Mùa lạnh, bên cạnh những gia vị giữ ấm nên bổ sung vào bữa ăn như tiêu, gừng, quế… thì có một số loại rau củ cũng có tác dụng giữ ấm cơ thể, chống rét hiệu quả từ bên trong cũng như bổ sung năng lượng, nâng cao hàng rào miễn dịch tốt cho sức khỏe nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao.
Việc ăn nhiều rau đặc biệt trong mùa lạnh đem giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm dấu hiệu viêm trong máu và hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa hiệu quả. Chất xơ trong rau cũng giúp cải thiện chức năng đường ruột và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và tiểu đường - những yếu tố có thể làm tăng rủi ro xảy ra các biến cố sức khỏe nghiêm trọng trong mùa lạnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Cải Kale
Cải kale hay còn gọi là rau cải xoăn không chỉ là một trong những loại rau lành mạnh nhất nên ăn vào mùa lạnh mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể nếu thường xuyên thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
Chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ cùng các hợp chất thực vật có chức năng chống oxy hóa mạnh mẽ như flavonoid gồm quercetin và kaempferol, beta-carotene, lutein, zeaxanthin…cải kale trở thành một loại rau giàu dinh dưỡng có tác dụng chống viêm mạnh mẽ.
Cải kale chứa glucosinolate, một loại hợp chất có nguồn gốc thực vật có đặc tính chống viêm. Cải kale cũng giàu kali, một chất điện giải quan trọng có thể giúp kiểm soát huyết áp bằng cách tăng bài tiết natri. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên Tạp chí Y học New England cho thấy rằng tiêu thụ quá ít kali và quá nhiều natri có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Cải kale cũng chứa prebiotic, thành phần chính tạo nên hệ vi sinh vật đa dạng (một sự kết hợp lành mạnh của các vi khuẩn đường ruột). Sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer,...
Rau bina
Rau bina hay còn gọi là rau chân vịt hay cải bó xôi, thuộc nhóm rau họ cải và được ví như "nhân sâm xanh" cực tốt cho sức khỏe.
Đây nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C và K, magie, folate, kali, kẽm, coenzym Q10, lutein và zeaxanthin, cùng nhiều chất khác có thể giúp điều hòa huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chất chống oxy hóa trong rau bina cũng có thể giúp ngăn ngừa stress oxy hóa và viêm nhiễm, cả hai đều liên quan đến bệnh tim mạch.
Loại rau lá xanh này đặc biệt giàu vitamin C và chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, giảm nguy cơ mắc cảm lạnh thông thường, cúm.
Theo một nghiên cứu năm 2023 trên Tạp chí Nutrients cho thấy, beta carotene trong rau bina có thể tăng cường sức khỏe tiêu hóa bằng cách giảm dấu hiệu viêm và bảo vệ đường tiêu hóa khỏi bị tổn thương cũng như điều hòa nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Cà rốt
Thời tiết lạnh khiến cà rốt chuyển hóa tinh bột dự trữ thành đường để giữ cho nước trong tế bào của chúng khiến cà rốt có vị ngọt hơn.
Cà rốt là nguồn tuyệt vời của beta-carotene, có thể được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể. Một củ cà rốt lớn (72 gram) chứa 241% lượng vitamin A khuyến nghị hàng ngày, rất cần thiết cho sức khỏe mắt và cũng quan trọng với hệ miễn dịch.
Cà rốt chứa rất nhiều chất chống oxy hóa carotenoid giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn giàu carotenoid có thể đặc biệt hữu ích trong việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là nguồn vitamin A, C và E, beta carotene và flavonoid bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương kết hợp với các hợp chất có hoạt tính sinh học cao gồm clucosinolate, sulforaphane và indole-3-carbinol có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, chống viêm và kháng khuẩn.
Chất xơ và kali dồi dào trong bông cải xanh được phát hiện có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim chẳng hạn như chứng xơ vữa động mạch có liên quan tới sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch bằng cách giảm cholesterol và cải thiện chức năng tim mạch, từ đó giúp giảm rủi ro gặp các biến cố tim mạch như đau tim và đột quỵ.
Củ cải đường
Củ cải đường là loại rau củ quen thuộc, rất phổ biến vào mùa lạnh. Củ cải đường chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu, bao gồm folate (vitamin B9), vitamin C, kali, magie, phốt pho và mangan. Các chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Chất xơ trong củ cải đường đóng vai trò như một prebiotic, cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong ruột. Hệ vi sinh đường ruột cân bằng và đa dạng có liên quan đến quá trình tiêu hóa được cải thiện, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể. Kết hợp với vitamin C, ăn củ cải đường là một cách để cải thiện sức đề kháng và giảm mệt mỏi.
Chất xơ không hòa tan cùng folate, vitamin C, kali dồi dào trong củ cải đường giúp loại thực phẩm này trở thành lựa chọn tuyệt vời để hạ huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát lượng đường trong máu, giúp ổn định cholesterol lành mạnh.
Một số hợp chất có trong củ cải đường, chẳng hạn như betalain, là chất bảo vệ thẩm thấu, có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do căng thẳng và hỗ trợ cơ thể loại bỏ các chất có hại. Pectin trong củ cải đường liên kết với lipoprotein và trung hòa các hợp chất gây viêm trong máu.
Ngoài ra, củ cải đường có hàm lượng nước cao, góp phần cung cấp đủ nước cho cơ thể, là điều cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm sức khỏe thận, sức khỏe làn da và điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Loại bỏ vỏ trái cây và rau củ, bạn đang lãng phí nguồn dinh dưỡng không ngờ
Nhiều loại vỏ của trái cây và rau củ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thậm chí có cả chất chống ung thư.