Chuyện vui nút like

Trong mạng xã hội Việt, cái nút Like vốn rành rọt là “Thích” của dân Âu Mỹ, biến thể dần thành cái nút trung dung nhuốm màu Khổng giáo không gột được.

Một thay đổi quan trọng của mạng xã hội xuất hiện vào tháng 2/2009, là sự kiện Facebook sau nhiều trăn trở, cho “sinh hạ” nút "Like” dưới các bài đăng. Tiếp theo đó, vào năm 2015, các nút trong bộ Reactions ra đời: “Yêu thích”, “Haha”, “Ngạc nhiên”, “Buồn”… được xem là phiên bản mở rộng của nút Like. Một bài đăng nhận được nhiều tín hiệu phản ứng xúc cảm từ người đọc sẽ tương tự như một “tút” có nhiều likes.

Kể từ đây, mạng xã hội Facebook sôi lên sùng sục vì các giang cư mận mà phần lớn vốn lười biếng, có được một thứ phương tiện thể hiện sự tương tác với chủ nhân bài đăng một cách nhanh nhất, tiện nhất, chỉ cần một cú click chuột trái mà không phải động não nặn ra một cái “còm men” tán dương thành công nhạt như nước ốc, hoặc chia buồn lấy lệ mòn như đá cuội. Và cũng từ đó trong mạng xã hội Việt, cái nút Like vốn rành rọt là “Thích” của dân Âu Mỹ, biến thể dần thành một cái nút trung dung nhuốm màu Khổng giáo không gột được. Để Việt hóa mọi nhẽ, bây giờ tôi sẽ gọi nó là cái nút “Lai”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Người ta chơi Facebook, kết bạn với nhau theo từng nhóm xã hội. Đó có thể là các bạn học cũ; các nhà văn, nhà thơ, bạn viết; các nhóm phượt, thể thao, du lịch, bếp núc… cùng sở thích. Các bạn của tôi thường là lính trận, ưa thẳng thật bỗ bã đủ các phe phái vùng miền. Bạn bè với nhau lai nhau, như thông báo là tôi đã đọc, là tôi vẫn sống và quan tâm đến bạn, còn “Thích” nội dung bạn chia sẻ hay không thì chưa chắc.

Với nhiều người Việt, cái sự lai nó nhiêu khê hơn, nó chất chứa nhiều nội hàm hơn người ta tưởng. Lại có cả các thứ lai xã giao, như nhiều thứ nguyên tắc xã giao ở tầm chính trị quốc gia. Bình đẳng vô vị nhất là anh lai tôi thì tôi lai anh như một trả nghĩa sòng phẳng, nhưng đã là quân thì phải lai sếp. Đố anh nào dám không lai đấy! Đến khi sếp được cơ cấu, lên làm lãnh đạo lớn thì thôi rồi! Lúc đó sếp sẽ tự bỏ chạy khỏi mạng xã hội lẫn Facebook, không phải vì bận hay chảnh mà đôi khi vì sợ lộ cái tông tích giao thiệp bình dân lắm khi dở khôn dở dại của mình, và quân gia từ đó cũng khỏi cần lai nịnh.

Lắm người lai mà không đọc, cũng có người đọc mà không lai. Trường hợp thứ nhất gọi là lai dạo, lai rong, như những chuyến ghe thương hồ của Tình anh bán chiếu. Trường hợp thứ hai thường là những người đã từng yêu nhau hoặc từng ghét nhau, họ thậm chí tỏ vẻ cao thượng, không thèm chặn nhau nhưng đọc hết nhau trong im lặng.

Không lai thì bảo rằng khinh

Lai rồi lại bảo có tình chi đây?

Một anh kính vợ đắc thọ bạn tôi đã tương cái dòng trạng thái đầy ẩn ức lục bát này lên trên Facebook sau khi bị bà xã cằn nhằn rằng em đã đếm kỹ, anh lai các món “nó” nấu nhiều hơn lai em, những bốn lần tất cả, mặc dù món đó có hơn gì em. Nó nấu thì anh ăn trên hình ảnh, còn em nấu thì anh ăn bằng mồm. Ăn thật xong mà lại không lai là không có được. “Nó” ở đây là một chị đẹp, tác giả của các món ngon nổi tiếng Hà Nội nay đã lên bà. Chết anh đi! Mỗi cái lai sao gây khó gây ghen nhau làm vậy? Trời đã sinh lai sao còn sinh vợ!

Có anh bạn lính viết văn thì than thở, rằng một bài viết lao tâm khổ tứ, đăng lên phây không nhuận cũng chẳng tràng, cả ngày giỏi lắm được trăm người lai. Một khuôn mặt khả ái, một vòng ba đẹp, một cặp tuyết lê tròn cạp đất ra ăn... chỉ cần đưa lên chục phút có hàng chục ngàn lai. Đời sao thật bất công quá! Chắc anh chưa biết hiệu ứng thị giác nó trực tuyến, nhanh hơn não. Một công tâm lai của một người đọc thẩm uy tín tuy số lượng chỉ bằng một phần nghìn các a dua lai xanh lè kia, nhưng nó chất lượng, nặng ký hơn gấp bội phần.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Lại một anh nhà văn khác thì phàn nàn, rằng khó lai nhất là những lời than phiền, kêu khó khăn tài chính hay triết lý vụn vặt về bài học tình trường của các người yêu cũ. Khó lai nhì là các cảnh âu yếm riêng tư gia đình của bạn bè hay nhà người quen khác. Tất nhiên anh này đến giờ vẫn chưa vợ. Lai vợ người ta nhiều biết đâu bị ghét vì thiếu tế nhị? Lai chồng nhiều lại bảo ám hiệu rủ nhau đi nhậu... Nhưng chưa sợ bằng lai các bài của những nhà văn hay nghệ sỹ khó tính. Lai nhanh quá anh lại bị đại ca mắng cái đồ mày chưa đọc đã lai. Lai chậm chút thì lại sợ bị chửi rằng thằng em sao không chịu lăng xê “sắp pót” (Support).

Mỗi cái lai mà lắm chuyện rức hết cả đầu. Dễ lai nhất, dễ thả tim vô tư nhất là tin các hài đồng xinh xắn, con cháu của bạn bè chúng ta vừa lọt lòng chào đời, dù trên hình chúng vẫn ướt nhèo và mặt nhăn như khỉ. Rồi chúng ta lai sự lớn lên của chúng, các cháu nội ngoại khôi ngô dĩnh ngộ, ba tháng đã biết lẫy, bảy tháng đã biết bò, chín tháng lò dò biết đi tựa như Thánh Gióng. Trẻ con nhà ta bao giờ cũng thông minh hơn đời với học bạ ghi toàn điểm giỏi suốt năm, chỉ trừ mỗi lúc đi thi.

Để khởi động cái động cơ diesel công suất lớn, thường có cái máy nhỏ hơn chạy xăng khởi động trước để mồi, gọi là máy đề hay máy lai. Tôi cũng bị một anh bạn ví với cái máy lai tự động, vì hắn thấy tôi lai nhanh lai nhiều. Trăm lai không bằng một thấy. Thân còn chẳng tiếc tiếc gì cái lai. Tôi hát nhé: Lái… lái… lai lai lai lai… Lái lái lai lai lai lai…là bài “Tình ca du mục”, phải không nào?

Xuân Tùng

Sự buồn chán của chạy bộ hay là nhu cầu được trống rỗng

Sự buồn chán của chạy bộ hay là nhu cầu được trống rỗng

Cuộc sống sẽ luôn lộn xộn và phức tạp. Tập trung thưởng thức những điều nhàm chán của mình, biết đâu đấy lại là liều thuốc cần thiết cho mỗi chúng ta?!

Đọc nhiều nhất