Phát hiện ký sinh trùng nguy hiểm “đội lốt” tế bào người để né hệ miễn dịch

Các nhà khoa học mới đây đã vén màn cơ chế sinh tồn đặc biệt của một loại ký sinh trùng nguy hiểm có khả năng “ẩn mình” dưới lớp vỏ tế bào người nhằm qua mặt hệ miễn dịch.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ), dưới sự dẫn dắt của Giáo sư vi sinh học Katherine Ralston, vừa công bố phát hiện mang tính đột phá về loài ký sinh trùng đơn bào có tên khoa học “Entamoeba histolytica”. Loài sinh vật này hiện đang làm ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người mỗi năm và là nguyên nhân dẫn đến khoảng 70.000 ca tử vong trên toàn cầu.

Điểm đáng chú ý của nghiên cứu là việc Entamoeba histolytica có khả năng tiêu diệt tế bào người, sau đó sử dụng chính những phần còn lại của tế bào bị tiêu diệt để ngụy trang, “ẩn thân” khỏi hệ miễn dịch.

Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn.
Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn.

Theo các nhà khoa học, ký sinh trùng này lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa khi con người tiêu thụ thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm. Mặc dù phần lớn các ca nhiễm chỉ dẫn đến triệu chứng tiêu chảy, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, ký sinh trùng có thể tấn công ruột già, hóa lỏng gan và lan sang cả não, phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khác với giả thuyết trước đây cho rằng ký sinh trùng tiết độc tố để tiêu diệt tế bào, nhóm của Giáo sư Ralston phát hiện rằng chúng thực hiện hành vi “cắn xé” tế bào từng phần thông qua một cơ chế sinh học gọi là trogocytosis, quá trình trong đó tế bào này lấy đi một phần màng tế bào hoặc phân tử từ tế bào khác bằng cách tiếp xúc trực tiếp.

Sau khi tiếp nhận các phần của tế bào người, ký sinh trùng dùng chính lớp màng này như một “áo khoác tàng hình” để né tránh sự phát hiện và tấn công từ hệ miễn dịch. Đây là một chiến lược sinh tồn tinh vi chưa từng được ghi nhận ở loài này.

Để hiểu sâu hơn về cơ chế này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một “thư viện RNAi” cho phép phân tích chức năng của từng gen trong tổng số 8.734 gen đã biết của loài ký sinh trùng. Với sự hỗ trợ của công nghệ chỉnh sửa gen hiện đại, các nhà khoa học có thể gắn chất phát huỳnh quang vào các protein nội bào, từ đó theo dõi hành vi và cơ chế hoạt động của ký sinh trùng một cách chính xác.

Phát hiện này không chỉ mở ra hướng nghiên cứu mới về cơ chế né tránh hệ miễn dịch của ký sinh trùng, mà còn mang lại hy vọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn đối với căn bệnh nguy hiểm do Entamoeba histolytica gây ra.

TM (theo Newsweek)

NASA phát hiện 26 loài vi khuẩn hoàn toàn mới trong phòng sạch vô trùng

NASA phát hiện 26 loài vi khuẩn hoàn toàn mới trong phòng sạch vô trùng

Dù được thiết kế để đảm bảo mức vô trùng gần như tuyệt đối, "phòng sạch" của NASA – nơi chuẩn bị cho các sứ mệnh không gian – vẫn là nơi trú ẩn của những sinh vật “cứng đầu”.