Món ngon ngày lạnh: Thơm bùi nồng ấm sủi dìn Hải Phòng

Những viên bánh trắng ngần chan ngập nước mật mía, thoang thoảng hương thơm của gừng, vị bùi bùi của lạc và dừa tươi chính là đặc trưng của sủi dìn.

Sủi dìn hay bánh trôi tàu là món ăn bắt nguồn từ cộng đồng người Hoa ở thành phố Hải Phòng. Đây là thức quà dân dã nhưng lại mang đến nhiều trải nghiệm ấn tượng cho người được thưởng thức vào những ngày đông rét mướt.

Sỉu dìn có công thức nấu riêng tạo nên món ăn độc lạ và trông lại vô cùng bắt mắt.

Món ngon ngày lạnh: Thơm bùi nồng ấm sủi dìn Hải Phòng

Nguyên liệu làm bánh

Đầu tiên, muốn làm được bột phải chọn những hạt gạo to, tròn và mẩy, phơi già hạt nhằm giúp giúp bánh dai và nở khi đun. Sau đó, ngâm cùng chút muối trắng qua đêm rồi xay. Nếu muốn tạo màu cho bánh thì cần thêm các loại rau củ như: nếp cẩm, đậu biếc, cà rốt,... để lấy nước trộn cùng bột. Thứ hai, cũng quan trọng không kém là mật mía. Nếu không có thì dùng đường phèn, đường kính, đường thốt nốt.

Các loại nguyên liệu khác: gừng tươi, lạc rang, vừng đen, dừa tươi nạo sợi.

Cách làm

Bước 1: Làm nhân sủi dìn

Cho các nguyên liệu: vừng đen, lạc rang, dừa nạo, đường cùng một ít nước vào cối xay nhuyễn. Tiếp theo, đổ hỗn hợp nhân bánh sủi dìn đã xay vào trong chảo đảo đều tay cho đến khi cảm giác chúng đặc sánh và quyện vào nhau thì tắt bếp và để cho nguội trước khi mang đi gói.

Bước 2: Tạo màu cho vỏ bánh sủi dìn

Vỏ bánh sủi dìn thông thường sẽ được trộn chung bột gạo nếp với nước rồi nhào nặn cho đến khi bột không dính tay, có độ dẻo thì cho vào tô, bọc lại để ủ khoảng 20 phút. Nếu muốn tạo vỏ bánh sủi dìn có nhiều màu cho hấp dẫn hơn chỉ việc xay nhuyễn các loại lá hay rau củ lọc lấy nước rồi trộn với bột là được.

Bước 3: Nặn sủi dìn và luộc bán

Chia bột thành các phần bằng nhau cán mỏng, nhân cũng chia đều. Bọc vỏ bánh sao cho khéo để phần nhân không bị lộ ra ngoài, khi thả vào nước đường không bị nát.

Bước 4: Nấu nước đường, gừng thơm ngon chuẩn vị

Nước đường, gừng cùng là nhân tố quan trọng tạo nên phong vị riêng của món sủi dìn. Mật mía hoặc đường sẽ được nấu chung với gừng thái sợi tạo nên màu cánh gián đặc trưng, độ sánh, ngọt thanh và hương thơm cay nồng. Nước dùng của món sủi dìn có hương vị thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt. Màu vàng cánh gián của nước dùng khi tưới lên sủi dìn rất bắt mắt.

Những viên sủi dìn dẻo dai hòa quyện với vị béo, bùi của vừng đen, dừa, lạc cùng nước dùng cay nồng, ngọt thanh… Khi ăn mới thả từng viên bánh được nặn sẵn vào nồi nước dùng đang sôi. Vì vậy, món ăn rất được yêu thích khi tiết trời lạnh giá.

DIỆU HƯƠNG

Món ngon ngày lạnh: Cách làm giò thủ thơm giòn, không ngán

Món ngon ngày lạnh: Cách làm giò thủ thơm giòn, không ngán

Giò thủ là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong những đông lạnh và dịp Tết.