Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm. Ảnh: TTXVN |
Theo tiến sỹ Phạm Gia Khánh Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Ghép tạng chỉ được thực hiện ở một nước có nền y học tiên tiến.
Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên, cũng là ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện vào năm 1992 với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Trong ca ghép đầu tiên này, các giáo sư đầu ngành của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 103 và Học viên Quân y đều tham gia.
Đến tháng 7/1993, các giáo sư, bác sỹ trong Học viện Quân y đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên do các bác sỹ Việt Nam thực hiện mà không cần sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Từ đó đến nay, từ một quốc gia “đi sau” so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, Việt Nam lại có tốc độ phát triển vượt bậc, liên tục xác lập những thành tựu mới.
Năm 2017, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhi. Năm 2018, tiến hành thành công ghép phổi và ghép thận từ người cho chết não. Năm 2019 thực hiện đồng thời một loạt ca mổ lấy ghép đa tạng từ người hiến chết não.
Năm 2020 phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cấy ghép ruột từ người cho sống, giúp Việt Nam trở thành 1 trong số 22 nước trên thế giới thực hiện được kỹ thuật ghép ruột. Năm 2023, thực hiện ca ghép đa tạng tim và thận, phối hợp giữa các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh với Hà Nội thực hiện thành công ghép đa tạng xuyên Việt…
Tính tới đầu năm 2024, đã có gần 8.000 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan… đồng nghĩa với từng đó con người được nối dài, kéo dài sự sống.
Trong hai năm gần đây, mỗi năm các bác sỹ tại Việt Nam ghép hơn 1.000 ca ghép tạng trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm. Thành tựu này thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.
Hiện nay, Việt Nam đã có 26 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ được kỹ thuật, chuyên môn. Những trung tâm ghép tạng hàng đầu như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế... đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới, luôn cập nhật công nghệ kỹ thuật chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao và lập nhiều kỳ tích.
Như vậy, sau hơn 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong ngành ghép tạng. Tuy nhiên, để cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa, cần có sự chung tay mạnh mẽ từ toàn xã hội. Việc hiến tạng không chỉ là hành động nhân văn, mà còn là cách để mỗi người lưu giữ mãi tinh thần yêu thương và sẻ chia.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam vắc xin Covid-19
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho hay, hiện Trung Quốc đã viện trợ vắc xin Covid-19 cho 69 quốc gia.