Giành lại sân chơi cho trẻ, nữ kiến trúc sư người Việt lọt top 100 phụ nữ có ảnh hưởng năm 2020

Theo đuổi dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ”, kiến trúc sư Chu Kim Đức lọt top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2020 do BBC bình chọn.

Trong danh sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên khắp thế giới do BBC bình chọn ((BBC 100 Women 2020), ở hạng mục sáng tạo, nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức - người đồng sáng lập và giám đốc của doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) là người phụ nữ Việt Nam duy nhất được lọt vào danh sách này. 

Nữ Kiến trúc sư Chu Kim Đức là người Việt duy nhất lọt top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2020. Nguồn: vietnamnet.vn
Nữ Kiến trúc sư Chu Kim Đức là người Việt duy nhất lọt top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2020. Nguồn: vietnamnet.vn

"Bà đã làm việc với các đối tác và cộng đồng trong nước để tạo ra hơn 180 sân chơi công cộng từ vật liệu tái chế. Hiện, bà thực hiện sân chơi trị liệu cho Bệnh viện Nhi Trung ương và sân chơi carbon thấp đầu tiên của thành phố", BBC giới thiệu về kiến trúc sư Chu Kim Đức.

Rẽ ngang từ hoạt động thiết kế sân vườn sang hoạt động xã hội

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quy hoạch đô thị tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, năm 2004 nữ kiến trúc sư sinh năm 1980 - Chu Kim Đức lại tiếp tục sang Pháp học thạc sĩ thiết kế sân vườn cảnh quan và khảo cổ học. Năm 2007, chị về nước sau khi hoàn tất việc học và thành lập công ty thiết kế sân vườn. Với sự ham học học, năm 2012 chị chuyển hướng từ kiến trúc sang học và làm phim nghệ thuật, phim thể nghiệm cho một trung tâm.

Cuộc gặp gỡ với Judith Hansen (Mỹ) trong một lần bà ghé thăm Hà Nội để chụp ảnh không gian chơi của trẻ em đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức. “Bà ấy đi dạo quanh hồ Gươm thì thấy rất nhiều trẻ em leo trèo lên Tháp Bút lổng chổng đá, rất nguy hiểm. Sau đó, chúng tôi hỗ trợ thiết kế cho bà ấy một cầu trượt con rùa. Nếu chính quyền cho phép đặt ở đó, rất có thể nó sẽ trở thành biểu tượng cho ‘thành phố vì hòa bình’”, kiến trúc sư Chu Kim Đức nhớ lại. 

Dù đề xuất của Judith Hansen không được tán thành, và bà quay trở về Mỹ, để lại vô vàn niềm trăn trở đối với Kim Đức. Đô thị hóa phát triển khiến những khoảng trống vui chơi của trẻ em dần biến mất, thay vì được ra ngoài để hoạt động, vui chơi thì trẻ em thành thị chỉ được cầm trên tay những món đồ chơi công nghệ, khiến trẻ mất đi “quyền được chơi”, quyền được học hỏi, khám phá và sáng tạo.

Chị bày tỏ: “Một người đến từ nửa vòng trái đất còn nhận thấy sự thiếu hụt về không gian cho trẻ em. Là người Việt Nam, mình muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa, thiết thực chứ không nằm lại ở các mô hình. Vì vậy, dự án xã hội xây dựng sân chơi được hình thành.”

Kiến trúc sư Chu Kim Đức và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đồng sáng lập Think Playgrounds. Nguồn: zing.vn
Kiến trúc sư Chu Kim Đức và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đồng sáng lập Think Playgrounds. Nguồn: zing.vn

Từ năm 2014, chị Đức và và anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đã sáng lập Think Playgrounds như một nhóm tình nguyện, với sứ mệnh đồng hành cùng các cộng đồng dân cư xây dựng sân chơi, vườn cộng đồng, cải tạo không gian công cộng thân thiện và hòa nhập trong các đô thị ở Việt Nam.

TPG lên kế hoạch thực hiện dự án phát triển sân chơi cộng đồng từ vật liệu tái chế cho trẻ em. Ngoài những khó khăn về kinh phí nhóm còn phải đối mặt với những luồng ý kiến trái chiều, nhưng không vì vậy mà chị Kim Đức và nhóm TPG nản lòng. Cả nhóm miệt mài và kiên trì với hành trình thuyết phục cộng đồng tiếp nhận ý tưởng xây dựng sân chơi cho trẻ trong khu dân cư, và mô hình sân chơi phiêu lưu tại Bãi giữa sông Hồng là thành công đầu tiên, khiến cả nhóm vỡ òa hạnh phúc.

Chị Đức cho rằng, ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ như kỹ năng phản xạ nhanh và nhớ lâu hơn. Qua các trò chơi được thiết kế trong sân chơi phiêu lưu, trẻ sẽ học được cách phòng tránh các tai nạn hoặc các biện pháp bảo vệ bản thân như dập lửa, sử dụng dây thừng để tiếp đất an toàn… Qua việc đào bới, xây đắp cũng góp phần thỏa mãn tính thích khám phá, kích thích sự sáng tạo của các em.

TPG tổ chức các sự kiện "Play day' - ngày vui chơi cho trẻ em - nhờ sự giúp đỡ của bà Judith Hansen và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

“Chúng tôi bắt đầu có khách hàng là các trường mầm non tư nhân, trường tư, trường quốc tế thuê thiết kế sân chơi trong khuôn viên. Với số tiền nhận được, chúng tôi dùng để thực hiện các sân chơi cộng đồng. Năm 2016, TPG được đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội”.

“Tôi chưa bao giờ hối hận khi rẽ ngang từ sự nghiệp cá nhân sang tham gia dự án xã hội này. Đây thật sự là hoạt động ý nghĩa đối với các em nhỏ và cả cộng đồng”, chị Kim Đức chia sẻ.

Sau đó, việc xây dựng sân chơi dần được các khu phố như Ngọc Hà, Tân Mai… hưởng ứng, nhiều sân chơi tái chế, sân chơi trị liệu lần lượt ra đời.  

Chị Đức cho rằng ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ như kỹ năng phản xạ nhanh và nhớ lâu hơn. 
Chị Đức cho rằng ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ như kỹ năng phản xạ nhanh và nhớ lâu hơn. 

Mỗi loại hình đều mang một ý nghĩa riêng, nhưng đều có những điểm chung: tăng sự trải nghiệm, kích thích sự tò mò, sáng tạo của trẻ qua việc tham gia các trò chơi, và vẫn đảm bảo an toàn. Sân chơi tái chế được tạo ra từ như lốp xe, chai nhựa, tấm gỗ thừa… Chị và nhóm TPG đã thiết kế và trang trí lại, biến những vật liệu tưởng chỉ có thể bỏ đi thành cầu trượt, đồ chơi bắt mắt, giúp trẻ có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Những ý tưởng từ “rác” thu hút các em sáng tạo và chơi một cách thích thú.

Sân chơi trị liệu được chị Kim Đức và nhóm phát triển trong bệnh viện Nhi Trung ương, nhằm hỗ trợ các bé đang trong quá trình điều trị được chơi vui vẻ hơn, và chóng bình phục hơn.

Qua việc đào bới, xây đắp cũng góp phần thỏa mãn tính thích khám phá, kích thích sự sáng tạo của các em.
Qua việc đào bới, xây đắp cũng góp phần thỏa mãn tính thích khám phá, kích thích sự sáng tạo của các em.

Sân chơi low carbon là ý tưởng cải tạo một không gian công cộng sử dụng các nguyên liệu thân thiện, thải ít carbon nhất như lốp xe, gỗ bạch đàn, vỏ hộp sữa ép thành tấm chống thấm.

Nỗ lực bền bỉ với dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ” trong 6 năm, nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức cùng nhóm đã xây dựng được hơn 180 sân chơi và tạo ra những tác động tích cực. Trong tháng 11 vừa rồi, chị Kim Đức đã được BBC vinh danh là một trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2020 ở hạng mục sáng tạo.

Chị chia sẻ, bản thân khá bất ngờ khi được BBC liên hệ phỏng vấn online. Đó vừa là niềm vui, vừa là vinh dự khi những cố gắng xây dựng sân chơi cộng đồng của chị và cả nhóm được nhiều người ghi nhận hơn.

Sắp tới, chị mong muốn được kế hoạch kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy “quyền được chơi” cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn. Nữ kiến trúc sư kỳ vọng: “Các khu dân cư sẽ nhận ra tầm quan trọng và có phương án để xây dựng cho trẻ không gian vui chơi. Nếu mọi người cùng chung tay, các phương án như play street (chơi trong phố), sân chơi di động, sân chơi tái chế, sân chơi phiêu lưu sẽ càng được nhân rộng hơn nữa”.

Trong danh sách 100 phụ nữ năm 2020 do BBC bình chọn còn vinh danh nhiều gương phụ nữ nổi bật khác như Thủ tướng Sanna Marin - lãnh đạo chính phủ liên minh của Phần Lan, nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh hay GS Sarah Gilbert - người đứng đầu nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) về vaccine Covid-19.

Ngọc Hiền (t/h)

Thiết kế nhà bếp chuẩn kiến trúc sư

Thiết kế nhà bếp chuẩn kiến trúc sư

Theo KTS Nguyễn Minh Đức tiêu chí cơ bản để lựa chọn và thiết kế căn bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng, đảm bảo thẩm mỹ và công năng.