Một nghiên cứu trên tạp chí Nature Metabolism mới đây đã hé lộ chiến lược “trốn tránh” tinh vi của tế bào ung thư trước các loại thuốc hóa trị - một phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất hiện nay, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển các liệu pháp điều trị hiệu quả hơn.
Tập trung vào cơ chế sinh tồn của tế bào ung thư trong điều kiện thiếu hụt glucose – nguồn năng lượng chính của chúng, các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Langone và Trung tâm Ung thư Perlmutter, Đại học New York, đã phát hiện hai chiến lược chính mà các tế bào ung thư sử dụng để chống lại các loại thuốc hóa trị, cụ thể hơn là nhóm các thuốc chống chuyển hóa.
Ba loại thuốc chống chuyển hóa được sử dụng trong nghiên cứu này là Raltitrexed, PALA và Brequinar. Các thuốc chống chuyển hóa hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình tổng hợp pyrimidine – thành phần quan trọng cấu tạo nên DNA và RNA, là "nguyên liệu" thiết yếu cho sự tăng trưởng và phân chia tế bào ung thư.
Chiến lược thứ nhất liên quan đến việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Bằng cách điều chỉnh quá trình trao đổi chất của chính nó, kiếm tìm và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, các tế bào ung thư đã có thể tồn tại ngay cả khi thiếu hụt glucose và bị chặn đường tổng hợp pyrimidine. Đây là lý do một số bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hóa trị, dù thuốc đã ngăn chặn được nguồn năng lượng chính của các tế bào ung thư.
Chiến lược thứ hai liên quan đến khả năng thích ứng phi thường của tế bào ung thư trong môi trường thiếu đường. Thay vì chết dần do thiếu glucose, nghiên cứu mới đã cho thấy các tế bào ung thư đã có khả năng chuyển đổi sang nguồn năng lượng khác để sống sót và tiếp tục phát triển. Chính khả năng này khiến các tế bào ung thư trở nên khó tiêu diệt một cách hoàn toàn.
Nghiên cứu này mang lại những hiểu biết sâu sắc về cơ chế sinh tồn của tế bào ung thư, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn tại sao một số phương pháp điều trị ung thư lại không hiệu quả. Việc hiểu rõ chiến lược này sẽ mở đường cho việc phát triển các liệu pháp điều trị kết hợp, nhắm mục tiêu vào nhiều con đường trao đổi chất khác nhau, nhằm tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu khả năng kháng thuốc của tế bào ung thư.
Nghiên cứu hé lộ một chế độ ăn làm chậm tiến trình của chứng ung thư khó chữa
Sau một năm tham gia nghiên cứu, không bệnh nhân nào có bệnh tiến triển.