“Baby box” - chiếc hộp em bé có thật tại Hàn Quốc xuất hiện trong phim "Broker"

Những chiếc hộp em bé này đã tồn tại ở Hàn Quốc từ năm 2009 và đã cứu sống hàng nghìn đứa trẻ.

Người Môi Giới (tựa tiếng Anh: Broker) là tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc được chỉ đạo bởi đạo diễn kiệt xuất người Nhật Bản Kore-eda Hirokazu. Bộ phim mang tới câu chuyện xúc động và dàn diễn viên đầy thực lực: Song Kang Ho, Gang Dong Won, Doona Bae, Lee Ji Eun, Lee Joo Young.

Người Môi Giới là câu chuyện về hành trình đi tìm một gia đình mới cho đứa trẻ bị bỏ lại trong “chiếc hộp em bé”. Sang-hyun (Song Kang Ho) là chủ một cửa tiệm giặt ủi ngập đầu trong nợ nần, bên cạnh công việc chính ông ta còn là một người môi giới. Đồng hành với ông là Dong-soo (Gang Dong Won) – từng là trẻ mồ côi và hiện đang làm việc cho một cơ sở vận hành “chiếc hộp em bé”.

“Baby box” - chiếc hộp em bé có thật tại Hàn Quốc xuất hiện trong phim

Vào một đêm mưa gió, Sang-hyun và Dong-soo lén lút mang đi một đứa bé vừa bị bỏ rơi trong hộp. Nhưng bà mẹ trẻ So-young (Lee Ji Eun) đột nhiên đổi ý và quay trở lại tìm con mình. Dù bán tín bán nghi, So-young quyết định tham gia vào chuyến đi kỳ lạ tìm kiếm gia đình mới cho chính con mình với lời hứa của những gã môi giới: “Nếu tiếp tục tìm, hẳn sẽ gặp người có điều kiện tốt hơn thôi.”

Trong lúc đó, nữ cảnh sát Soo-jin (Doona Bae) cùng cấp dưới của mình đã luôn theo sát và chứng kiến toàn bộ quá trình. Họ lặng lẽ theo dõi bộ ba để thu thập những bằng chứng mang tính quyết định: “Nhất định phải bắt quả tang bọn họ.”  Cuộc hành trình bám theo những người môi giới của các thanh tra sẽ diễn biến theo một chiều hướng mà chính họ cũng không thể lường trước được. 

Phim dựa trên câu chuyện có thật về “hộp em bé – baby box”, một chiếc hộp do một vị mục sư ở Hàn Quốc tạo ra, nhằm bảo vệ những đứa trẻ sơ sinh khỏi giá lạnh và côn trùng cho đến khi có người phát hiện ra các em.

"Baby box" là một chiếc hộp đặt bên cạnh nhà trẻ mồ côi, nơi những bà mẹ có thể đặt đứa con sơ sinh vào một cách an toàn. Được lót bằng mền, chiếc hộp được sưởi để giữ ấm cho trẻ. Khi một đứa bé được đặt vào trong hộp, chuông báo động sẽ rung lên để nhân viên của Trung tâm phúc lợi đến mang đứa trẻ vào trong.

Mục sư Lee Jong-Rak ở nhà thờ Jusarang đã phát minh ra chiếc hộp này sau khi nghe được những câu chuyện về những em bé bị bỏ rơi ngoài trời hay trong những phòng vệ sinh tập thể khiến chúng có nguy cơ tử vong vì bị hạ thân nhiệt.

Ông từng chia sẻ về cuộc điện thoại lúc 3:20 phút rạng sáng tháng 4 năm 2017: “Người phụ nữ ấy gọi điện tới, cô ấy liên tục xin lỗi về việc phải bỏ lại đứa trẻ ở cổng nhà thờ.” Cho tới khi ông ra ngoài và tìm thấy chiếc thùng xốp đựng cá nơi đứa trẻ bị bỏ lại, em đã quá yếu do thấm lạnh trong thời gian dài và cuối cùng qua đời khi ông Lee ôm vào lòng.

  Ông Lee Jong-rak và chiếc “hộp em bé” – câu chuyện của ông đã từng được kể qua bộ phim tài liệu “The Dropbox” của đạo diễn Brian Ivie (2015)

Ông Lee Jong-rak và chiếc “hộp em bé” – câu chuyện của ông đã từng được kể qua bộ phim tài liệu “The Dropbox” của đạo diễn Brian Ivie (2015)

“Một số người vị thành niên sinh con trong những ngôi nhà hoang hay trong toilet công cộng. Chúng chỉ bọc những đứa trẻ trong chiếc áo hay khăn cũ rồi mang tới chỗ chúng tôi”, ông Lee cho hay.

Bản thân ông Lee Jong Rak và vợ có hai người con ruột, nhưng cậu con trai bị bại não bẩm sinh và vợ chồng ông phải thay phiên chăm bẵm con tới lớn. Chính điều này đã khiến ông nảy sinh lòng thương xót với những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Năm 2009, trước thực trạng quá nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại các bãi rác, phòng tắm hơi công cộng hay là các hộc tủ ở trạm tàu điện ngầm, mục sư Lee Jong-rak đã tạo ra chiếc hộp em bé đầu tiên đặt trước cửa Nhà thờ Cộng đồng Jusarang nơi ông phụ trách với hy vọng có thể cứu giúp thật nhiều những sinh linh bé nhỏ.

Trên mỗi chiếc hộp Baby Box đều có viết một câu Kinh Thánh: "Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi" và lời nhắn "Hãy để lại thông tin về ngày tháng năm sinh của đứa trẻ". Vào năm 2014, đã có 280 trẻ sơ sinh bị bỏ lại trong những chiếc hộp Baby box này.

Ông Lee cùng vợ đã cứu sống hơn 1.500 đứa trẻ cho đến nay. Trong số đó, hơn 160 trẻ em đã được trở về với gia đình mình, hàng trăm trẻ khác được các gia đình tốt bụng nhận nuôi, dù thủ tục nhận con nuôi ở Hàn Quốc vô cùng phức tạp, có thể mất đến 1-2 năm để chính quyền xác minh nhân thân của người nhận. Bản thân vợ chồng ông Lee cũng đang nuôi hàng chục trẻ bị bệnh down, thiểu năng, bại liệt…

Phần lớn những người bỏ rơi con trong chiếc hộp này là những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn hoặc là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp, với hơn 50% trong độ tuổi 20, tiếp đến là trẻ vị thành niên. 

Cho đến nay, Baby box trên vẫn hoạt động trong một vùng xám về pháp lý. Giới chức Hàn Quốc biết rõ về sự tồn tại của nó nhưng Bộ Phúc lợi Hàn Quốc không ủng hộ, cũng không phản đối vì như một quan chức của Bộ này thừa nhận, “chiếc hộp” đã cứu sống nhiều đứa trẻ.

Tuy nhiên chính quyền quận Gwanak – nơi đặt “chiếc hộp” đã nhiều lần yêu cầu mục sư Cho đóng cửa cơ sở này vì cho rằng cơ sở này hoạt động bất hợp pháp đồng thời khuyến khích việc bỏ trẻ. 

Thanh Mai