Nellie Bly - Nữ phóng viên điều tra đầu tiên của làng báo thế giới

Nellie Bly là một nhà báo, nhà văn và doanh nhân người Mỹ. Bà là người đã mở ra một loại hình báo chí mới: báo chí điều tra.

Nellie Bly (tên khai sinh là Elizabeth Jane Cochran), là một nhà báo, nhà văn và doanh nhân người Mỹ. Bà là người tiên phong và đưa ra một loại hình báo chí mới báo chí điều tra. Bất chấp hiểm nguy, bà đã giả vờ bị mất trí để vào được bệnh viện tâm thần Blackwell và phơi bày những điều kiện khủng khiếp tại đây.

Tác phẩm "Mười ngày trong ngôi nhà điên" của bà đã làm chấn động dư luận, buộc chính quyền phải can thiệp, tài trợ và thay đổi cải thiện điều kiện cho các bệnh nhân tại đây.

Bà còn được nhiều người được biết đến nhờ thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày, bắt chước nhân vật hư cấu Phileas Fogg trong tác phẩm Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của nhà văn Jules Verne.

Nellie Bly sinh ngày 5 tháng 5 năm 1864, ở ngoại ô Pittsburgh, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ rất sớm. Vào năm 1885, ở tuổi 21, bà đã viết một bài phản hồi ẩn danh bày tỏ sự giận dữ khi đọc một bài viết có nội dung lệch lạc "vị trí của phụ nữ là ở trong nhà, để trở thành người bạn giúp đỡ của đàn ông" trên tờ báo địa phương.

Biên tập viên của tờ The Pittsburgh Dispatch bị ấn tượng bởi bức thư độc đáo, đã xuất bản nguyên văn và yêu cầu tác giả "Cô gái mồ côi cô đơn" tiết lộ danh tính của mình. Sau khi gặp và nghe Nellie giới thiệu bản thân, biên tập viên ngay lập tức đề nghị cô giữ chức trưởng ban một mục của tờ báo.

Bà chọn Nellie Bly, một nhân vật trong bài hát nổi tiếng của nhà soạn nhạc Stephen Foster, làm bút danh của mình.

Chân dung Nellie Bly
Chân dung Nellie Bly

Bà tự định hình mình là phóng viên điều tra, chủ yếu tập trung làm nổi bật những hậu quả tiêu cực của tư tưởng phân biệt giới tính và tầm quan trọng của các vấn đề về quyền phụ nữ.

Bà dần trở nên nổi tiếng với các phóng sự điều tra nhập vai. Để có được thông tin và những bài phản ánh chân thực, bà từng xin vào một nhà máy để trải qua điều kiện làm việc không an toàn, lương thấp hay đóng giả như một nhân viên cửa hàng bán đồ may mặc để phơi bày điều kiện làm việc tồi tệ mà phụ nữ phải đối mặt.

Những bài viết của Nellie khiến các doanh nghiệp địa phương có những phản ứng tiêu cực. Do không muốn chọc giận giới thượng lưu tại Pittsburgh, Tổng biên tập The Pittsburgh Dispatch đã chuyển bà sang phụ trách chuyên mục xã hội, chuyên viết về hôn nhân gia đình và chuyện yêu đương, phụ nữ.

Để thoát khỏi công việc nhàm chán này, Nellie đã dành sáu tháng để đi du lịch ở Mexico, phơi bày cuộc sống của người dân dưới thời nhà độc tài Porfirio Díaz. Năm 1988, cô xuất bản cuốn sách “Six Months in Mexico”. Khi trở về, Nellie lại bị phân vào trang xã hội nên cô quyết định dứt áo ra đi.

Với mong muốn tìm được một công việc có ý nghĩa hơn, năm 1887, Nelie chuyển đến thành phố New York và bắt đầu làm việc cho New York World.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Nelie là đóng giả một bệnh nhân tâm thần để điều tra những điều kiện sống khắc nghiệt và việc tra tấn bệnh nhân trong Viện tâm thần Blackwell, nằm trên Đảo Blackwell (nay là Đảo Roosevelt) ở Thành phố New York. Blackwell khét tiếng là bệnh viện tâm thần "kinh dị, nghiệt ngã đầy dịch bệnh, một nhà tù và nhà tị nạn".

Mặc dù biết đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, "gây kinh sợ ngay cả đấng nam nhi" và được cảnh "không có gì đảm bảo có thể thoát được ra", nhưng Nellie vẫn nhận mà không hề do dự.

Trại tâm thần Blackwell trong một bức ảnh chụp khoảng những năm 1890, nổi tiếng bởi điều kiện sống tồi tàn và cách đối xử tàn bạo với bệnh nhân. Ảnh: Museum of the City of New York
Trại tâm thần Blackwell trong một bức ảnh chụp khoảng những năm 1890, nổi tiếng bởi điều kiện sống tồi tàn và cách đối xử tàn bạo với bệnh nhân. Ảnh: Museum of the City of New York

Nellie sử dụng tên giả, hóa trang thành một người phụ nữ đến từ Cuba đến thuê trọ trong thành phố, và bắt đầu chứng tỏ mình bị điên. Bà đi lang thang trong các hành lang và các con phố gần đó, không chịu ngủ, la hét không mạch lạc, và thậm chí còn tập nhìn "phát cuồng" trong gương.

Sau vài ngày, chủ nhà trọ đã báo cảnh sát. Nellie tự nhận là một người Cuba nhập cư, mắc chứng hay quên. Một thẩm phán bối rối đã gửi Nelie đến bệnh viện Bellevue, nơi bà phải nếm mùi đau khổ sắp tới, vì các tù nhân của bệnh viện buộc phải ăn thức ăn hư hỏng và sống trong điều kiện tồi tệ. Khi Nellie được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh tâm lý khác, bà được đưa bằng phà đến Đảo Blackwell.

Điều kiện tại Blackwell tồi tệ hơn bà tưởng tượng. Ban đầu nơi đây được xây dựng để chứa 1.000 bệnh nhân, nhưng vào tháng 9/1887 khi Nellie được đưa đến thì Blackwell đã nhồi nhét hơn 1.600 người vào trại tị nạn. Việc cắt giảm ngân sách kéo dài đã khiến việc chăm sóc bệnh nhân giảm mạnh, chỉ còn 16 bác sĩ trong biên chế. Các bác sĩ và nhân viên ít được đào tạo ít lòng trắc ẩn, và trong nhiều trường hợp đã đưa ra những phương pháp điều trị khắc nghiệt và tàn bạo.

Bệnh nhân buộc phải tắm nước đá lạnh và mặc quần áo ướt trong nhiều giờ, dẫn đến bệnh tật thường xuyên. Họ bị buộc phải ngồi yên trên ghế dài, không được nói hoặc cử động, trong thời gian kéo dài 12 giờ hoặc hơn. Một số bệnh nhân bị buộc chặt vào nhau bằng dây thừng, và buộc phải kéo xe xung quanh như những con la.

Thực phẩm và điều kiện vệ sinh rất khủng khiếp, với thịt thối, bánh mì mốc, ôi thiu và nước thường xuyên bị ô nhiễm. Những người phàn nàn hoặc chống đối đều bị đánh đập, và Nelie thậm chí còn nói về mối đe dọa bạo lực tình dục.

Nellie đã nhanh chóng kết bạn và nói chuyện với nhiều phụ nữ nhất có thể. Nellie đã sốc khi phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân không hề bị mất trí, họ bị tống vào đây, đơn giản vì họ là người nhập cư không hiểu tiếng Anh. Họ khóc khi bị các y tá đánh đập, trói tay chân để ném vào bồn nước lạnh.

"Răng tôi kêu và chân tay tôi nổi da gà, xanh tái vì lạnh, rồi đột nhiên bị ba xô nước đá lạnh dội lên đầu. Tôi nghĩ rằng đã trải qua cảm giác của một người chết đuối và thật sự như bị loạn trí", bà viết. Với những bệnh nhân chống cự quá đà, nhân viên ở đây sẽ dùng đến cách ít tốn sức hơn, là tiêm những liều morphin vô độ.

Sau 10 ngày trải nghiệm cuộc sống kinh hoàng tại Blackwell, Nellie kiệt sức và đói khát, bà được các luật sư sắp xếp để được thả ra. Nellie sôi sục quyết tâm viết về những gì đã thấy.

Hai ngày sau khi được thả, 9/10/1887, tờ New York World đã in phần đầu tiên của loạt ảnh minh họa gồm hai phần của Nellie trên trang nhất của chuyên san cuối tuần. Loạt bài viết "Bên trong nhà thương điên", "Nỗi kinh hoàng của những bồn tắm nước lạnh và những cô y tá tàn nhẫn"... của bà đã đã trở thành một cơn sốt xuất bản gây chấn động dư luận.

Nhiều tờ báo cạnh tranh đã đưa ra các bài tường thuật ăn theo về việc Nellie đã thành công như thế nào trong công việc nguy hiểm này. Còn các nhà phê bình đánh giá: "Để thành công trong việc vờ điên và tồn tại để viết về điều đó là kỳ tích phi thường".

Một tháng sau khi các bài báo của Nellie được xuất bản, một hội đồng bồi thẩm đoàn lớn đã đến thăm Viện tâm thần Blackwell. Thật không may, bệnh viện và nhân viên đã được báo trước. Vào thời điểm các thành viên bồi thẩm đoàn đến, Blackwell đã làm sạch hành động của mình, theo đúng nghĩa đen.

Nhiều bệnh nhân đã cung cấp cho Nelie chi tiết về cách đối xử khủng khiếp của viện đối với họ đã được trả tự do hoặc chuyển đi. Thức ăn tươi và nước đã được mang đến, và viện cũng  được quét dọn sạch sẽ.

Bất chấp nỗ lực che đậy này, bồi thẩm đoàn vẫn tin những gì Nellie đã viết và những bệnh nhân khai. Ngay sau đó, một dự luật nhằm tăng cường tài trợ cho các viện tâm thần đã được thông qua, bổ sung gần 1 triệu đô la (24 triệu đô la Mỹ ngày nay) vào ngân sách của bộ. Các nhân viên lạm dụng đã bị sa thải, người phiên dịch được thuê để hỗ trợ bệnh nhân nhập cư và những thay đổi trong hệ thống đã được thực hiện, để giúp hạn chế tình trạng những người không thực sự mắc bệnh tâm thần bị đưa vào viện tâm thần.

Hai tháng sau, bộ truyện gồm hai phần của Nellie có tên Mười ngày trong nhà thương điên đã được phát hành dưới dạng sách.

Nellie Bly nhanh chóng trở thành một cái tên quen thuộc và là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất thế giới. Chỉ hai năm sau loạt bài viết về nhà thương điên, bà lại gây chú ý khi tái hiện lại chuyến đi được mô tả trong cuốn sách Vòng quanh thế giới trong 80 ngày, một mình đi vòng quanh thế giới - và đánh bại kỷ lục trước một tuần.

Nellie từ giã nghề báo sau khi kết hôn với một doanh nhân giàu có. Sau cái chết của chồng vào năm 1904, bà trở lại với công việc viết lách, bao gồm cả thời gian làm phóng viên nước ngoài trong Thế chiến thứ nhất, cho đến khi bà qua đời vào năm 1922.

Sự nghiệp đấu tranh vì bình đẳng giới của Nellie đã thách thức giả định khuôn mẫu, rằng “vị trí của phụ nữ là ở trong nhà”, hay phụ nữ không thể đi du lịch… bà đã chứng minh rằng những điều đàn ông làm được, phụ nữ cũng có thể làm được, ở một số phương diện thậm chí còn tốt hơn.

Những cuộc điều tra của Nellie đã mở đường cho phụ nữ trong ngành báo chí, mở ra và nâng một loại hình báo chí mới báo chí điều tra.

Diệu Thuần (t/h)

Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho hai nhà báo Philippines và Nga

Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho hai nhà báo Philippines và Nga

Giải Nobel Hòa bình năm nay trao cho hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga) vì nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận.