Nặng tình với những giá trị truyền thống dân tộc, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã đi khắp mọi miền đất nước sưu tầm, dày công nghiên cứu hàng loạt những hiện vật có giá trị. Đó là nét dân dã trong tranh dân gian Việt Nam từ bao đời truyền lại, là những hiện vật gốm sứ tinh tế dù chỉ là mảnh vỡ, những tác phẩm điêu khắc giàu giá trị và hơn một vạn các hiện vật khác.
Với tâm huyết muốn đưa những nét văn hóa xưa đến gần hơn với công chúng đương thời, lưu giữ những giá trị văn hóa trước nguy cơ bị mai một, mới đây chị Nguyễn Thị Thu Hòa cùng với các cộng sự Trịnh Sinh, Lê Bích đã ra mắt hai ấn phẩm “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội (bên trái) có niềm đam mê sưu tập và luôn mong muốn bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc: gốm sứ, tranh dân gian... |
Chị Hòa cho biết từ bé chị đã có niềm đam mê sưu tập, ban đầu là thú sưu tập tem, sưu tập hình ảnh, sưu tập đèn dầu… Năm 2007 được coi là dấu mốc mở đầu cho các cuộc sưu tầm khi chị tập trung tìm hiểu một cách nghiêm túc về mọi dòng sưu tập, đặc biệt là sưu tập về nét văn hóa truyền thống.
Vì thích tranh dân gian nên chị đã dày công tìm hiểu và quyết tâm có những ấn bản đầy đủ, chi tiết nhất trong khả năng, để đưa tranh dân gian về đúng những giá trị mà nó vốn có, giúp mọi người hiểu, gìn giữ, bảo tồn các dòng tranh quý của dân tộc. Trong quá trình nghiên cứu, chính những cuốn sách của Maurice Durand và Henri Oger đã truyền cảm hứng cho chị và cả nhóm. Lúc đó, chị đã từng nghĩ “Các ông là người nước ngoài, kỳ công nghiên cứu di sản quý báu của Việt Nam, tại sao chúng ta lại không làm được?”.
Và chị bắt đầu dự án của mình, chị bày tỏ: “Nếu tôi không làm, thì 5 năm nữa sẽ không còn hiện vật để sưu tầm nữa. Ví dụ như sưu tầm bản mộc ngày nay rất khó khăn, vì trải qua những thời kỳ của lịch sử, khiến ngày nay đã không còn nhiều những khuôn tranh dân gian, khuôn để in đồ vàng mã, đó là một điều đáng tiếc. Hiện tôi là người duy nhất có sưu tập bản mộc, không có bạn để trao đổi, nên gặp rất nhiều khó khăn”.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa so sánh màu tranh thực tế với màu tranh trong sách về tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand. |
Những hiện vật dân gian là các làng nghề dân gian truyền thống ngày nay không còn nhiều, đồng thời nhiều làng nghề đã bị mai một, đây là một trong những thách thức lớn đối với nhóm nghiên cứu. Quá trình sưu tầm diễn ra rất lâu, đôi khi còn do duyên mà gặp được, có khi phải mất đến cả năm để tìm được một hiện vật mong muốn. Có những nghệ nhân hoặc người cao tuổi chị đã phỏng vấn, nhưng chỉ vài tháng sau họ mất, nên không thể tiếp tục khai thác, lấy lại tư liệu được nữa.
Hơn nữa, các dòng tranh đều không có người nối nghiệp, mất dần thị trường, thu nhập giảm sút và không phải ai cũng theo nghề được, vì vậy rất khó để có thể tìm được tư liệu cho sách. Chị từng mong muốn “..một ngày có 48 giờ để mình làm được nhiều hơn nữa, để có thể tận dụng thời gian gặp được những người mà họ vẫn nhớ được lề cũ, thói cổ để mình ghi chép lại, sau này có điều kiện sẽ viết thành sách để lưu giữ”.
Bộ tranh "tứ nghệ" - bốn nghề sĩ, nông, công, thương - của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. |
Những chuyến đi khảo sát này thường không theo tài trợ, vì chị không muốn theo sự áp đặt của bất kỳ ai mà chỉ quan niệm sưu tầm, khảo sát nhằm để giữ lại nét xưa, để nhớ về những giá trị tinh túy của văn hóa dân gian.
Chị cho biết, điểm chung của tranh dân gian là tính dân tộc, làm theo phương pháp thủ công, do nhân dân sáng tác, gắn liền với sản xuất hoặc tín ngưỡng của người dân Việt. Tuy nhiên, mỗi dòng tranh lại có sự khác biệt, đặc trưng văn hóa vùng miền. Ví dụ tranh đồ thế, miền Bắc dùng tranh Thập vật trong các lễ cúng phát tấu, miền Trung có tranh làng Sình chịu ảnh hưởng của Thiên Tiên Thánh giáo, nọi dung phong phú, đặc sắc. Tranh cùng Nam Trung Bộ lại có nội dung thiên về thờ cúng ghe thuyền…
Sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” là sách tranh đầu tiên trong dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng của chị và cộng sự. Sau khi cuốn sách được xuất bản đã trở thành một bệ đỡ để tranh Kim Hoàng có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn, được đón nhận nhiều hơn.
Sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” sẽ được ra mắt vào khoảng tháng 11/ 2020. Sách mô tả khá chi tiết quy trình làm điệp, bia ở đình làng Đông Hồ, thời điểm tranh dân gian Đông Hồ ra đời… tuy còn khuyết thiếu một số tranh xưa tương đối quý hiếm của nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần, nhưng sách đã tái hiện được những nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt xưa, của làng tranh Đông Hồ xưa. Những điểm còn thiếu sẽ được bổ sung vào lần tái bản sau.
Hai ấn phẩm về dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng của Nguyễn Thị Thu Hòa và các cộng sự. |
Với mong muốn mang đến cho công chúng những gì mà các sách, các nghiên cứu trước đó chưa từng có, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “chúng tôi muốn làm bộ sách về tranh dân gian Việt Nam với hơn 30 dòng tranh trải dài từ Bắc vào Nam. Dự định ban đầu là viết ba tập sách, khoảng hơn 1.000 trang” Sau khi hoàn thành thêm các sách về tranh Hàng Trống, tranh dân gian Huế, tranh dân gian kính Việt Nam, tranh đồ thế Việt Nam…
Bằng quá trình nghiên cứu đầy đam mê với tất cả nhiệt huyết, bên cạnh những dự án sách về các dòng tranh dân gian Việt Nam, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa còn sở hữu gần 1.500 hiện vật cổ, đồng thời đứng ra tổ chức nhiều triển lãm có giá trị như Triển lãm gốm sứ Nam Bộ, Triển lãm “Nét xuân” về năm dòng tranh dân gian, Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” của tác phẩm khắc gỗ… để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem.
Chị chia sẻ: “Các triển lãm của tôi không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ thuần túy về văn hóa. Bất cứ ai khi đầu tư đều muốn thu về lợi nhuận, nhưng lợi nhuận của tôi là những điều không nhìn thấy được, đó là qua một cuộc triển lãm người xem sẽ hiểu hơn về những giá trị văn hóa dân gian, yêu thích và trân trọng chúng, bộ sưu tập của mình vì thế mà cũng có giá trị hơn…”.
Luci Liu: Nghệ thuật trong mỗi người là hiện thân về kí ức của thời thơ ấu
Ngoài việc là một diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, Luci Liu còn là một nghệ sỹ theo đuổi nghệ thuật thị giác