Trong nghiên cứu, Giáo sư Xin-Fu Zhou và phó giáo sư Larisa Bobrovskaya từ Đại học Nam Úc (UniSA) đã áp dụng một chế độ ăn nhiều chất béo trên chuột. Những con chuột được phân bổ ngẫu nhiên vào chế độ ăn tiêu chuẩn hoặc chế độ ăn nhiều chất béo trong 30 tuần, bắt đầu từ tám tuần tuổi. Lượng thức ăn, trọng lượng cơ thể và nồng độ glucose được theo dõi ở các khoảng thời gian khác nhau, cùng với các xét nghiệm dung nạp glucose, insulin và rối loạn chức năng nhận thức.
Kết quả cho thấy, chỉ sau 30 tuần ăn nhiều chất béo, những con vật này không chỉ bị tăng cân mà còn phát triển tình trạng kháng insulin và bắt đầu có những biểu hiện bất thường so với những con được ăn theo chế độ tiêu chuẩn. Cấu trúc não cũng bị thay đổi đáng sợ, kèm theo một loạt dấu hiệu suy giảm chức năng nhận thức.
Chế độ ăn nhiều chất béo không chỉ gây ra chứng béo phì mà còn gây ra một loạt vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, teo não, suy giảm khả năng nhận thức, trầm cảm, rối loạn lo âu. |
Từ những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định mối liên hệ rõ ràng giữa chế độ ăn giàu chất béo với một loạt vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, teo não, suy giảm khả năng nhận thức, trầm cảm, rối loạn lo âu.
Phó giáo sư Bobrovskaya nhấn mạnh: "Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết đại dịch béo phì toàn cầu. Sự kết hợp giữa béo phì, tuổi tác và bệnh tiểu đường rất dễ dẫn đến suy giảm khả năng nhận thức, bệnh Alzheimer và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác."
Tuy nhiên, không chỉ kiểu ăn nhiều chất béo do tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến và siêu chế biến, nhiều nghiên cứu cũng chứng minh cho dù bạn ăn các món khác lành mạnh nhưng lại ăn nhiều chất béo, hay áp dụng những kiểu ăn "thời thượng" như hạn chế tinh bột nhưng ăn chất béo thoải mái, vẫn có khả gây hại cho cơ thể.
Cách chọn chất béo tốt cho sức khỏe của bạn
Chất béo rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể cũng như sức khỏe của tim mạch. Tuy nhiên, lựa chọn chất béo để nấu ăn như thế nào là đúng?