Gà bóp rau răm

Gà bóp rau răm là món ăn khá thú vị, đồng thời giúp bạn giải quyết được gà luộc còn lại sau Tết.

Gà bóp là một món ngon phổ biến tại phố cổ Gia Hội, đúng như cách thức làm gà bóp của quán Mụ Rớt ở Gia Hội, con gà luộc xong phải treo lên để ráo nước trước khi bóp mới ngon.

Vì sao mà món “gà bóp của Mụ Rớt” lại ngon đến như vậy. Rau răm bóp gà là thứ rau răm Huế, tuy “nhỏ con” nhưng lại rất thơm, con gà bóp rau răm phải là gà nuôi trong vườn, ngày nay thường gọi là “gà chạy bộ”, gà ngủ trên cây, thịt chắc và ngọt hơn gà nuôi ở trong chuồng mà là phải gà mái tơ, hay là gà trống thiến.

Gà bóp rau răm

Mặn nhạt chua nói chung tùy khẩu vị. Gà luộc, xé phay, bóp với tiêu muối rang, cốt chanh, xíu đường, rau răm và hành tây thái miếng. Miếng gà bóp phải xé vừa phải, không to quá cũng không bé quá, trộn với mề gà, gan gà, linh hồn của món gà bóp là da phải giòn. Muốn da gà giòn, như thế phải luộc gà từ khi nước lạnh lửa nhỏ liu riu, cho đến khi sôi lăn tăn thì canh thêm khoảng 15 phút thì tắt bếp om thêm 5 phút nữa rồi vớt gà ra nhúng gà vào nước lạnh và đem treo lên, da gà sẽ trắng và giòn trông rất ngon mắt.

Sau khi gà xé ra trộn cùng với mỡ gà để thêm 5 phút nữa cho gà mướt rồi mới đem bóp. Món gà bóp không chỉ ăn với cháo gà mà có thể ăn với xôi nếp.

Xôi nấu với nước gà phải là loại nếp nương Điện Biên hoặc Tú Lệ, nếp nương là loại hạt dài, độ dính vừa phải, nhìn khô nhưng ăn rất mềm, mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, khi nấu xôi ăn kèm với gà bóp không được khô mà cũng không được ướt quá.

Gắp một miếng gà bóp bỏ vào miệng nhai cho thấm chất béo ngậy, cho thấm chất ngọt rồi xắn một miếng xôi kèm theo để sạch miệng, cho khỏi ngán.

Tỉ tỉ tê tê, quay đi quay lại là hết đĩa xôi, hết đĩa gà!

Việt Nguyễn

Ba món chống ngán cho ngày Tết

Ba món chống ngán cho ngày Tết

Ba món chống ngán này lấy nguyên liệu chế biến từ các món Tết bắt buộc phải có, mà đến lúc cầm đũa lên sau bữa cúng tất niên, lại ngại.