nghìn đồng). Tổng cộng, Tiểu Lệ thi IELTS đến 7 lần, cho phí mỗi lần tới 2.000 NDT. 

Đối mặt với những khoản chi tiêu quá lớn, điều mà vợ chồng cô Tư lo nhất không phải hết tiền mà là sức khỏe của con gái. Vì áp lực học Tiếng Anh nên Tiểu Lệ sụt cân nghiêm trọng. Cũng may, cuối cùng cô gái trẻ cũng thi được 6.5 IELTS và nộp hồ sơ đi du học Úc thành công. 

Sau khi Tiểu Lệ đi du học, cuối mỗi năm, vợ chồng cô Tư sẽ gửi số tiền dành dụm được cả năm sang cho con ăn học. Để tiết kiệm tiền, Tiểu Lệ không về nhà gặp bố mẹ trong suốt thời gian du học. Khi nhớ bố mẹ, Tiểu Lệ sẽ gửi ảnh và gọi video call về cho bố mẹ.

Năm 2017, khi chia sẻ câu chuyện này với báo chí, cô Tư nói: "Chúng tôi phải cho con gái đi học để sau này nó không phải sống vất vả như chúng tôi nữa".

Thực tế, câu chuyện của gia đình cô Tư sau khi được báo chí đăng tải đã nhận về 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên ngợi khen, cho rằng gia đình cô Tư đã truyền cảm hứng cho mình trong việc nuôi con ăn học, một bên lại cho rằng, nền giáo dục trong nước hiện cũng rất tốt, không cần thiết phải tốn kém quá mức như vậy. Bên cạnh đó, con gái cô Tư phải thi IELTS 7 lần mới được 6.5 thì chứng tỏ học lực cũng không quá xuất sắc, vậy phải ra nước ngoài bằng được làm gì?

Tuy nhiên, đây là quyết định riêng của gia đình cô Tư và có thể thấy người mẹ này sẵn sàng đánh đổi, chịu vất vả cho tương lai con mình.

Thanh Hương

Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam

Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam

Học chương trình song bằng, con trai lớn của chị Liên lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ.