Sinh năm 1990 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Trần Nữ Vương Linh bén duyên với nghệ thuật từ khi còn nhỏ, khi cô bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên vào năm 8 tuổi.
Dường như chẳng cần cố gắng, cô gái với nụ cười hiền và vóc dáng mềm mại ấy đến với nghệ thuật như một cuộc dạo chơi, nhưng lại đầy quyết liệt và nghiêm túc. Cô vẽ, sáng tác ca khúc, thiết kế thời trang, làm thơ… rồi lần lượt hàng chục ca khúc ra đời, 4 triển lãm tranh cá nhân, 1 cuốn sách thơ “Trên bầu trời có một đại dương”, cô cũng là trợ lý trẻ nhất của cố giáo sư Vũ Khiêu từ năm 23 tuổi.
Dù có nhiều thành tựu ấn tượng trong nhiều lĩnh vực, với ngoại hình đẹp và nhiều giải thưởng về nhan sắc, nhưng Vương Linh không tập trung vào con đường trở thành người nổi tiếng. Nữ nghệ sĩ 9x chọn con đường âm thầm sáng tạo và thay đổi chính bản thân mình bằng cách kiên cường vượt qua những thử thách.
Giờ đây, ở tuổi 33, khi đã làm mẹ và trở nên vững vàng hơn, Vương Linh có quyết định đặc biệt: Gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Và cứ thế, nữ nghệ sĩ 9x viết nên câu chuyện cuộc đời mình bằng sự dám thay đổi với ý chí kiên định và nỗ lực không ngừng.
Nghệ sĩ 9x Trần Nữ Vương Linh gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. |
Phóng viên: Rất bất ngờ vì Vương Linh, một cô gái cảm giác rất nữ tính, luôn bay bổng, mềm mại lại quyết định gia nhập Hải quân Hoa Kỳ? Điều gì đưa Linh đến quyết định này?
Trần Nữ Vương Linh: Mình có ý tưởng đi lính khi gia đình mình chuyển tới sống tại một thành phố gần biển ở Hoa Kỳ. Và mình thấy ngưỡng mộ vô cùng những người thủy thủ nơi đây, họ thật sự rất giỏi và mạnh mẽ khi vừa là người đi biển, vừa là quân nhân, vừa là lính cứu hỏa, lại vừa có một công việc chuyên môn. Cuộc sống của những người lính nơi đây thực sự truyền cho mình cảm hứng về sự nỗ lực và ý chí, cả tính kỷ luật và sự nguyên tắc. Mình đã âm thầm lên kế hoạch để có thể thực hiện được ước mơ trở thành một người lính hải quân.
Mình chính thức liên lạc với Nhà tuyển dụng quân đội Hoa Kỳ vào cuối 2021, trải qua bài thi đánh giá năng lực và kiểm tra sức khỏe của Hải quân vào tháng 5/2022, nhưng phải đợi tới tháng 4 năm nay mình mới thực sự bước chân vào quân đội, vì mình phải đợi mẹ mình qua đây trông con trai 5 tuổi giúp mình.
Cuộc sống trong quân đội như thế nào với một cô gái mảnh mai như bạn?
Mình đã trải qua hơn 80 ngày trong trại huấn luyện tập trung của Hải quân Hoa Kỳ. Đó thực sự là một trải nghiệm mà mình chưa từng có trong đời. Gần như thay đổi rất nhiều cả góc nhìn và cách sống. Mình phải đối diện với những khó khăn từ trong những sinh hoạt đơn giản nhất hàng ngày.
Chẳng hạn như, khi ở nhà, mình là người chỉ ăn uống nhẹ nhàng, nhưng ở đây, mỗi bữa ăn chỉ được diễn ra trong 10 phút, nếu mất tập trung là sẽ ăn không đủ no. Vậy là mình nghĩ ra “chiến lược” phải làm sao ăn nhiều thức ăn nhất có thể, cho đủ dinh dưỡng, đảm bảo thể lực sau mỗi ngày luyện tập vất vả.
Và dần dần mình trở thành... người ăn nhiều nhất đơn vị. Sau này, các bạn trong đơn vị còn trêu mình là “eat a lot”, “eat everything”… Hay là chuyện ngủ: Ở đây lịch luyện tập, hành quân, lên lớp, thi cử… dày đặc từ 4h30 sáng đến 10h30 tối, nên bọn mình ngủ rất ít. Chưa kể nếu đêm nào có lịch canh gác thì chỉ được ngủ tầm 3, 4 tiếng.
Câu nói quen thuộc đến mức ám ảnh bọn mình nghe được ở đây là: “Wake up!” và “Hurry up!”. Nghĩa là một đứa vốn rất lãng đãng mơ mộng như mình, buộc phải tập trung tăng tốc bản thân trong từng việc nếu như không muốn bị phạt chống đẩy hoặc kỷ luật.
Thế giới trong quân đội đã cho mình có cơ hội dám vượt qua khỏi những ranh giới mà trước đây mình nghĩ mình khó có thể vượt qua. Ở đây mọi việc đều có nguyên tắc và tiêu chuẩn, từ việc gấp một cái áo, cái quần, cái chăn, đồ lót. Bản thân là mẫu con gái “bánh bèo” điển hình sợ cái này cái kia, nhưng ở đây buộc mình phải đối diện và chiến thắng nỗi sợ của bản thân, ví dụ như bắn súng, nhảy từ tháp cao xuống hồ bơi sâu, chống đẩy, nhổ nhiều răng hàm cùng lúc… (cười).
Hoặc khi thực hành cứu hỏa, phải thực hiện nhiệm vụ cứu hỏa trong bộ đồ nặng nề, mình mới thấm thía sự mệt nhọc của công việc này, thật sự cảm thấy thương và cảm phục những chiến sĩ cứu hỏa rất nhiều. Mọi người ở đây cũng rất thẳng thắn và yêu thương nhau, không cả nể cho những điều không vừa lòng. Mình sống trong một căn phòng với 80 chiếc giường tầng và từng đó các bạn nữ cá tính, mọi người có thể sẵn sàng cãi vã nếu có việc gì không thoải mái, nhưng không ngần ngại xin lỗi và sữa chữa khuyết điểm. Với mình, đó là những bài học lớn.
Có lúc nào bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc không?
Thực sự là trong lúc chờ ngày lên đường đi huấn luyện, mình đã có ý định bỏ cuộc vì nghĩ đến con và sợ mình sẽ không thể xa con. Ban đầu có thể chỉ là vì một, hai lý do, nhưng mình phải cố gắng nghĩ và viết thêm 12 lý do nữa vào cuốn sổ tay, để mỗi lần muốn từ bỏ, mình sẽ nhìn vào chúng. Và hiện tại thì mình cũng đã 33 tuổi, nếu không thực hiện vào lúc này, mình sợ sẽ không bao giờ thực hiện được nữa.
Còn trong quá trình rèn luyện trong Hải quân Hoa Kỳ, mình đã có những lúc cảm thấy yếu đuối và muốn gục ngã, muốn bỏ cuộc. Nhiều hôm, sáng tỉnh giấc, mình lại thấy nhói đau trong lòng khi chợt nhận ra mình vẫn còn đang ở đây. Đặc biệt không chỉ chiến đấu với cơn đau của cơ thể, mình còn phải chiến đấu với nỗi cô đơn, nỗi nhớ con và gia đình. Từ khi sinh bé, mình không một ngày xa con, nên thử thách này với mình là điều khó khăn nhất. Có lần, bé đã òa lên khóc và nói rằng “Con không muốn mất mẹ” rồi hai mẹ con cùng khóc.
Bạn có thể chia sẻ một chút về em bé của mình? Có khác nhau gì giữa một Vương Linh trước và sau khi làm mẹ không?
Em bé là một điều gì đó rất kỳ diệu và đặc biệt. Từ khi có con, cách mình tư duy và lên kế hoạch của bản thân cũng khác trước. Mà mình nghĩ phụ nữ sẽ đều như vậy. Mình lựa chọn và thực hiện các công việc dựa vào tình trạng và các vấn đề của con. Hoặc như ngày trước mình vẽ, hay sáng tác bất kể lúc nào có cảm hứng, thì giờ đây phải “take care” em bé trước, đợi con ngủ rồi mới có thời gian cho mình.
Từ lúc có gia đình, có con, mình cũng lấy cảm hứng sáng tác chính từ gia đình. Con mình rất thích các bài hát mình viết, vui nhất là khi hai mẹ con có thể nắm tay nhau và nhảy múa khi nghe những bài hát ấy. Với mình, mọi khoảnh khắc ở bên con là niềm hạnh phúc tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ trên đời.
(Cá nhân tôi thấy) dường như mọi thứ với Linh đều khá dễ dàng: Bạn viết nhạc và có tác phẩm vào top Bài hát Việt, bạn vẽ tranh và có tới 4 triển lãm riêng rất thành công, bạn làm thơ và được xuất bản. Có vất vả nào đằng sau những thành tích ấy không?
Mình nghĩ điều này không chỉ riêng nghệ sĩ, người thành công hay không, mà bất cứ ai cũng đều có những mặt sáng tối trong cuộc đời. Giống như không có ánh nắng nào mà không có bóng tối phía sau.
Mình nghĩ một người phụ nữ vừa làm công việc kiếm sống, vừa nuôi con, vừa phải dành thời gian để duy trì đời sống nghệ thuật, là điều khó vô cùng. Đặc biệt là khi rời khỏi Việt Nam, mọi thứ bắt đầu lại từ con số 0, có em bé, lần đầu làm mẹ, với mình đó là một hành trình khó khăn.
Mình là người ít có thói quen nói những điều tiêu cực, vì muốn truyền cảm hứng tích cực tới bạn bè và người thân. Nên mình nghĩ, thay vì kể lể thở than, thì mình nên đối diện và học cách vượt qua, làm tốt hơn mỗi ngày. Cả các kỹ năng sống và sắp xếp, cách tư duy, mỗi ngày cố gắng từng chút một, để bản thân mình hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Nhưng dường như ở đâu thì đam mê nghệ thuật vẫn không ngừng cháy trong tâm hồn? Bạn nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật ấy như thế nào trong cuộc sống bận rộn của mình?
Mình có một kỷ niệm hồi 15 tuổi: Một hôm đi học, mình nghe được chuyện buồn từ một người bạn, thế là lúc về, mình chỉ muốn ngồi viết một bài hát thay vì ngồi ôn bài để hôm sau kiểm tra. Chỉ khi hoàn thành xong bài hát thì mình mới tập trung học bài.
Giờ mình đã là một cô gái 33 tuổi, nhưng mình vẫn mang cô bé 15 tuổi ấy đi theo. Dù có bận rộn thế nào thì mình vẫn tranh thủ tìm khoảng trống để có thể lưu lại cảm xúc của bản thân, thông qua các sáng tác. Với mình đó là một sự thôi thúc trong trái tim mà mình sẽ phải thực hiện nó bằng được. Và mình chỉ có thể thoải mái tập trung hơn vào các công việc khác khi đã hoàn thành xong những tác phẩm ấy.
Tuy nhiên, mình cũng hiểu rằng, khi muốn tập trung cho đam mê cá nhân thì mình cũng phải làm tốt những việc khác trước đã.
Có phương châm sống, hay một ai đó, một câu nói nào đó ảnh hưởng lớn đến phong cách sống của bạn không?
Gần đây mình rất thích tìm hiểu câu chuyện về nhà mốt Jacquemus, một nhà thiết kế sinh năm 1990 bằng tuổi mình. Tuy nhiên để nói ảnh hưởng lớn thì không. Mình hầu như không ảnh hưởng bởi ai cả. Nhưng mình thích những người có thể điềm tĩnh và vui vẻ với công việc của họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mình nghĩ đạt được những kết quả rực rỡ cũng hay, nhưng hạnh phúc mỗi ngày trên hành trình thực hiện chúng còn hay hơn nữa. Mình tập trung hạnh phúc với từng điều nhỏ trong cuộc sống, đó cũng là cách để mình duy trì niềm hạnh phúc trong tim mình.
Bạn có thường có kế hoạch cho cuộc sống của mình không? Và kế hoạch kế tiếp của Linh là gì?
Mình là người sống có kế hoạch và thích những sự chuẩn bị tốt. Tất nhiên đôi khi những kế hoạch ấy có thể bị thay đổi, nhưng mình vẫn tâm niệm là, cuối cùng thì, chỉ cần có thể tiến lên phía trước. Bất kỳ điều gì xảy ra cũng đều là những trải nghiệm cần có cho chính mình trong cuộc sống này.
Sắp tới đây NXB Kim Đồng sẽ phát hành cuốn tranh thơ của mình, mang tựa đề “Rặng san hô màu đỏ”. Cuốn sách là tập hợp những tác phẩm mình sáng tạo trong hành trình trải nghiệm mang thai và làm mẹ.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Vĩ: Nỗi đau trên tranh
Họa sĩ sáng tác một số bức tranh ghi lại ký ức những ngày đại dịch nhiều chia ly tang thương, và những cuộc hồi hương lịch sử do đại dịch Covid.