Biến chủng Omicron được coi là chìa khóa giúp nhân loại thoát khỏi Covid-19

Biến chủng Omicron được đánh giá có thể giúp nhân loại thoát khỏi Covid-19 trong bối cảnh vaccine không giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Theo dữ liệu từ các quốc gia cho thấy các loại vaccine Covid-19, hay thậm chí lây nhiễm tự nhiên cũng không tạo ra hệ miễn dịch bảo vệ con người vĩnh viễn. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng virus sẽ giúp phần lớn người dân trên thế giới có "siêu miễn dịch" - tức khả năng chống chịu tốt hơn với các biến chủng mới, hay thậm chí bất kỳ chủng virus corona nào khác trong tương lai.

Siêu miễn dịch không loại bỏ 100% nguy cơ lây nhiễm virus, nhưng có thể giúp người mắc bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhờ đó cuộc sống có thể trở lại bình thường, theo Wall Street Journal.

Biến chủng Omicron được coi là chìa khóa giúp nhân loại thoát khỏi Covid-19

Các nghiên cứu cho thấy hệ miễn dịch của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, sau đó tiêm vaccine Covid-19, sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn và tồn tại lâu hơn người chỉ được tiêm chủng.

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Oregon công bố tháng 12/2021 cho thấy người đã tiêm vaccine, sau đó nhiễm Covid-19, có nồng độ kháng thể cao hơn tới 1.000 lần so với người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Các nhà khoa học nhận xét hiện tượng nhiễm Covid-19 trước hoặc sau khi tiêm vaccine sẽ tạo ra "siêu miễn dịch".

Một nghiên cứu của Nam Phi chỉ ra người nhiễm biến chủng Omicron sản sinh kháng thể có vô hiệu hóa biến chủng Delta hiệu quả cao gấp 4 lần.

Mũi vaccine bổ sung cũng giúp cải thiện phản ứng miễn dịch nhờ kèo dài thời gian tế bào B học hỏi mầm bệnh. Nhưng mũi vaccine tăng cường chỉ huấn luyện hệ miễn dịch làm quen với cùng một mục tiêu, đó là gai protein. 

Tế bào T trên người tiêm vaccine có khả năng phản ứng hiệu quả với biến chủng Omicron ở mức 70-80%, giúp làm giảm nguy cơ người mắc Covid-19 diễn tiến nặng hoặc tử vong. Nhưng lây nhiễm tự nhiên còn củng cố khả năng của tế bào T hơn nữa, giúp chúng nhận ra những protein khác của virus chứ không chỉ gai protein. 

Tế bào T trên người từng mắc SARS 17 năm trước cũng nhận ra một phần virus SARS-CoV-2 hiện nay. 

Các dữ liệu cho thấy việc nhiễm biến chủng Omicron nhiều khả năng kích thích sản sinh hệ miễn dịch hiệu quả và lâu dài chống lại Covid-19, thậm chí cả các chủng virus corona khác ngay cả nếu chúng đột biến và có độc lực mạnh hơn.

Người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 trước đây có cơ hội phát triển "siêu miễn dịch" nếu tiếp tục tái nhiễm. Nhờ vậy, Covid-19 cuối cùng có thể trở thành một loại virus gây ra căn bệnh thông thường như cúm, tuy khó chịu nhưng hiếm khi chết người.

Thanh Mai