Khi con vô tình trở thành gánh nặng trong tâm hồn của cha mẹ, điều đó đã mang đến cho con một sự tổn thương không thể nào bù đắp nổi. Vì khi cha mẹ sinh con ra đã không cho con đủ đầy như mọi đứa trẻ sơ sinh khác.
Mẹ và mọi người đã không dễ dàng nhận ra điều đó cho đến một ngày con có những biểu hiện, cử chỉ hoàn toàn xa lạ với các bạn đồng trang lứa. Gánh nặng trong tâm hồn là món nợ mà lúc nào đó một bà mẹ trong số nhiều người mẹ có con mang chứng tự kỷ rồi cũng sẽ - phải - buột miệng mà nói ra.
Ảnh minh họa: internet. |
Con đã đủ đầy một tâm hồn mà tuyệt nhiên bất kỳ điều gì đó đều không thể gây tổn thương cho mình. Và may mắn thay, con đã không hề biết tủi thân như những đứa bé mang các chứng bệnh khác khi con hoàn toàn không biết mình khiếm khuyết. Đó là một tấm chắn an toàn cho con, còn hơn cả sự chở che vô bờ bến của mẹ. Đó chính là thế giới riêng của con trong hành tinh này. Ở đó, con có quyền được sắp xếp mọi điều con muốn, mọi thứ con nghĩ mà chỉ có mẹ, có những bà mẹ có con tự kỷ khác sẽ chạm vào được suy nghĩ của con mà thôi.
Cũng có rất nhiều thứ bình thường khiến con sợ hãi, có nhiều âm thanh gây đớn đau cho con khi con chưa kịp bắt lấy và thu xếp ngay ngắn những thứ ấy trong suy nghĩ của mình. Cũng có nhiều hình ảnh để con yêu thích, nhiều thứ để con e dè. Đó chính là những hình ảnh con không thể hình dung, không thể gom gọn và nó tự phóng đại lên thành những tên khổng lồ hung tợn nhất trong thế giới của con.
Những thứ khiến con sợ hãi đến nỗi không thể chịu đựng nhưng con đã biết thể hiện cảm giác ấy bằng cách con đã van xin được tha “lỗi”. Dù rằng con chẳng có lỗi gì trong những phút trở chứng của một lô-gích thông thường.
Sự sợ hãi của con thật tội nghiệp và con muốn tắt nó ngay đi như kiểu mẹ từng muốn tắt ngay chứng tự kỷ mà con phải chịu. (Ảnh minh họa: internet). |
Sự sợ hãi của con thật tội nghiệp và con muốn tắt nó ngay đi như kiểu mẹ từng muốn tắt ngay chứng tự kỷ mà con phải chịu. Con muốn được buông tha khi con đã khóc và “xin lỗi”. Con đã không thể chịu đựng được sự sợ hãi luôn tìm đến với con bất kỳ lúc nào mà khi ấy, trong thế giới riêng của con chỉ có một thứ duy nhất bảo vệ con khỏi các hình ảnh khủng khiếp ấy là một sự van nài vô tội.
Con đã tự nhận thấy mình phải gánh lấy một lỗi lầm nào đó nên những điều khủng khiếp kia mới tìm đến gây nguy hiểm cho con. Con nhận thấy mình phải xin lỗi (dù con hoàn toàn không biết mình đã phạm vào sai lầm gì) chỉ để cứu lấy mình trong giây phút sự kinh khiếp tìm đến...
Con đến nhà để làm khách của mẹ khi mẹ ruột con chỉ yên tâm nếu để con lại nơi này. Mẹ đã làm điều đó như thế nào khi cả ba đứa anh chị của con đều là những đứa trẻ phát triển bình thường và đã lớn? Mẹ có lo lắng điều đó hay không khi đã nhiều năm rồi mẹ không chăm trẻ nhỏ, thậm chí hôm ấy mẹ phải chăm một đứa bé tự kỷ làm khách nhà mình? Mẹ đã chẳng cần ôm lấy con, mẹ để cho con tự chạy theo các anh chị mà chơi đủ thứ trò.
Con thích được chạy nhảy chung quanh các anh chị dù chỉ để giật được quả bóng để tâng vào rổ “mẹ”. Mẹ đã hưởng ứng, đã tương tác với niềm hoan hỉ đó của con bằng cách tự mình làm “rổ bóng” để đón lấy nhiệm vụ đơn giản nhất các anh chị giao cho con là phải tâng bóng vào rổ.
Ở thế giới riêng của con có cần sự tương tác của người khác hay không? (Ảnh minh họa: internet). |
Mẹ đã cho con được tự do gây ra tiếng động khi điều đó làm cho con thích thú và tiếp nhận muỗng cơm đầu tiên một cách dễ dàng. Con ăn ngoan và nhanh hơn cả khi mẹ ruột con đút. Ở thế giới riêng của con đó có cần sự tương tác của người khác hay không? Mẹ nghĩ điều đó vô cùng cần thiết với những đứa trẻ như con. Cần thiết và không được chậm trễ bất kỳ một giây một phút nào khi các bà mẹ, ông bố nhận ra con cái mình mang chứng tự kỷ.
Họ có mệt mỏi trong suốt quá trình tương tác với con không? Có chứ. Toàn thời gian các mẹ nên ở bên con để cố gắng tập nghe, tập nhìn vào thế giới bé nhỏ ấy của con để vào lúc nào đó chúng ta còn có thể cứu con kịp lúc bằng cách vỗ về, ôm ấp và kéo nỗi khiếp sợ của con ra khỏi tâm trí mỏng manh hỗn loạn bấy giờ.
Con trai, mẹ đã được học từ con sự thánh thiện, lòng bao dung… Mẹ yêu hơn cuộc sống này và cảm thấy những khó khăn mẹ đang đối mặt bỗng nhẹ nhàng hơn. Và con, từ lúc này trở đi sẽ không bao giờ là khách của mẹ cả. Bởi con là người nhà như các anh, chị con đã được mẹ sinh ra.
Nguyên tắc truyền thông về chứng tự kỷ:
(Được thảo luận và rút ra từ Hội thảo khoa học “Truyền thông về Chứng tự kỷ”, do Học Viện Báo chí & Tuyên truyền phối hợp cùng Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức ngày 2/4/2015)
1. Dùng cụm từ “chứng tự kỷ” thay thế cho cụm từ “bệnh tự kỷ”: Theo định nghĩa trong chuyên trang Tự kỷ của Liên Hợp Quốc, tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Người tự kỷ bị khiếm khuyết rõ nhất ở giao tiếp xã hội và hành vi.
2. Chứng tự kỷ không phải do cách nuôi dạy của cha mẹ gây ra: Khoa học đã khẳng định cách nuôi dạy của cha mẹ không phải nguyên nhân của chứng tự kỷ.
3. Tự kỷ không phải là chứng rối nhiễu tâm lý và cảm xúc khi gặp những biến cố, những điều bất hạnh, những cú sốc trong cuộc sống: Không nên sử dụng từ tự kỷ trong trường hợp này, dễ tạo nên sự nhầm lẫn về khái niệm, dẫn đến hiểu sai về tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn sinh học có thể do nhiều nguyên nhân gây nên.
4. Tránh dùng từ tự kỷ với ý nghĩa đùa bỡn hoặc cho là kỳ quặc, nguy hiểm: điều này sẽ gây tổn thương và cản trở con đường hòa nhập của người tự kỷ.
5. Tự kỷ không phải là chứng bệnh chữa khỏi được: Cho đến nay khoa học thế giới chưa khẳng định chữa khỏi được tự kỷ. Nhưng người tự kỷ được can thiệp đúng cách có thể tiến bộ nhiều so với tình trạng tự kỷ của người đó. Thận trọng khi đưa tin về nguyên nhân và phương pháp can thiệp tự kỷ. Cần tham khảo những nhà chuyên môn và những nguồn thông tin uy tín về vấn đề này.
6. Tránh củng cố những khuôn mẫu, định kiến chủ quan về người tự kỷ: Ví dụ như tự kỷ là thiên tài (chỉ có rất ít người tự kỷ có tài năng), tự kỷ là lạnh lùng nguy hiểm, tự kỷ là vô dụng... Mỗi người tự kỷ là một cá nhân khác biệt, có những khả năng và hạn chế riêng.
'Tự kỷ' hay 'những người quá nhạy cảm': sự xung đột giữa bản ngã và xã hội
Một mình chưa hẳn là “cô độc” mà một mình có khi còn là “mạnh mẽ” khi ta có thể tìm được niềm vui với chính mình.