Nhắc đến Tết, mọi người thường nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời hàng xóm, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.
Bánh chưng
Mỗi dịp Tết đến xuân về, dù có đi đâu, ở đâu, mâm cơm của người Việt vẫn không thể thiếu được chiếc bánh chưng xanh. Trong tâm trí người Việt Nam, bánh chưng là món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, mang ý nghĩa "uống nước nhớ nguồn", và mang cả một trời kỷ niệm thời thơ ấu của mỗi người.
Chiếc bánh chưng tượng trưng cho Đất với hình dáng vuông vức, đẹp mắt, nhân bên trong bao gồm thịt mỡ tượng trưng cho cầm thú chim muông, đậu xanh tượng trưng cho cây cỏ hoa màu, bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và đem đi luộc chín. Chiếc bánh chưng mang ý nghĩa bao bọc chở che cũng là biểu tượng tình cảm yêu thương của gia đình trong dịp lễ Tết.
Vào cuối năm, cả gia đình sẽ cùng nhau tỉ mỉ gói những chiếc bánh chưng, cùng nhau chờ bánh chín quanh bếp lửa hồng và vui đùa, chia sẻ những câu chuyện của một năm vừa qua, những ước mong trong năm mới. Vì vậy, chiếc bánh chưng không những gói ghém những nguyên liệu truyền thống, quý báu của đất trời ban tặng mà còn gói cả tình thân, sự yêu thương của gia đình qua nhiều thế hệ.
Dưa hành
Nhắc đến bánh chưng thì không thể thiếu món dưa hành vào dịp Tết. Hai món này có trong mâm cơm ngày Tết thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.
Dưa hành được muối vào những ngày đông, khi hành củ vừa được thu hoạch từ vụ hoa màu, để đúng dịp Tết thì chín vừa tới, có vị chua nhẹ và không bị hăng.
Dưa hành muối ngon có củ hành màu trắng ngà, chín mà không ủng nước, giòn nhưng không bị hăng, chua nhưng không bị gắt, vị thanh nhẹ.
Ngoài ra, dưa hành còn được sử dụng phổ biến như một món ăn kèm với bánh chưng và các món ăn nhiều dầu mỡ như: thịt đông, thịt kho tàu,… cho đỡ ngán.
Vị chua, cay nhẹ của dưa hành giúp kích thích vị giác. Ngoài ra, dưa hành vì được lên men nên cũng giúp dễ tiêu hóa trong những ngày Tết.
Gà luộc
Món ăn rất quen thuộc không thể thiếu trên mâm cỗ truyền thống của gia đình Việt ngày Tết là gà luộc. Theo quan niệm truyền thống, món gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang của gia đình. Khởi đầu một năm mới với món gà luộc vàng óng còn thể hiện mong ước về những điều may mắn hơn đến với gia đình. Miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt tuy rất đơn giản nhưng lại cực kỳ thơm ngon.
Trong quan niệm xưa, trong 12 con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ và đại diện cho 5 đức tính lớn: Văn Võ Dũng Nhân Tín.
Đêm giao thừa là thời điểm được mọi người đánh giá là thời gian tối tăm nhất. Chính vì vậy, mà mỗi gia đình thường cúng 1 con gà trong lúc giao thừa với hy vọng sẽ đánh thức mặt trời cho một năm đủ đầy ánh sáng. Đồng thời thể hiện mong ước "vạn sự như ý", rũ bỏ những điều không tốt của năm cũ và đón chờ những làn gió, mới sức sống mới.
Thịt đông
Ngày Tết ở miền Bắc sẽ có không khí hơi se se lạnh. Nên món thịt đông được nhiều gia đình lựa chọn để thêm vào bữa cơm ngày Tết.
Thịt đông được chế biến từ chân giò heo, bì heo, cà rốt, mộc nhĩ,… được ninh nhừ sau đó đem ra ngoài trời để phơi sương. Dưới cái tiết trời se lạnh của miền Bắc vào những ngày Tết sẽ giúp món thịt được đông lại giống như thạch. Thịt đông có màu nhàn nhạt của thịt được nấu chín, khi đông sẽ có một lớp váng mỡ trắng mịn trên bề mặt, với độ ngậy và mát vô cùng hấp dẫn.
Món thịt đông với sự hòa quyện của những nguyên liệu tượng trưng cho sự gắn kết, hòa hợp của anh chị em, của gia đình. Sự tròn đầy của món thịt đông tượng trưng cho hạnh phúc vẹn tròn. Còn màu sắc trong trẻo sẽ tượng trưng cho sự may mắn của một năm mới.
Canh bóng thả
Canh bóng bì lợn hay còn gọi là canh bóng thả, là món ăn có trong mâm cỗ mỗi dịp Tết của người Hà Nội.
Bóng bì được làm từ da lợn, được sơ chế, chiên hoặc phơi khô. Đây là một trong những nguyên liệu cho nhiều món ăn, đặc biệt là món canh bóng - một trong những món ăn truyền thống Tết của người Hà Nội xưa.
Sở dĩ nó có cái tên bóng thả là do nguyên liệu chính là bì lợn được nướng phồng lên. Khi cho vào canh sẽ nổi lên như những chiếc bong bóng.
Vị thanh mát, ngọt dịu của nước dùng, kèm với thịt mọc béo thơm, bóng bì giòn sần sật, thơm lừng hương nấm và rau củ tạo nên hương vị trọn vẹn. Dùng món canh này vào dịp Tết sẽ chống ngán vô cùng hiệu quả.
Nem rán
Nem rán là món ăn độc đáo và nổi tiếng của ẩm thực Việt Nam. Món ăn này không chỉ được sử dụng trong mâm cỗ ngày Tết mà còn được sử dụng thường xuyên trong những bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt.
Nem rán mang nhiều hương vị chua cay mặn ngọt với các nguyên liệu chính như thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, rau, giá. Đây cũng được đánh giá là một trong những món ăn mang "quốc hồn, quốc túy" của người Việt Nam. Món ăn phổ biến trong ngày Tết cũng biểu tượng cho sự yêu thương, hòa thuận của gia đình trong năm mới.
Món nem rán mang đến hương vị không thể quên hòa quyện giữa các loại rau củ và thịt lợn cùng với vị ngậy của trứng. Để làm được một chiếc nem rán, cần trộn nguyên liệu ngấm đều với trứng gà ngon, chọn loại bánh đa không bị giòn quá, gói chặt tay vừa phải. Khi rán cần lật đều để nem tròn và chín đều.
Cắt những chiếc nem vàng ruộm, nóng hổi, gắp miếng nem cho vào xà lách, thêm rau thơm, chấm chút nước mắm pha chua ngọt và thưởng thức.
Xôi gấc
Theo quan niệm lâu đời của người Việt, màu đỏ là màu may mắn, sung túc cho mọi người, mọi nhà. Vì vậy xôi gấc là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết truyền thống với hy vọng cho một năm mới may mắn, vui vẻ.
Xôi gấc có vị dẻo thơm của những hạt lúa nếp, màu đỏ tươi tắn, chứa đựng đủ vị bùi, béo, ngậy,... rất ngon từ quả gấc. Đây là món ăn mang vị ngon lạ trong ngày Tết, đồng thời gửi gắm giá trị tinh thần của người Việt.
Mỗi phiên chợ giáp Tết, dù nông thôn hay thành phố, dù bận bịu sắm Tết hay dọn dẹp nhà cửa thì người ta vẫn cố tìm mua những quả gấc đỏ tươi để thổi những đĩa xôi gấc đỏ thắm ngon miệng nhằm cầu mong cho một năm sung túc.
Trong mâm cơm ngày Tết, được thưởng thức những miếng xôi gấc nóng hôi hổi, ngọt dẻo và thơm vị gấc chắc chắn sẽ khiến bữa cơm ngày Tết trở nên cực kỳ trọn vẹn.
Giò lụa
Là một món ăn truyền thống có từ lâu đời, giò lụa (miền Bắc) hay còn gọi chả lụa (miền Nam) là một món ăn rất phổ biến trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết.
Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon, các gia vị khác để tăng phần đậm đà… Sau đó phần giò sống được bọc lại trong lá chuối xanh và bỏ vào khuôn để đem luộc chín. Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành từng miếng gọn gàng, sắp xếp đẹp mắt và dễ gắp.
Giò lụa ngon là loại giò lụa có khoanh giò màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt mịn màng, không bị khô, cứng hay bã. Giò lụa ngon khi có mùi hương đặc trưng của thịt luộc và lá chuối tươi, ăn vào có vị ngọt đậm đà.
Những khoanh giò có lớp có ý nghĩa rất đẹp là "trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà". Đó cũng chính là lý do giò lụa luôn được lựa chọn để xuất hiện và thưởng thức trong những ngày Tết. Không chỉ là một món ăn truyền thống thơm ngon mà ta cũng có thể dùng giò lụa như một món quà Tết để biếu tặng ngày Tết.
Tré
Tré là 1 món ăn đặc sản của người Bình Định, tuy nhiên lại được nhiều gia đình ở mọi vùng miền thêm vào mâm cỗ ngày Tết. Món này có đa dạng cách chế biến, đặc biệt là làm nguyên liệu chính cho các món gỏi hoặc có thể ăn không cũng rất ngon.
Tré được làm từ thịt đầu heo, lỗ tai heo và trộn với một tỉ lệ thịt bò nhất định.
Để được món tré ngon, người ta thường trộn cùng với dưa leo, xoài non hoặc cóc non, thêm vào đó là các loại chả lụa, chả bò để tăng thêm hương vị cho món ăn. Hoặc nếu chỉ thích ăn thuần tré, mọi người cũng có thể cắt tré thành từng lát, hoặc làm tơi ra và chấm cùng với muối tiêu, tương ớt cực kì ngon.
Đầu tiên, khi cắn vào miếng tré bạn sẽ cảm nhận được ngay vị chua nhè nhẹ của tré gây kích thích nơi đầu lưỡi, tiếp đến là vị beo béo của thịt heo cùng vị mặn đậm đà, có thể chấm cùng tương ớt hay ăn riêng cũng đều khiến người ta phải say mê.
Bánh tét
Cùng với bánh chưng thì bánh tét là một phần quan trọng trong ngày Tết cổ truyền. Cách làm bánh tét hơi phức tạp hơn và cũng cần nhiều nguyên liệu hơn bánh chưng. Bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác. Bánh cũng có rất nhiều loại là bánh mặn, bánh chay, bánh ngọt, bánh không nhân, bánh nhân thập cẩm…
Tương tự như bánh chưng, bánh tét cũng mang một ý nghĩa thương nhớ người đã khuất, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình đa tạ trời đất đã cho người dân được mùa thuận lợi. Bánh tét bọc trong nhiều lớp lá dong hoặc lá chuối bên ngoài tượng trưng cho việc mẹ bọc lấy con, mong muốn sum vầy của người Việt Nam sau một năm đi làm ăn xa.
Không những thế, bánh tét nhân đậu xanh màu vàng còn gợi cho người nông dân hình tượng cánh đồng lúa chín bội thu, niềm mơ ước "an cư lạc nghiệp", thái bình của mọi người dân.
Ngày Tết đến, gia đình người miền Trung nào cũng cố gắng chuẩn bị vài ba đòn bánh tét để dâng hương lên bàn thờ ngày Tết, nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
Canh măng
Canh măng chân giò là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của gia đình Việt. Chân giò được hầm mềm thơm, beo béo kết hợp cùng măng khô, nước dùng ngọt thanh, đậm đà, ăn cùng bún tươi là ngon nhất.
Nếu bạn đã quá ngán ngẩm với những món ăn nhiều dầu mỡ thì món canh măng sẽ giúp giải ngấy mà còn bổ sung dinh dưỡng.
Canh khổ qua
Canh khổ qua dồn thịt luôn hiện hữu trong mâm cơm Tết của người miền Nam với niềm gửi gắm đúng như tên món: Khổ qua. "Mọi điều không may của năm cũ đã qua, năm mới đến với những điều mới".
Khổ qua có tính hàn, vị đắng, được xem là bài thuốc thanh nhiệt giúp làm mát gan, nhuận trường, kích thích ăn uống, hỗ trợ hệ tiêu hóa, làm đẹp da.
Khổ qua là một loại thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người. Đặc biệt khi có thêm thịt và nấm mèo càng làm tăng sự bổ dưỡng cho món ăn. Trái khổ qua được dồn đầy ắp nhân thịt rồi hầm lên tạo nên vị thanh đạm cùng một chút đắng nhẹ.
Đây là một món ăn thanh mát, giải nhiệt lại còn mang ý nghĩa bỏ qua những điều kém may mắn và đón chờ niềm vui đến. Có lẽ vì vậy mà canh khổ qua là một sự lựa chọn tuyệt vời với nhiều gia đình trong mỗi dịp Tết đến.
Thịt kho tàu
Người dân miền Nam nấu món thịt kho tàu thêm vào mâm cơm ngày Tết để dâng lên bàn thờ với mong muốn một năm mới tròn vuông đủ đầy. Món thịt kho này còn tượng trưng cho đất trời. Thịt heo được sắc hình vuông tượng trưng cho Đất, hột vịt với hình tròn tượng trưng cho Trời.
Món ăn là sự kết hợp giữa trứng, thịt kho, nước dừa với thời gian nấu phù hợp để các nguyên liệu có thể hòa quyện và tạo nên được hương vị đặc trưng. Thịt kho tàu được cho là mang ý nghĩa thể hiện không khí hòa thuận, sum vầy, một năm mới thuận lợi, thành công. Hột vịt trong món ăn này không cắt ra mà để nguyên cả quả, ngụ ý một năm mới trọn vẹn và đầy đủ cho các thành viên trong gia đình.
Trong các món ăn ngày Tết, thịt kho tàu luôn là món gợi nhắc nhiều kỷ niệm. Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra cùng nồi thịt kho đặt cạnh chén cơm trắng nóng bốc hơi nghi ngút là thấy Tết kề bên.
Món ăn tưởng đơn giản nhưng cần có sự đầu tư tỉ mỉ từ cách chọn thịt, đến cách ướp gia vị công phu để món thịt kho đậm đà, đúng vị ngon như mong muốn. Món thịt kho mềm, có màu nâu sóng sánh bắt mắt mang đến bữa cơm ngày Tết ấm cúng sum vầy.
(Tổng hợp)