Gõ buồn lên bàn phím

Khi tấm lịch rớt dần những tờ cuối, tôi ngồi với công việc của mình, đối diện với những câu chữ nhưng không cách gì tập trung được...

Thường, tôi hay chùng lòng vào những khoảng ngày này. Vào cuối năm. Tiết trời miền Trung chẳng như trong Nam, chỉ mưa và nắng. Ở đây, bốn mùa rõ rệt. Cuối năm, đã hẳn là mùa đông. Và đã hẳn: lạnh, mưa, ẩm ướt. Trời cứ khiến mình co vai dẫu đã áo ấm, khăn choàng khi ra phố. Và cứ khiến lòng cồn lên bao nỗi nhớ. Mỗi tuổi có những cảm xúc rất khác nhau khi năm hết, tết đến. Bước qua tuổi sáu mươi, tâm trạng tôi không như hồi ba mươi, bốn mươi hay là năm mươi. Hay buồn, ngậm ngùi và bây giờ đây, cuối đông nỗi buồn như chật căng hết cả tâm trí. Bởi, anh rể tôi mất vào khoảng này.

Ông anh của tôi đã không chờ nổi những ngày mới của năm mới, không kịp đón Giáng sinh đoàn tụ gia đình như lệ thường. Khi mà các con: trai và gái, các cháu: nội và ngoại cùng trở về ngôi nhà của gia đình ở Chicago (thuộc tiểu bang Illinois). Và chị sẽ làm các món ăn Việt và cả nhà sẽ đi lễ đêm rồi sẽ nhắc nhở rất nhiều kỷ niệm, khi còn ở quê nhà. Ngày anh mất các cháu chắt tôi, đứa ở Los Angeles (thuộc tiểu bang California), đứa ở Boston (thuộc tiểu bang Massachusetts) cũng đã vội vã quay về, quần tụ bên mẹ và bên nhau đó thôi! Nhưng không phải như tất cả những dịp sum vầy trước đây của gia đình mà là cùng nhau hứng nhận một nỗi đau chung, những chia lìa khi tiễn đưa bố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tranh minh họa: Đỗ Dũng.
Tranh minh họa: Đỗ Dũng.

Anh rể mất. Tôi thêm thương chị gái mình. Người chị đầu vất vả từ tấm bé để cùng cha mẹ chăm lo cho cả một bầy em lộc ngộc. Đứa trai, đứa gái, đứa hiền, đứa hung. Nhường em từng miếng ngon, chiếc áo đẹp, tấm chăn ấm… Chị là chị cả và tôi là út ít nên cách nhau mấy chục năm trời và cũng mấy chục năm trời, từ ngày có trí khôn, thật, tôi chưa biết đến một ngày chị tôi được an nhàn sung sướng. Ngày còn sống, mẹ bảo chị chúng mày tuổi ngựa, đi sấp ngửa thế kia, sung sướng chỗ nào? Và quả, có vậy! Lấy anh dở hơi, ngang chướng rồi mắn đẻ, chị miên man khổ, chất chồng khổ. Một tay nuôi dạy cả chục đứa con, một tay bán buôn, quán xuyến lèo lái gia đình…

Những ngày này… Khi tấm lịch treo tường đang rớt dần những tờ cuối. Tôi với công việc thường nhật của mình. Ngồi trước máy đối diện những câu chữ nhưng không cách gì tập trung được. Ý nghĩ lơ đễnh, lòng bần thần, tâm hồn đi hoang… Đi những đâu đâu vậy, hả tôi? Một chiều đông ẩm ướt, mưa đan xéo bên ngoài khung cửa, những cánh hoa vàng rụng đầy sân. Sao không nhìn tới? Sao ngoái lui? Bước chân trẻ nhỏ chạy băng băng về ngôi nhà cũ, nơi chốn cũ và những tháng năm cũ. Có anh rể ngồi vắt vẻo nơi thành giếng chơi guitar. Có giàn nho nơi sân sau nhà cát lún. Quả rất to mà khiếp, mới chua chua là… Bữa cơm đậm chất Bắc luôn có cà muối, dưa chua và rau muống luộc. Anh rể ngồi một bên bố hì hụp chan húp mà trông bố kìa, mới thanh cảnh làm sao! Tay khẽ nâng cốc rượu nước trong veo và nhỏ nhẹ ăn, uống, nói, cười… Tiếng bà mắng chị, tiếng vét nồi, mùi cá kho xém cháy… Đã nghe như ký ức trở lại và tràn ngập hết nơi này, một sớm một khuya trời cuối đông se lạnh. Tiếng chị nghẹn qua điện thoại, ngày anh mất. Thương chị quá! Chị Cả ơi!

Thương chị một đời tất tả lo cho chồng, cho con. Thương chị mười mấy năm tha hương nơi xứ người là ngần ấy năm chăm cho chồng ốm nặng. Ngày bố mất không thể về. Ngày mẹ mất vẫn vắng mặt. Đêm mưa trằn mình trong nỗi nhớ. Sao cảm xúc cuối năm tôi trắc ẩn đến ngần này. Mường tượng chị tôi và những năm tháng hụt hẫng trống vắng, vì vắng anh. Căn nhà rộng thênh, khu vườn rộng vừa để trồng hoa vừa để trồng mướp, bầu, bí, rau thơm… Một mình chị vào, ra. Lên lầu, xuống bếp, ra hiên nhìn tuyết cộm dày và thèm có anh để cho uống thuốc, xay thức ăn, nâng giấc, chuyện trò và nhăn nhó. Thèm có anh và thèm có người. Một người Việt Nam gần gũi nhất. Gần gũi những trên năm mươi năm trời. Và cái người Việt thân thiết nhất, máu thịt nhất ấy! Đã bỏ chị ở lại…

Thương chị quá, chị Cả ơi! Và thương các cháu. Cảm giác mất bố, đau đâu chỉ một lần. Tôi, hằng bao năm không còn cha trên đời cảm nhận thêm bao hụt thiếu chênh vênh. Chẳng thể đủ đầy. Sao thể trọn vẹn? Nhất là vào thời điểm năm mới như thể đã trờ tới, ngay nơi ngưỡng cửa nhà. Rồi sẽ có lúc các cháu tôi ước ao có anh để được nghe một tiếng ho, những lời mắng chửi. Mong trông thấy bố một dáng nằm, khoảng lưng và những vòng xe lăn quen thuộc… Và sẽ thấy không còn cha, đời muôn vàn gập ghềnh?

Sao tôi nghĩ ngợi nhiều thế, những ngày này. Và buồn nữa. Có thể chăng? Cho tôi đặt hết cả nỗi niềm tôi lên đây: bàn phím.

Nguyễn Thị Mỹ Nữ

Trái tim bên nhà

Trái tim bên nhà

Đã bao lần ngồi giữa nhà mình, tôi thấy mình là người cực kỳ may mắn bởi có được góc sống bé nhỏ để yêu thương, để giận hờn và để viết.