Hai Phượng “rớt” Oscar: Chưa đi đã biết kết quả

Khi đã lệch chuẩn tiêu chí giải Oscar ngay từ đầu thì việc điện ảnh Việt trắng tay không có gì khó hiểu.

 Mới đây, việc bộ phim Hai Phượng không có tên trong danh sách rút gọn ở hạng mục Phim truyện quốc tế của Oscar lần thứ 92 thực sự không quá bất ngờ. Mặc dù đại thắng phòng vé, gây được tiếng vang trong lòng khán giả nhưng với các nhà chuyên môn, Hai Phượng được Cục Điện ảnh cử tham dự Liên hoan phim (LHP) Oscar 2020 là một quyết định thiếu chính xác và chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết phim Việt được cử đi Tây trong thời gian qua có một vài phim chưa phù hợp: “Mình phải biết mình là ai? Mình đi đến đâu? Mình thi đấu cùng những ứng cử viên nào? Phải đặt ra câu hỏi cụ thể để tự bộ phim trả lời, để thấy rằng có phù hợp hay không, và những quyết định sau đó, mới không gây ra tranh cãi trong dư luận, giới làm nghề”.

Đồng quan điểm với  PGS.TS Trần Luân Kim, tại LHP Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức tại Vũng Tàu mới đây, biên kịch Đoàn Tuấn - Phó ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến mạnh mẽ, xác đáng trong việc cử phim Việt tham dự các LHP quốc tế. Ông lấy ví dụ điển hình: năm 2014, tại một LHP ở Pháp, Việt Nam mang 2 bộ phim Long Thành cầm giả ca (phim truyện nhựa lịch sử được công chiếu trong dịp mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long) và Thần tượng (phim giải trí) đi dự thì Long thành cầm giả ca nhận được sự yêu thích của công chúng vì được khám phá văn hóa, con người Việt Nam, còn Thần tượng lại bị chê là quá cũ so với khán giả Pháp. 

Hai Phượng không có tên trong danh sách rút gọn Oscar.
Hai Phượng không có tên trong danh sách rút gọn Oscar.

Trong những năm gần đây, Oscar thường đề cao tính nghệ thuật, ngôn ngữ điện ảnh đậm tính địa phương. Đây là điều Hai Phượng còn thiếu theo như lời chia sẻ của biên kịch Đoàn Tuấn: “Một người bạn nước ngoài của tôi, là chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh nói, nếu bỏ trang phục áo bà ba đi thì không có điều gì để chứng tỏ Hai Phượng là bộ phim Việt. Đây là phim giải trí, không phải dòng phim nghệ thuật mà Oscar hướng tới. Tôi không rõ đơn vị nào tư vấn cho Cục Điện ảnh cử Hai Phượng dự thi, nhưng thi làm gì khi ngay từ đầu, chúng ta sai tiêu chí và cử đi một bộ phim thiếu bản sắc Việt”.

Theo ông, phim Việt Nam muốn thể hiện tính dân tộc, bản sắc, văn hoá không chỉ qua trang phục mà phải đến từ câu chuyện phim, diễn xuất của diễn viên, tư tưởng nhân vật trong phim...

Hồi tháng 9, biên kịch Hồng Ngát - từng là thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia lý giải vì sao Hai Phượng được chọn dự thi Oscar: “Phim Hai Phượng nhỉnh hơn các bộ phim khác ở chỗ, vừa có yếu tố tâm lý vừa có yếu tố hành động. Tất nhiên, nếu ra thế giới thì chất hành động của phim Việt cũng chưa là gì nhưng vì trước đây, các phim dự giải của mình đều là phim tâm lý, nay có phim về hành động cũng mang đến yếu tố mới mẻ”.

Trong chính lời chia sẻ của biên kịch Hồng Ngát thì bà lẫn các thành viên Hội đồng duyệt phim cũng hiểu được điểm yếu của Hai Phượng ở đâu. Vì so với hàng loạt bom tấn thế giới thì tác phẩm của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Tuy nhiên, có lẽ cái khó của Cục Điện ảnh là gần đây thực sự không có nhiều tác phẩm đậm tính nghệ thuật bởi dòng phim giải trí đang lấn át thị trường.

Trước Hai Phượng, nhiều bộ phim Việt cử tranh giải Oscar cũng không thu được kết quả.
Trước Hai Phượng, nhiều bộ phim Việt cử tranh giải Oscar cũng không thu được kết quả.

Trước Hai Phượng, Việt Nam cũng cử Cô Ba Sài Gòn (2019), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2016), Trúng số (2015), Mùi cỏ cháy (2012), Khát vọng Thăng Long (2011)… đến sân chơi Oscar nhưng cũng không phim nào được chọn tranh giải.

 Trong hơn 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt dần hội nhập quốc tế và có dấu hiệu khởi sắc. Minh chứng rõ nét nhất là lượng khán giả bỏ tiền vào rạp xem phim ngày càng nhiều, không còn sự ế ẩm, đánh mất vị thế của phim nội trên sân nhà như trước. Nhưng cùng với đó, phim Việt lại đang dần mất đi tiếng nói dân tộc, tiếng nói về các vấn đề xã hội một cách đậm nét và chân thực nhất.

Chúng ta không phản đối dòng phim thương mại nhưng song song với đó vẫn cần phát triển dòng phim chủ lưu, để khán giả quốc tế có cơ hội xem và hiểu về Việt Nam. 

Danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar lần thứ 92 ở hạng mục Phim truyện quốc tế bao gồm: The painted bird (Cộng hoà Séc), Truth and Justice (Cộng hoà Estonia), Les Miserables (Pháp), Those who remained (Hungary), Honeyland (Cộng hoà Bắc Macedonia), Corpus Christi (Ba Lan), Beanpole (Nga), Atlantics (Cộng hoà Senegal), Parasite (Hàn Quốc), Pain and Glory (Tây Ban Nha).

HƯƠNG CHUNG

Phim 'Ký sinh trùng' là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử Quả cầu vàng 2020

Phim "Ký sinh trùng" là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử Quả cầu vàng 2020

Bộ phim điện ảnh "Ký sinh trùng" đã xuất sắc trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên nhận được đề cử tại Quả cầu vàng 2020.