Phận đời những cô gái Việt tại Ả Rập: Bị ngược đãi, bóc lột và xâm hại

Nghèo khó, họ quyết định rời bỏ quê hương đến nơi đất khách với hy vọng đổi đời nhưng cuộc sống không đơn giản như những gì họ nghĩ.

Tôi là Phạm Thị Anh Đào, sinh năm 1972, quê ở Cao Phong, Hòa Bình,

Biết hoàn cảnh tôi khổ cực - không nghề nghiệp, bị lừa mất nhà, đơn thân nuôi con nhỏ - một người phụ nữ trong làng đã giới thiệu tôi sang Dubai làm giúp việc hai năm, lương một tháng 9 triệu, trước khi đi sẽ hỗ trợ cho 10 triệu đồng. Tôi đồng ý đi.

Ông môi giới đến nhà đưa tôi xuống công ty ở Hà Nội làm các thủ tục và học tiếng Ả rập. Lúc này tôi mới biết là mình đi Ả rập chứ không phải đi Du bai như lời họ nói ban đầu.

Lớp học 18 người. Chủ yếu là những cô gái đến từ Kon Tum, Đak lak, khuôn mặt còn non nớt. Chúng tôi ở trên tầng bốn. Cửa khóa. Họ chỉ mở khóa khi đi ăn cơm. Xong lại về phòng và nhốt chúng tôi. Ngày thứ bảy, chủ nhật cũng khóa như vậy. Không ai được ra ngoài.

Một buổi chiều vào lúc sắp hết giờ hành chính nhân viên văn phòng môi giới gọi tôi xuống phòng làm việc ký vào một tập giấy gọi là hợp đồng. Ký nhanh lên chứ sắp hết giờ rồi, họ giục rối rít. Tôi lúng túng ký vào từng tờ, lăn vân tay vào từng chỗ theo hướng dẫn của họ. Ba mươi phút mới xong thủ tục đó. Tôi không kịp đọc những gì viết trong hợp đồng. Tất cả học viên đều như vậy.

Ngày 3/ 9/2017 tôi lên máy bay đến Ả rập.

Nhân viên văn phòng môi giới đón tôi về văn phòng phòng môi giới ở Riyahd. Tôi được nghỉ trên một căn phòng nhỏ hẹp có một cái đệm bẩn thỉu. Ở đó có bốn lao động người Việt Nam và một người Philipin đang nằm và ngồi mệt mỏi.

Đến nhà ông bà chủ ăn xong cơm là họ hướng dẫn vào việc ngay. Bay từ Việt Nam sang và hai ngày một đêm trên xe đến nơi lúc 5 giờ chiều, nhưng ngay từ ngày đầu tiên đó tôi phải làm việc luôn đến hai giờ sáng.

Nhà chủ 13 người. 13 người lớn. Mỗi ngày tôi phải dọn dẹp 13 căn phòng ngủ, 13 căn phòng chơi, 13 nhà vệ sinh. Mỗi ngày tôi phải làm việc từ 5 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm. Những hôm nhà có việc, có lễ thì dậy muộn hơn nhưng bốn giờ sáng mới được đi ngủ.

Mỗi ngày họ chỉ cho tôi ăn một bữa vào lúc một giờ chiều khi cả nhà đã ăn xong. Một đĩa cơm và một miếng thịt. Không có rau, không có canh. Chỉ một bữa vậy. Không có bữa sáng, không có bữa tối.

Cứ đến khoảng chín giờ tối là tôi đói bủn rủn cả chân tay. Nói họ không hiểu, tôi xoa vào bụng ra hiệu là mình đói họ cũng không phản ứng gì. Họ mắng tôi chậm chạp, làm mãi chưa xong việc. 

"Ngày nào tôi cũng phải làm từ 5h sáng đến 12h đêm, chỉ được một bữa cơm gồm chút cơm với một miếng thịt, không rau hay canh" (Ảnh minh họa).

Một ngày, hai ngày, qua một tuần tôi hoảng sợ. Triền miên đói thế này mà vẫn làm việc như thế này tôi không trụ được. Tôi nhờ người ở văn phòng môi giới nói lại với bà chủ tôi đói quá, hãy cho tôi ăn thêm bữa. Cuộc gọi đó không có kết quả. Tôi vẫn đói. Tôi vẫn phải làm việc liên tục không nghỉ. Hai lần tôi bị lả đi vì đói. Bà chủ cho uống sữa, cho uống thuốc. Nằm nghỉ được một buổi lại dậy làm. 

Tôi gọi về công ty bên Việt Nam yêu cầu đổi chủ. Họ không đồng ý. Trước đó họ cam kết bằng miệng rằng sẽ được đổi và chủ nếu không chịu nổi. Ngày qua ngày. Tôi bị căng thẳng thần kinh. Cảm giác như điên loạn. Sau gần ba tháng làm việc họ mới đồng ý cho tôi về văn phòng để đổi chủ. Tôi được trả hai tháng lương.

Tôi được đưa về văn phòng môi giới việc làm ở Ryiadh chờ đổi chủ. Buổi trưa đầu tiên về đó ông chủ văn phòng đánh tôi và hai lao động nữ Việt Nam khác. Một cô gái ôm chân tôi khóc, “em đi làm chủ đã không trả lương rồi về đây còn bị đánh nữa là sao”.

Chúng tôi bị tịch thu điện thoại và tiền. Tiền lương của tôi họ lấy luôn không trả lại khi tôi rời khỏi văn phòng.

Họ nhốt chúng tôi trong một căn phòng trên tầng. Mỗi ngày được phát hai bơ gạo, một củ hành tây, một quả cà chua. Căn phòng thường xuyên có bốn, năm lao động. Có thời điểm đông nhất là 11 người.

Có ba ngày chúng tôi bị bỏ đói. Không có gì ăn phải luộc củ hành tây ăn nhưng nhớt quá không ăn được.

Ở đây tôi biết thêm nhiều chị em cùng cảnh ngộ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

M bị một nhân viên văn phòng hãm hiếp khi ông này mở khóa cửa gọi cô xuống dọn nhà. M sau đó hoảng sợ đã dùng dao cắt cổ tay định tự tử nhưng tôi đã phát hiện ra.

M về văn phòng môi giới đã ba tháng. M quay phim căn bếp nhà ông bà chủ bị bắt được. Họ gọi công an đến nhà đóng dấu đen vào hộ chiếu. Ra văn phòng môi giới, văn phòng không giải quyết cho về nước. 5800 Ria tiền lương cũng bị văn phòng tịch thu.

Cẩm bị viêm gan B, muốn về Việt Nam chữa bệnh mà văn phòng đòi tiền đền bù lên tới 100 triệu. Cẩm nhà nghèo, không có tiền đền, chưa về được.

Dung làm ba tháng chủ không trả lương. Chủ ép Dung ký vào bảng nhận lương nhưng không đưa tiền. 

Thục đang ốm, đêm ngủ phải ngồi dậy, không thở được nhưng chủ văn phòng vẫn bắt đi làm. Đi làm một tuần lại về. Hôm nay tên vừa gọi Thục xuống phòng đánh.

Thanh đã ở đây bốn tháng trời. Chủ văn phòng đe dọa nếu không có 50 triệu đền bù về Việt Nam sẽ nhốt Thanh một mình một phòng. 

Miền ly hôn chồng, gửi hai đứa con em gái, sang đây đã gần một năm. Hai đứa con gọi điện sang cho mẹ lúc nào cũng khóc. Một lần gọi điện cho con xong Miên khóc. Con gái lập kế hoạch hai chị em bỏ trốn khỏi nhà dì. Miên động viên con ngoan ngoãn nghe lời dì rồi sang năm mẹ về. Mới đây con gái 10 tuổi của Miên đã bị trầm cảm phải vào bệnh viện điều trị. Người nhà mang giấy chứng nhận bệnh của con đến cho công ty môi giới bên Việt Nam để Miên được về chăm con nhưng họ đòi Miên phải đền bù số tiền lớn quá không đủ khả năng. 

Mơ bị bệnh tiểu đường. Đi khám biết Mơ bị bệnh vậy rồi mà người ta vẫn đưa sang đây. Sang làm một thời gian Mơ bị sốt, nằm mê man. Chủ gọi dậy làm. Mơ cố làm. Rồi ngất xỉu trong phòng bếp. Chủ đưa Mơ đi khám. Bác sĩ bảo Mơ bình thường. Chủ cho rằng Mơ bày trò, Mơ giả vờ nên trả cô về văn phòng môi giới. Về văn phòng Mơ thường xuyên bị đánh. Mơ xin về nước nhưng chủ văn phòng ra yêu cầu trong năm ngày gia đình phải nộp đủ đền bù. Không cho Mơ dùng điện thoại liên lạc về nhà nhưng lại yêu cầu như thế. Đêm đó tôi ngủ với Mơ. Mơ ọe suốt đêm. Khi ăn cơm cô cũng ọe, chỉ ăn được mấy thìa cơm rồi uống cốc nước trắng. Sau này tôi nhờ được bạn ở bên này vừa về Việt Nam gọi cho em gái Mơ để gia đình đưa cô về chữa bệnh.

Từ văn phòng môi giới ở Riyadh tôi lại được chuyển đến văn phòng môi giới ở Malina. 

Tại văn phòng này chúng tôi được ăn no, có cà phê pha sẵn, có mạng dùng. Và không bị tịch thu điện thoại, tịch thu tiền như bên văn phòng kia.

Nhưng nỗi kinh hoàng cho chị em là hầu hết bị chủ văn phòng hiếp.

Người đầu tiên tôi chứng kiến khi đến là Xuyên người Hà Tĩnh. Xuyên nhỏ người, nhanh nhẹn. Chủ văn phòng gọi Xuyên xuống và đóng cửa lại. Xuyên vùng vẫy. Hắn bóp cổ, véo tai, đánh vào ngực, vào lưng Xuyên. Xuyên chạy về phòng nằm khóc, không ăn được gì. Đến đầu giờ chiều Xuyên nôn mửa. Tôi cho Xuyên uống thuốc giảm đau, xoa bóp cho Xuyên. Hai dái tai của Xuyên bị giật mạnh vẫn còn đỏ ứng. Tôi chụp bức ảnh Xuyên gửi cho phiên dịch tố cáo hành vi hãm hiếp của ông chủ văn phòng.

Tôi được đưa đi làm chủ mới tại thành phố Tabuk cách Riyadh 20 tiếng đồng hồ chạy xe khách. Trước khi đi chủ văn phòng tiếp tục đe dọa tôi. Lúc này tôi không còn tư tưởng làm việc nữa. Chứng kiến chị em bị các chủ văn phòng đánh đập, hãm hiếp vậy mọi hăng hái làm việc từ khi mới đến không còn nữa. Tôi đến nhà chủ mới để hy vọng có mạng để gọi về tố cáo tội ác của chúng cho công ty môi giới bên Việt Nam. 

Tôi gọi về công ty bên Việt Nam, nói thế nào cũng không ai tin chuyện mình bị đánh. Tôi chỉ hy vọng vào việc báo lên đại sứ quán Việt Nam. 

Tôi kiếm cớ gây sự để được nhà chủ trả về, để đi đến sứ quán Việt Nam viết bản tường trình về việc mình bị đánh, và tình hình chị em bị ngược đãi ở các văn phòng. Phải làm được việc đó tôi mới chú tâm được vào công việc. Làm việc được hai tháng, chủ nhà trả lương tôi một tháng. Tôi đòi nhưng không được. Chủ nhà chấp nhận cho tôi về. Tôi đang lơ ngơ ở bến xe Haij cách thủ đô Riyadh 600 km thì bị cảnh sát bắt về đưa vào trại tị nạn.

Năm người đàn ông cầm gậy bắt tôi cởi quần áo để khám người. Tôi không chịu cởi. Năm người cầm ống dẫn nước bằng cao su màu xanh to bằng ngón chân quất tới tấp vào người tôi. Tôi nằm vật ra sàn nhà và họ cứ thế đánh. Một người Việt Nam lao vào ngăn cản cũng bị đánh. Một người phụ nữ Marốc che cho người bạn đó chụp ảnh những vết thâm tím trên cơ thể để sau này tôi gửi đơn kiện lên công ty. 

Đến khi tôi mê man, nửa người thâm tím chúng tiếp tục đi giày da dẫm lên năm đầu ngón chân. 

Tôi tiếp tục về ở văn phòng môi giới Riyadh. Và dưới đây là chuyện cuối cùng xảy ra ở văn phòng môi giới tôi chứng kiến trước khi về Việt Nam.

Người lao động tại một văn phòng môi giới ở Ả Rập Xê Út sau khi bị chủ hành hạ và trả về. 
Người lao động tại một văn phòng môi giới ở Ả Rập Xê Út sau khi bị chủ hành hạ và trả về. 

Phòng chúng tôi có Xong dân tộc Mông. Xong nói tiếng Kinh chưa rõ. Buổi chiều ăn cơm xong thì Xong lên cơn sốt co giật, chân tay mồm mép co rúm. Tôi bấm huyệt cho Xong, Thục xoa bóp. Năm cô bạn người Nigieria thấy Xong vậy thì kéo sang. Họ bảo chúng tôi gọi cho ông chủ văn phòng đưa Xong đi bệnh viện truyền nước. Chúng tôi đã từng làm thế nhưng kết quả là ông ta lên tát Xong. Năm bạn đập cửa ầm ầm cho người dưới tầng một lên. Chủ văn phòng lên, lao vào tát vào thái dương Xong. Yêu cầu Xong đứng lên. Xong chân tay run lẩy bẩy không đứng dậy được. Tên cao tiếp tục tát.

Chứng kiến cảnh đó năm cô Angieri chỉ vào mặt tên chủ và hét to. Ông chủ không tốt với người Việt Nam bị ốm. Miệng nói và họ tiến sát vào người ông chủ. Ông ta lùi ra, định khóa cửa lại nhưng năm cô bạn giằng lại không khóa được. Một bạn gỡ miếng gạch hoa cầm lên tay, một bạn bẻ cán chổi, một bạn vác nồi ra. Họ chiến đấu với tên chủ từ trên tầng hai xuống tầng một. Họ hò hét ông chủ không tốt, ông chủ không tốt với người Việt Nam. Tôi nói với Xong, họ đang bảo vệ chúng mình đấy. Cùng là lao động nhưng lao động Nigieria không bị đánh, còn chúng tôi họ đánh không thương tiếc.

9/4/2018 tôi về được Việt Nam sau khi người nhà đã nộp tiền đền bù về trước hợp đông. Kết thúc chuyến đi dài bảy tháng ở đất nước Ả rập. Về quê một tháng rồi tôi chưa bình tĩnh lại được. 

(Các nhân vật nói trong bài viết chị Đào đều có địa chỉ, có hai nhân vật tác giả đổi tên).

Phan Thúy Hà (ghi theo lời kể chị Đào)

Người giúp việc nhập cư từ bỏ Hong Kong vì lo bất ổn

Người giúp việc nhập cư từ bỏ Hong Kong vì lo bất ổn

Tình hình ở Hong Kong 4 tháng qua đã khiến cuộc sống hơn 398.000 người giúp việc nước ngoài tại đây bị ảnh hưởng.