Nhiều người gặp vấn đề về tinh thần khi sống chung với COVID-19

Những người có biểu hiện bất thường như khó ngủ, cáu gắt; người tâm thần đi lang thang qua vùng dịch…

Bác sĩ Nguyễn Quang Bính - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - cho biết, có khá nhiều bệnh nhân có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần được đưa vào đơn vị này cách ly tập trung từ năm 2020 tới nay. Đây là những bệnh nhân được chẩn đoán tâm thần, đã ổn định nhưng tái phát khi cách ly; những người có biểu hiện bất thường như khó ngủ, cáu gắt; người tâm thần đi lang thang qua vùng dịch…

Đến nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học để nói COVID-19 gây ra bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên đây cũng có thể là một trong những yếu tố gây áp lực tâm lý nặng nề cho nhiều thành phần trong xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm nhiễm bệnh.

“Một số trường hợp có yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc COVID-19 vô cùng lo lắng, không biết mình có được điều trị không, sẽ được điều trị như thế nào, có qua khỏi hay không… Có những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mất ngủ trắng đêm. Các triệu chứng COVID-19 có thể xuất hiện như chán ăn, đau họng, mất vị giác… càng trở thành tác động tâm lý lớn.

Nhiều người gặp vấn đề về tinh thần khi sống chung với COVID-19

Thêm vào đó là nỗi lo lắng không rõ người thân, đồng nghiệp của mình có bị lây nhiễm, gia đình mình có bị hàng xóm kỳ thị… Thậm chí họ còn mang nỗi lo không rõ khi trở về cuộc sống, bản thân có bị mọi người sợ hãi, xa lánh…”, bác sĩ Nguyễn Quang Bính phân tích. 

Nhóm thứ hai dễ bị tác động là người ở trong khu vực cách ly, người ở vùng cách ly y tế, nhân viên y tế và người vận chuyển bệnh nhân. 

Bác sĩ Trần Đức Cường - người trực tiếp điều trị tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - phân tích, nhiều người rơi vào trạng thái mất ngủ, đau đầu, lo âu, căng thẳng…kéo dài. Nếu không kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể dẫn tới bệnh lý tâm thần. 

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. 

Một số học sinh sau khi ở nhà quá lâu xuất hiện tình trạng cáu gắt, tù túng… Một số sinh viên không có việc làm thêm, dẫn tới gặp áp lực về tài chính…Việc chuyển từ học bình thường sang học trực tuyến yêu cầu về ý thức cao khiến không ít em cảm thấy chưa quen, lo lắng, mất tập trung. Vì vậy các em phải tăng cường chuyện trò với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình.

“Văn hóa phương Tây luôn khuyến khích mỗi người nói ra vấn đề của mình để chia sẻ với người khác. Văn hóa phương Đông thì ngược lại. Ngay từ nhỏ, trẻ đã bị “nhồi” vào suy nghĩ không nên nói những gì làm người khác phiền lòng. Tuy nhiên, điều này không tốt cho sức khỏe tinh thần”, PGS-TS Trần Thành Nam chia sẻ. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần lắng nghe, động viên con cái vượt qua những khủng hoảng riêng. Bản thân mỗi em nên dành thời gian rảnh cho các sở thích khác như hội họa, âm nhạc và đừng quên tập thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể.

Thanh Mai

Tại sao chúng ta lại mù quáng chạy theo những điều không tưởng về ngoại hình?

Tại sao chúng ta lại mù quáng chạy theo những điều không tưởng về ngoại hình?

Hãy cùng nhau tôn vinh sự đa dạng và khác biệt của cơ thể. Bởi cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều khi biết bao dung với chính mình và lẫn nhau.