Dấu ấn MTV và sự “hồi sinh” dòng nhạc “để nghe”

Hòa chung với gu âm nhạc của khán giả MTV châu Á, khán giả Việt Nam đã được tiếp cận với rất nhiều dòng nhạc trên toàn cầu.

Tháng 11 năm nay, Westlife - nhóm nhạc đình đám của thập niên 90 - sẽ có live concert đầu tiên tại Việt Nam. Dường như, khi những giai điệu của những bản ballad kinh điển ngày nào như “If I let you go”, “Fool again”, “I lay my love on you”, “My love” … vang lên, thì những hoài niệm về kỷ nguyên MTV ngày nào cũng sống lại đong đầy trong trái tim khán giả yêu nhạc thế hệ 7x, 8x…

MTV và Vpop

Và nhắc đến Westlife, không thể không nhắc đến thời đại của MTV (Music Television hay Kênh truyền hình âm nhạc). Kỷ nguyên âm nhạc với các video minh họa phát trên sóng truyền hình lan nhanh chóng mặt, dường như đã thay đổi toàn bộ thói quen thưởng thức âm nhạc của công chúng toàn cầu. Và Westlife, ngoài tài năng âm nhạc, thì vẻ ngoài điển trai, thư sinh đã trở thành “điểm cộng” lớn lao chiếm trọn trái tim của các cô gái. 

Bắt đầu phát sóng năm 1981, MTV khởi đầu là kênh chuyên chiếu các video âm nhạc. Sau hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, MTV đã góp phần làm thay đổi toàn bộ cách thức thưởng thức âm nhạc của khán giả toàn cầu. Thay vì thời đại nghe nhạc qua radio trước đó, giờ đây, âm nhạc trở thành một bức tranh nghệ thuật tổng thể, bao gồm cả hình ảnh, màu sắc, diễn xuất và trình diễn.

Nhóm nhạc Westlife
Nhóm nhạc Westlife

Cuối thập niên 90, MTV mở rộng ra toàn cầu, với các kênh MTV của từng khu vực và quốc gia. Và cho đến năm 1998, VTV3 mua bản quyền phát sóng chương trình MTV Asia Hitlist để phát sóng đều đặn hàng tuần. Kể từ đó khán giả Việt lần đầu được tiếp cận với MTV một cách đều đặn và chính thống.

Hòa chung với gu âm nhạc của khán giả MTV châu Á, khán giả Việt Nam đã được tiếp cận với rất nhiều dòng nhạc trên toàn cầu. Bên cạnh dòng nhạc Pop chủ đạo, khán giả Việt được thưởng thức cả nhạc Hip Hop, R&B, Rock, Latin, Jazz, Blue...

Điều này đã tạo ra một thế hệ Gen Y có gu âm nhạc cởi mở hơn, hiện đại và bắt kịp với các xu hướng âm nhạc toàn cầu hơn. Xuất hiện những nghệ sĩ hát các thể loại nhạc kén người nghe như Rock (Unlimited), Latin (Đoan Trang), Accapella bán cổ điển (AC&M). Thậm chí với những thể loại âm nhạc mang tính thể nghiệm rất kén người nghe như album “Nhật thực” của Hà Trần, hay nhóm Đại Lâm Linh cũng được một bộ phận khán giả đón nhận.

Nhờ có MTV, khán giả Việt tiếp cận được tới những khái niệm đầu tiên của một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến. Đó là thông qua hệ thống các bảng xếp hạng, doanh số bán đĩa, truyền thông, và cả hệ thống giải thưởng. Nhờ những giải thưởng thuộc hệ thống của MTV như VMA (giải MTV toàn cầu), EMA (giải MTV châu Âu), MAA (giải MTV châu Á), khán giả Việt được chứng kiến một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn. Đó là nơi các nghệ sĩ mang các tiết mục mới của mình đến để trình diễn và cống hiến cho khán giả, chứ không phải chỉ đến để nhận giải thưởng như các giải thưởng âm nhạc trong nước trước đó.

Nhờ những giải thưởng thuộc hệ thống của MTV, khán giả Việt được chứng kiến một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn
Nhờ những giải thưởng thuộc hệ thống của MTV, khán giả Việt được chứng kiến một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn

Tất cả những điều này đã giúp cho Vpop bắt đầu những bước đi mới để hình thành một nền công nghiệp âm nhạc sơ khai ban đầu. Các nghệ sĩ có các công ty quản lý, có ekip hỗ trợ, có các trợ lý, có các chuyên gia trang điểm, chuyên gia truyền thông, v.v...

Và các nghệ sĩ Việt bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về những MV ca nhạc được đầu tư kỳ công. Vì những MV sẽ giúp khán giả hình dung ra không gian âm nhạc, câu chuyện người nghệ sĩ muốn kể dễ dàng hơn bao giờ hết. Như MV dài 11 phút “Đóa hoa vô thường” của diva Hồng Nhung đã hỗ trợ khán giả rất nhiều trong việc cảm thụ được một ca khúc có nội dung liên quan đến các triết lý Phật giáo.

Mùa hè năm 2002, VTV ra mắt chương trình “VTV bài hát tôi yêu” như một bước ngoặt lớn cho nghệ sĩ Việt. Chương trình đã tạo ra những MV chất lượng và tạo thành bệ đỡ lớn mạnh cho những ngôi sao âm nhạc thời bấy giờ như Mỹ Tâm (Nhé anh), Mỹ Lệ (Và cơn mưa tới), Đàm Vĩnh Hưng (Tình thơ)… v.v…

Âm nhạc để nghe hay để xem?

Cho đến tận ngày nay ở thời đại Youtube, chúng ta vẫn được đón nhận những MV được đầu tư chỉn chu về hình ảnh lẫn câu chuyện, như câu chuyện châm biếm sâu cay về showbiz như MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy, series các sản phẩm âm nhạc mang màu sắc dân gian đương đại của Hoàng Thùy Linh, các MV được đầu tư chỉn chu cả về chất lượng hay ý tưởng, hình ảnh của Đen Vâu, Sơn Tùng MTP…

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh

Internet dường như đã san bằng mọi biên giới và rào cản, tạo ra một thế giới phẳng. Những nghệ sĩ Việt Nam vẫn có thể tạo ra những MV trăm triệu views thu hút sự chú ý truyền thông quốc tế. Sơn Tùng MTP có thể mời Snoop Dogg xuất hiện trong MV “Hãy trao cho anh”, “See tình” của Hoàng Thùy Linh gây sốt trên nền tảng TikTok toàn cầu…

Tuy nhiên, không có cái gì là tồn tại mãi mãi. Bởi một hiện tượng có tốt đẹp đến đâu, nhưng qua thời gian bắt đầu xuất hiện những mặt trái. Một số MV ca nhạc đã đi hơi xa chức năng ban đầu. Thay vì hỗ trợ âm nhạc tiếp cận khán giả đại chúng dễ dàng hơn thông qua các hình ảnh hiển thị bắt mắt và phong phú, nhiều MV ca nhạc có những hình ảnh hay nội dung phản cảm, có các thông điệp nhạy cảm, trái thuần phong mỹ tục. Các MV gợi cảm quá mức như Erotica (Madonna), Dirrty (Christina Aguilera), hay tại Việt Nam có một số MV dù được đầu tư lớn nhưng khá phản cảm như “Sashimi” của Chi Pu hay “Như cái lò” của Sambi ft Mr.A…

Cùng với sự suy yếu dần của truyền hình, các lễ trao giải thuộc hệ thống MTV dần dần không còn là nơi tụ hội những anh tài. Các màn trình diễn chất lượng ngày càng ít đi. Thay vào đó là như màn drama, chiêu trò đấu đá để cạnh tranh và xuất hiện trên mạng xã hội.

Hình ảnh trong một MV của Đen Vâu
Hình ảnh trong một MV của Đen Vâu

Sau 40 năm hình thành và phát triển, giờ đây MTV thậm chí còn không còn phát MV ca nhạc. Nhưng radio thì vẫn liên tục phát sóng các bài hát đều đặn nhờ vào tệp khách hàng nghe radio khi lái xe hoặc các kênh radio phát trên các phương tiện công cộng như xe bus hay tàu điện ngầm ngày càng lớn tại các đô thị. Sự bắt kịp thị trường và chiến lược phát triển đầy ngôn khoan của Spotify cũng kéo người dùng trở lại với thói quen nghe nhạc thuở ban đầu.

Mặc dù việc phát hành các MV ca nhạc trên nền tảng Youtube vẫn là một cách thức quảng bá âm nhạc không thể thiếu của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, cùng với xu hướng  thời đại và cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng, dường như các nghệ sĩ bắt đầu có xu hướng đầu tư nhiều hơn về “chất” thay vì “lượng”, để có những sản phẩm âm nhạc chạm đến cảm xúc người nghe thay vì những hình ảnh công phu hoành tráng nhưng thiếu chiều sâu như trước. Thậm chí thay cho các MV, nghệ sĩ có những live session với quy mô nhỏ với phần hình ảnh tối giản nhưng vô cùng cảm xúc. Và sau cuộc chạy đua đến mức bão hòa về trình diễn và mức độ đầu tư, âm nhạc Việt đang bước vào một giai đoạn thưởng thức có chọn lọc hơn để “chữa lành” những khủng hoảng cũ.

Nguyễn Đình Lâm

Lady Gaga thắng lớn tại MTV Video Music Awards 2020

Lady Gaga thắng lớn tại MTV Video Music Awards 2020

Lady Gaga được coi là điểm sáng của VMAs 2020 khi ẵm trọn chiến thắng ở 4 hạng mục.