Hanoi Art Connecting (H.A.C) là chuỗi dự án hội thảo và triển lãm thường niên được tổ chức bởi Asia Art Link - do họa sĩ Trịnh Tuân (Việt Nam) và hoạ sĩ Ng Bee (Maylaysia) đồng sáng lập.
Các hoạt động của H.A.C gồm: Hội thảo, thực hành nghệ thuật, triển lãm - nhằm phát triển sự tương tác, giao thoa văn hoá giữa các nghệ sĩ, các trường đại học trong và ngoài nước; những dự án cá nhân và nhóm nghệ sĩ và giữa những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo với công chúng yêu nghệ thuật… và qua đó, giúp mọi người khám phá thêm về sự đa dạng, đa sắc trong văn hóa mỗi quốc gia.
H.A.C 7 quy tụ sự ủng hộ của nhiều cơ quan văn hóa, xã hội; sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và các sinh viên tình nguyện. Ảnh: L.Q.V |
Qua 6 lần tổ chức, sự kiện H.A.C đã nhận được nhiều đánh giá cao từ giới chuyên môn, đồng thời tạo ra mối liên kết tích cực không chỉ giữa các nghệ sĩ mà còn giữa các cộng đồng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Năm 2024, H.A.C lần 7 được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập trường (1949 - 2024), kéo dài tới ngày 3/11. Hoạt động này được sự hỗ trợ tổ chức của Hội Mỹ thuật VN, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Sở VHTT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Tập đoàn Trung Nguyên Legend…
Đại diện nghệ sĩ các quốc gia trong phần nghi thức khai mạc H.A.C 7 - năm 2024. |
Hanoi Art Connecting lần 7 - năm 2024 quy tụ 120 nghệ sĩ, trong đó có 50 nghệ sĩ quốc tế, của 19 quốc gia: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Đức, Italia, Mexico, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Azerbaijan và Việt Nam. Xin giới thiệu những “bóng hồng” góp mặt trong sự kiện này cùng các tác phẩm của họ sáng tác trước đây:
Lê Anh (SN 1988) tốt nghiệp bậc thạc sĩ tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, là chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ Hà Nội. Cô được nhận một số giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam - như giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực 3 (Tây Bắc - Việt Bắc) tại Vĩnh Phúc (2017) và Lào Cai (2018), giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (2023), Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (2016), Festival Mỹ thuật trẻ (2017, 2020)...
Tác phẩm của nữ họa sĩ Lê Anh. |
Nguyễn Thùy Anh tốt nghiệp ngành Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện tại FPT Arena Multimedia năm 2010, và lọt top 3 thủ khoa đầu ra tại ĐH Mỹ thuật Công nghiệp năm 2015. Thùy Anh rất tài năng trong lĩnh vực màu nước với kinh nghiệm giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Monster Lab và Nhau Studio. Cô đã thực hiện hơn 80 khóa học ngắn hạn và dài hạn, tham gia nhiều dự án nghệ thuật từ năm 2012; tổ chức và tham gia nhiều triển lãm uy tín trong và ngoài nước.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Nguyễn Thùy Anh. |
Trần Ngọc Ánh tốt nghiệp bậc cử nhân tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và bậc thạc sĩ tại Trường ĐH sư phạm Nghệ thuật trung ương, có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ và sơn mài. Ngọc Ánh đã góp mặt tại "Triển lãm tranh sơn mài Trung tâm Mỹ thuật UNESCO Hà Nội tại Amboise - Pháp", "Góc nhìn Hà Nội" 2022 và 2023. Cô đã giành được giải Nhất của Hội đồng Anh về “Vẻ đẹp thiên nhiên của Thủ đô", giải Ba cuộc thi “Môi trường Ba Lan".
Tác phẩm của nữ họa sĩ Trần Ngọc Ánh. |
Carolyn Muskat hiện điều hành Muskat Studios - một trung tâm uy tín về nghệ thuật in tại Somerville, Massachusetts (Mỹ). Sự cống hiến của bà cho nghệ thuật in đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng và triển lãm tại Mỹ và quốc tế. Nữ nghệ sĩ Muskat lần đầu đến Hà Nội vào năm 2012, khi bà vinh dự là một trong 4 nghệ sĩ nước ngoài tiêu biểu nhận Huy chương Nghệ thuật Việt Nam. Bà đã tham gia H.A.C lần 4 và lần 6, làm việc và trao đổi kinh nghiệm với các nghệ sĩ Việt Nam chuyên ngành in ấn tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Carolyn Muskat. |
Công Kim Hoa (SN 1962) hiện sống tại Hà Nội, là nghệ sĩ đồng thời là nhà giáo tận tâm và có đóng góp đáng kể vào việc đổi mới và phát triển nghệ thuật sơn mài. Bà đã tham gia các triển lãm quốc tế danh giá - như INSIDE tại Kassel (Đức - 1997) và "Vẻ đẹp Việt Nam" tại ĐH Columbia (Mỹ -1999). Phong cách nghệ thuật của nữ họa sĩ Công Kim Hoa mang tính trừu tượng cao kết hợp hiện thực cách điệu, mang đến sự mới lạ và chiều sâu cho các tác phẩm.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Công Kim Hoa. |
PGS.TS Trang Thanh Hiền (SN 1974) là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật tôn giáo, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Bà đã tham gia nhiều triển lãm, dự án nghệ thuật và đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu. Những tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền bao chứa không chỉ là hình màu, bút pháp, kỹ thuật tạo hình, mà cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật tôn giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền. |
Đoàn Hương (SN 1961) nguyên là Cục phó Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, là tác giả trang trí toàn bộ phần mỹ thuật của 3 kỳ Đại hội Đảng (X, XI, XII); 3 kỳ diễu binh, diễu hành trên quảng trường Ba Đình, trong đó có Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2005, 2010, 2015). Tác phẩm “Suối Yến - chùa Hương” do bà và các cộng sự hoàn thành hiện được treo trong nhà Quốc hội. Các tranh sơn mài của nữ họa sĩ Đoàn Hương luôn tạo được sự hài hòa, nổi bật.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Đoàn Hương. |
Katrin Hamann là hoạ sĩ người Đức, hoạt động tự do tại Hannover. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Văn hoá, nghiên cứu và thực hành về mỹ học tại ĐH Hildesheim. Trong sáng tác, Katrin Hamann thường sử dụng chất liệu acrylic và kim loại đánh bóng trên bức tranh hoặc bản màng phim. Những bức họa mang sắc màu lấp lánh, toả sáng đầy tinh tế và lôi cuốn đã trở thành đặc trưng trong sáng tác của cô, đồng thời luôn được sự chú ý của công chúng qua các triển lãm ở trong nước và quốc tế.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Katrin Hamann. |
Hoàng Thái Ly là giảng viên của Khoa Thiết kế nội thất & ngoại thất Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Cô đã nhận bằng cử nhân Thiết kế nội thất (1999 - 2004) tại trường này và bằng thạc sĩ Thiết kế tích hợp - MAID tại ĐH Khoa học ứng dụng Anhalt, Sachsen-Anhalt (Đức, từ năm 2005 - 2007). Các thiết kế của cô là kết quả của một quá trình sáng tạo đầy đam mê với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Thái Ly còn là người sáng lập Học viện VitaminART, giúp trẻ em phát triển kỹ năng sáng tạo, khám phá bản thân và định hướng tương lai.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Hoàng Thái Ly. |
Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1980) hiện giảng dạy tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Chị được biết đến với phong cách sáng tạo độc đáo, luôn tìm kiếm những ý tưởng mới lạ, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Hai tác phẩm nổi bật: “Ngày và đêm” - thể hiện sự tương phản giữa hai thế giới đối lập, và “Tịnh đế liên hoa” - lấy cảm hứng từ hình tượng hoa sen, biểu tượng cho sự thanh tịnh và vươn lên giữa khó khan, đã khẳng định tài năng của chị trong việc diễn tả cảm xúc và triết lý sâu sắc qua hội họa.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh. |
Vũ Tuyết Mai sinh ra tại Hà Nội, là người đã gắn bó với Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội gần như cả cuộc đời mình. Ngoài công tác giảng dạy, nữ hoạ sĩ thường xuyên sáng tác trên các chất liệu như sơn mài, sơn dầu, acrylic. Các tác phẩm của hoạ sĩ Vũ Tuyết Mai thường gắn liền với thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Vũ Tuyết Mai. |
Phùng Hoa Miên là giảng viên, hiện là Trưởng khoa Khoa Mỹ thuật Cơ sở tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Với phong cách sáng tác độc đáo kết hợp giữa hiện thực và biểu cảm, họa sĩ Phùng Hoa Miên sử dụng màu sắc mạnh mẽ với hình khối độc đáo để truyền tải cảm xúc cá nhân.
Tác phẩm logo H.A.C 7 của nữ họa sĩ Phùng Hoa Miên |
Chu Thị Kim Ngân tốt nghiệp cử nhân Thiết kế đồ hoạ và thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, hiện là giảng viên của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Trong lĩnh vực đồ hoạ, cô nổi bật với khả năng thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh minh hoạ ấn phẩm in ấn. Cô đã thiết kế bộ nhận diện cho sự kiện H.A.C lần 6 đầy ấn tượng. Kim Ngân còn được đánh giá cao trong lĩnh vực hội hoạ bởi khả năng sáng tác đa dạng và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu. Đặc biệt, cô chính là tác giả của logo H.A.C lần 7.
Tác phẩm logo H.A.C 7 của nữ họa sĩ Chu Thị Kim Ngân |
TS, hoạ sĩ Priti Samyukta (SN 1977) hiện là Trưởng khoa hội họa tại ĐH Kiến trúc và Mỹ thuật Jawaharlal Nehru, Hyderabad (Ấn Độ), đã khẳng định mình bằng những tác phẩm ấn tượng - nơi hình ảnh người phụ nữ được thể hiện đầy tinh tế và sâu sắc. Các tác phẩm của bà mang tính tự truyện, trữ tình và bám sát những gốc rễ truyền thống bằng việc sử dụng các họa tiết hoa văn và màu sắc đặc trưng. Nhờ khéo kết hợp yếu tố thẩm mỹ này với những ý tưởng hiện đại, Priti Samyukta đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo và giàu tính sáng tạo.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Priti Samyukta. |
Duenchayphoochana Phooprasert (SN 1977) sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn của tỉnh Phra Nakhon Si Ayutthaya (Thái Lan). Nghệ sĩ đương đại Phooprasert sử dụng đất sét - một chất liệu gần gũi, để kể câu chuyện nghệ thuật của bản thân. Cô diễn đạt tác phẩm bằng đường nét, màu sắc, họa tiết và hình khối để truyền tải cái đẹp, thể hiện chiều sâu bản sắc văn hóa của quê hương. Với Phooprasert, việc sáng tạo nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện tâm hồn, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người nghệ sĩ.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Duenchayphoochana Phooprasert. |
Phạm Phương là nghệ sĩ trẻ chuyên về in ấn và là thạc sĩ Mỹ thuật, đã đạt được nhiều giải thưởng: Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2020), giải Khuyến khích tại Festival Hoạ sĩ Trẻ lần thứ 6 (2022), giải Ba của Hội Mỹ thuật Trẻ TP.Hồ Chí Minh (2023), giải Nhì Mỹ thuật Đồ hoạ Việt Nam (2024). Trong các tác phẩm, cô luôn thể hiện cảm xúc và triết lý sâu sắc để khắc hoạ sự tinh tế trong màu sắc và bố cục, nên đã gợi lên những suy ngẫm và cảm nhận sâu sắc cho người xem.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Phạm Phương. |
Vũ Hương Quỳnh (SN 1981) hiện là giảng viên của Khoa Mỹ thuật cơ sở của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, là người yêu thích ngôn ngữ đồ họa, đam mê khám phá chất liệu sơn mài. Hai tác phẩm tiêu biểu của cô là “Khất thực” và “Người mẹ” đã gợi mở cho người xem nhiều cảm xúc về những giá trị cao đẹp của người tu hành, lan tỏa thông điệp từ bi hi xả, lối sống thiện lành. Các sáng tác của cô luôn mang đậm bản sắc văn hóa và trân trọng những giá trị truyền thống của Việt Nam.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Vũ Hương Quỳnh. |
Saruda Kantawong đến từ Thái Lan, đã tốt nghiệp ngành Mỹ thuật và nghiên cứu về sự chiết xuất màu từ tự nhiên. Cô hiện là nghệ sĩ tự do, đồng thời dạy kỹ thuật nhuộm vải với thương hiệu riêng: "Saruda", thông qua việc sử dụng kỹ thuật nhuộm vải tự nhiên với phong cách nhuộm của riêng cô. Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật nhuộm Shibori của Nhật Bản và kỹ thuật nhuộm của Thái Lan. Là chuyên gia về màu chàm, các tác phẩm của cô thường phản ánh bằng màu xanh sống động và những hoa văn hoạ tiết cầu kỳ. Tại H.A.C 7 năm nay, cô kết hợp tổ chức 1 workshop trải nghiệm kỹ thuật nhuộm vải vô cùng độc đáo ấy.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Saruda Kantawong. |
Sakurako Matsushima đã theo học tại ĐH Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản) và hiện là Giáo sư tại ĐH Utsunomiya ở tỉnh Tochigi, đồng thời là giám đốc Dự án Trao đổi Nghệ thuật Sơn Á Châu. Bà đã trưng bày tác phẩm của mình trên toàn thế giới kể từ năm 1989 với các tác phẩm đa dạng -từ điêu khắc đến trang sức cơ thể có thể đeo và các cài đặt tường tinh xảo. Đây là một phần trong nghệ thuật của bà - từ chất liệu bamboo hoặc vải gai sơn (kanshitsu), sau đó kết hợp các kỹ thuật trang trí tinh vi như makie và khảm vỏ sò.
Tác phẩm của nữ họa sĩ Sakurako Matsushima. |
Nguyễn Thu Trang sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, hiện công tác tại ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Mang trong mình niềm yêu thích mỹ thuật từ nhỏ, Thu Trang luôn miệt mài theo đuổi ước mơ và ngày càng thành công trên con đường nghệ thuật. Tác phẩm của cô đã ghi dấu ấn sâu đậm tại nhiều triển lãm ở Hà Nội - như triển lãm “Sơn mài Việt Nam” (2022), triển lãm “Lam” (2018), triển lãm nhóm “Cocktail 50” (2023)...
Tác phẩm của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Trang. |
Xen kẽ trong H.A.C 7 là một số workshop, art-talk: "Sơn mài Nhật Bản - Nghệ sĩ Sakurako Matsushima", "Điêu khắc số - từ thiết kế đến ứng dụng", "Mỹ thuật ứng dụng trong xu thế hội nhập quốc tế"... Vào tối 3/11, triển lãm các tác phẩm thực hành trong H.A.C 7 sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội.
Trong tiết thu Hà Nội, thưởng ngoạn tác phẩm của 4 nữ họa sĩ tài năng
“Her Palettes - Sắc” giới thiệu tác phẩm của 4 nữ họa sĩ tài danh: An Đặng, Đặng Hiền, Nguyễn Thu Thủy và Mai Kim Uyên, diễn ra tại Hà Nội