Đàn ông Hà Nội thường được mặc định là không ăn quà. Hay đúng hơn, đàn ông không ngồi lê la quà vặt. Chỉ có đàn bà mới quẹt ngang bánh đúc ở chợ. Nhưng đàn ông lại mới là người viết nhiều về các thức quà. Danh sách này dài và cũng nhiều tác phẩm đã được xem như bậc nhất tinh tế của văn chương hiện đại Việt Nam. Chẳng nói thì học sinh nào cũng biết Thạch Lam, Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng đã được liệt vào hàng tiên chỉ làng văn phần nhiều vì có “hoa lưỡi”. Những món quà Hà Nội xem ra giống như một cái mỏ đem lại vinh quang cho bất kỳ ai dùng chữ nghĩa viết về chúng.
Song khi nỗi hoài niệm của những “miếng ngon Hà Nội” đã được xem như bảo tàng cổ vật thì trong những năm tháng đương đại, làm nên “thương hiệu” mồm miệng đàn ông Hà Nội có lẽ chính là chè chén và bia hơi. Xét về sự tương đồng với cánh chị em, chè chén và bia hơi là hai món vặt, hai thức quà của đàn ông. Chè chén thoát ly khỏi cái gốc cảnh vẻ của bậc hàn nho chiêm nghiệm nhân tình thế thái qua vị trà, bia hơi thay thế những “thu ẩm hoàng hoa tửu” của những trượng phu đời trước.
Chè chén đi kèm kẹo lạc, và bia hơi thì cũng sinh ra thành ngữ folklore đời mới: gần mực thì bia. Mực trong văn phòng tứ bảo của nho sinh đã trở thành mực nướng đưa cay. Sự chuyển hóa này vừa thể hiện ánh xạ của không gian mũ cao áo dài sang không gian bình dân của mũ cối (thời bao cấp), mũ bảo hiểm (nay), vừa là kết quả của sự thích ứng khi bậc trượng phu đã có không gian vỉa hè thay thế những thư phòng xưa cũ.
Hình thái quán nước chè cũng không phải mới, chúng đã kịp được không gian hóa thành nơi tự tình trong một vài ca khúc lãng mạn thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp như: “Cô hàng nước” (Vũ Minh), “Cô hàng cà phê” (Canh Thân) hay “Tình nghệ sĩ” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh). Thậm chí một quán dọc đường tản cư đã thành địa chỉ vàng cho hai bài hát sau cùng vừa kể: “Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm, nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng”. Ở đầu bản nhạc, Đoàn Chuẩn còn ghi: “Viết tại quán cà phê Thanh Hương, nơi cả Canh Thân và Đoàn Chuẩn cùng chết mệt vì cô hàng”. Bản nhạc được coi như đầu tay này của nhạc sĩ dự báo việc ông sẽ còn chết mệt vì rất nhiều cô khác.
Không rõ có phải vì đàn ông Hà Nội thích ngồi chém gió (còn các bà thì đã mang tiếng “ngồi lê đôi mách”), lười đi lại động chân động tay mà sinh ra các hàng chè chén quà vặt và bia hơi khắp phố cùng chợ. Trong khi đó, tất nhiên ở miền Nam đàn ông hay nhậu với rượu đế, và ở đấy có vô vàn giai thoại về việc nhậu với các “món lai rai”, cũng từa tựa những món quà vặt như các loại khô cá khô mực hay cóc xanh chấm muối ớt. Quả thực bản chất “đồ ngoài cơm” vẫn thế, chỉ khác đồ nhắm thức uống và tên gọi. Song ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng. Những địa điểm này tập trung tinh thần những giai thoại “người Bắc có lý luận”, khi những người uống bia hơi và nhấp chén trà không say cồn mà say giành phần thắng trong tranh cãi. Cái dồn nén của những khát vọng không thành, những chí lớn chưa về bàn tay không, tìm thấy chỗ xả ra, nhưng không đến độ nặng đô như rượu quốc lủi hay Brandy. Nó nhè nhẹ thôi, những tâm sự vặt đồng điệu với những thức quà vặt vậy.
Khi sang Bangkok, thủ đô Thái Lan vốn được mệnh danh là thiên đường quà vặt, tôi cũng thử tìm xem đâu là những nơi đàn ông bình dân trút bầu tâm sự. Theo thói quen ở Hà Nội, tôi bắt đầu từ cái vỉa hè. Nhưng Bangkok chỉ có vỉa hè ở những đường lớn, còn các đường nhỏ hay ngõ (gọi là Soi) thì không có. Dĩ nhiên họ không có quán nước chè, và nếu uống bia thì toàn là bia chai hoặc bia tươi mang các nhãn hiệu cố định như Singha, Leo hay Chang (chính là của hãng bia Thái đã mua lại nhãn hiệu bia Sài Gòn và 333 nước ta). Bù lại họ cũng có nhiều hàng rong, thường là những chiếc xe đẩy hoặc tận dụng khoang sau của xe bán tải, đỗ ở sát mép đường. Họ bán đủ thứ quà vặt: thịt nướng xiên, xoài lắc, nộm đu đủ, nước lựu ép… Nhìn chung, những ai từ Việt Nam sang đều cảm thấy quen thuộc. Duy có cảm giác không giống như ở Hà Nội, khách ăn quà thường không có sẵn ghế để ngồi và ai nấy khá vội vàng khi ăn, hoặc đa số cầm các thức quà đã được cho vào túi nilon xách đi. Muốn ngồi lê la vừa nhấm nhót vừa buôn chuyện, người ta phải vào các khu kiểu chợ đêm du lịch hoặc các food court đông đúc. Nhưng trên tất cả, thiếu thốn nhất đối với cánh đàn ông từ Hà Nội sang là ở đây không có văn hóa bia hơi và chè chén. Người đàn ông tha hương bỗng thấy không bia hơi hay khói nước chè quả thực cũng nhớ nhà.
Không rõ nếu ông tỉ phú chủ hãng bia Thái định mua tiếp nhãn hiệu bia Hà Nội hay bia Việt Hà, thì ông ta có biết rằng phần sôi động của hai thương hiệu kia còn có bia hơi, thứ đã lôi cuốn nhiều khách Tây thử uống và nhắm cùng lạc luộc, nem chua, sau khi Tổng thống Mỹ Obama uống bia chai với bún chả. Đã thế xong xuôi lại còn chiêu một cốc trà đá hay chén nước chè nóng, những thứ vặt vãnh vốn dĩ làm thành một loại xiềng xích vô hình trói buộc lòng người.
***
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
(Vọng nhân hành - Thâm Tâm, 1944)
Có một quá khứ dài thi nhân hay các văn nghệ sĩ mượn chén rượu tiêu sầu và lấy thi hứng. Tô Hoài đã kể, cho đến năm 1954, người Hà Nội mới bắt đầu tập uống bia, thậm chí để cho dễ uống bia còn pha đường. Vậy mà như nhiều nhà nghiên cứu và nhân chứng đã nói, thời chiến tranh bia hơi lên ngôi, thậm chí gây nghiện cho cánh đàn ông ở vào hoàn cảnh thành phố nheo nhóc vì bom đạn và thiếu thốn. Những quán bia giống như một hậu phương tiêu sầu, cho dù vẫn là thứ có vẻ thiếu thốn. Bia hơi và chè chén là đôi bạn của một Hà Nội lầm lũi trong bóng tối của thành phố mất điện, của tiếng còi báo an “máy bay địch đã bay xa”. Chúng lên ngôi là bởi sự cơ động và không quá xa xỉ, và hơn hết là người ta vẫn đủ tỉnh táo để phản ứng trước thực tại. Chúng làm nên một thói quen sinh hoạt và cả một nếp nghĩ của thị dân kéo dài đến bây giờ.
Hà Nội vào những năm tháng bao cấp đã tạo ra một lối ngỏ cho những loại hình kinh doanh tự phát như bơm vá sửa chữa xe đạp và quán nước chè, những thứ không đòi hỏi kỹ năng cao siêu. Người ta đã biết sau lần chết mệt vì cô hàng thời “Tình nghệ sĩ” và vài ba cô khác, có huyền thoại cuối cùng về một nàng thơ của những “Tà áo xanh”, “Bài ca bị xé”… của Đoàn Chuẩn, vốn chẳng những nổi tiếng vì lãng tử mà còn vì gia thế rất giàu có. Ở vào thời bao cấp khốn khó, huyền thoại ấy như một giấc mơ về một miền xưa “gió bay từ muôn phía, tới đây ngập hồn anh”, ai nấy sống trong nhung lụa phấn hương. Vào cuối thập niên 1980, người ta gặp một người phụ nữ trung niên tóc ngả bạc mở quán nước chè cạnh Văn Miếu, trong một khu những kiot cho các sĩ quan quân đội về hưu. Người ta nhận ra cô chính là giọng ca đình đám Lê Hằng của bài hát “Trước ngày hội bắn” hai thập niên trước. Nhưng cô cũng chính là ca sĩ Thanh Hằng – “người con gái có đôi môi cá vàng” của Đoàn Chuẩn thời năm 1954-1955, nguyên mẫu cho “Tà áo xanh” thuở ấy. Sau khi chia tay, Thanh Hằng đổi nghệ danh là Lê Hằng và vào văn công Việt Bắc, đi theo đoàn rong ruổi ở những vùng đèo cao suối sâu, và nhiều lần bà phủ nhận chuyện xa xưa, thậm chí có phần quyết liệt. Người ta cũng dần cho đó chỉ là một giai thoại văn nghệ, như vô vàn giai thoại lãng mạn khác… Khách qua đường chỉ thấy hình ảnh của một “cô hàng với bàn tay ngà” (lời bài hát “Cô hàng cà phê” của Canh Thân), một vẻ đẹp của quá vãng ở chốn hồng trần. Ai biết những hào quang lộng lẫy năm xưa của ngôi sao thủ khoa thi hát trên Đài phát thanh Hà Nội năm 1953 hẳn cũng ngậm ngùi cho thời cuộc. Nhưng ở vào hoàn cảnh cả xã hội bung ra, “đầu đường đại tá bơm xe, cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”, thì người ta lại thấy sự gần gũi kề cận của những huyền thoại Hà Nội.
Tôi đã viết cuốn sách “Một thời Hà Nội hát” - Tìm cũng không ngờ làm nên lời ca, trong ấy nhắc tới mối duyên nợ giữa chàng nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn và nàng thơ Thanh Hằng (hay Lê Hằng). Chính ở nhà Đoàn Chuẩn lúc ông còn sống, tôi đã được ông cho xem ảnh của nàng thơ – tôi cảm động đến sững sờ khi thấy chàng có bức ảnh nàng năm 60 tuổi cất kỹ trong chiếc cặp tài liệu - lúc ấy tôi không biết người phụ nữ đó là ai. Sau này khi đã biết thì tôi mới đi đến nhận thức rằng hóa ra chàng vẫn không quên mối tình 40 năm trước, vẫn tìm cách có được tấm ảnh nàng vào năm 1996 đó. Tôi đã cố gắng dò hỏi về sau liệu hai người có cuộc gặp gỡ nào thời gian ấy không. Các con Đoàn Chuẩn người bảo hình như có tình cờ chạm mặt nhưng ông chủ động rút lui. Các con gái Lê Hằng và cả chính Lê Hằng cũng ngỡ ngàng khi tôi cho họ xem bức ảnh đó, vốn không có trong album gia đình. Khi các chị con gái thắc mắc, “Ông ấy có bức ảnh bằng cách nào nhỉ?”, Lê Hằng không trả lời câu hỏi ấy, bà chỉ im lặng ngắm hình ảnh mình. Phải chăng ở đấy là sự cảm động không thành lời khi quả thực cho đến cuối cùng, điều không thay đổi là “có tình nào không phai, như tình anh với em” trong lời bài hát cũ…
Gần đây, nhiều bức ảnh Hà Nội thập niên 1980 và thời kỳ bắt đầu Đổi Mới được cộng đồng chia sẻ nhiều trên mạng. Ai nấy tấm tắc về một Hà Nội thời nhiều xe đạp bên cạnh những chuyến tàu điện cuối cùng trước khi biến mất. Những gương mặt người bắt đầu tươi tỉnh và quần áo có thêm màu sắc bên những vỉa hè, những quán bia hơi và nước chè. Tôi vẫn mơ màng nghĩ đến một Hà Nội bụi bặm, có khi nào Đoàn Chuẩn, khi ấy bắt đầu vui trở lại khi những bài hát lãng mạn của mình được tái xuất, đi qua một góc phố có quán nước chè của người đẹp năm xưa. Ông đã từng “chết mệt vì cô hàng” năm xưa để viết nên “Tình nghệ sĩ”, chuyện đã xảy ra nhiều lần sau đó, nên ta cũng chẳng thể bảo là không thể? Khi người ta sống lãng mạn, đám bụi ven đường cũng ánh lên màu hồng lãng mạn...
Chè "Đèn Dầu" 5.000 đồng vẫn sáng đèn suốt hơn 40 năm trên vỉa hè Sài Gòn
Chè "Đèn Dầu" không phải là món ăn đắt giá hay quá xa lạ, chỉ là nằm ở cách bán hàng quá đỗi thân thương của ông bà Tư.