Nhiều cha mẹ thường ít chú trọng đến ý thức an toàn và dạy con kỹ năng tự cứu mình trong trường hợp khẩn cấp, trong khi đây thực sự là điều đáng lưu ý.
Mới đây, một câu chuyện về bé gái đi lạc ở Chiết Giang (Trung Quốc) nhận được nhiều sự chú ý. Theo đó, vào khoảng 9 giờ tối, một bé gái 8 tuổi theo ông nội về nhà sau giờ học khiêu vũ. Khi đi 1 đoạn xa, cô bé quay lại thì ông đã biến mất.
Cô bé sững sờ, đôi mắt mở to, tim như muốn nhảy tung trong lồng ngực. Ở nơi xa lạ, xung quanh là những người không quen biết, em không khỏi sợ hãi. Tuy nhiên, cô bé này rất thông minh. Thay vì hoảng loạn gào khóc, em lấy lại bình tĩnh, trong đầu nảy ra 1 ý tưởng. Không chần chừ, em ghé vào cây ATM bên đường.
Cô bé vừa bước vào, nhìn xung quanh, tìm thấy nút khẩn cấp màu đỏ. Em đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra và ấn vào nó một tiếng "pop".
Báo động này đã thu hút sự chú ý của Chu Đông Anh, người đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm giám sát chung của hệ thống ngân hàng. Tiếng khóc của cô bé vang lên từ bộ đàm: "Cô chú ơi, ông nội và cháu bị lạc rồi". Chu Đông Anh nghe thấy lời này, tim đập thình thịch, vội vàng an ủi cô bé: "Con ơi đừng sợ. Chú sẽ giúp con!".
Nhưng rắc rối là cô bé không thể nói ra số điện thoại hay số nhà cụ thể. Chu Đông Anh vội vàng gọi cảnh sát, sau đó không ngừng nói chuyện, dỗ dành cô bé đừng sợ.
Lúc này, người ông đang ở cổng trường, tìm quanh, lo lắng vô cùng. May mắn là một lúc sau, cảnh sát cũng tìm ra được ông. Ông cháu gặp nhau, nước mắt tuôn rơi.
Khi câu chuyện được chia sẻ, ai nấy đều khen ngợi cô bé này. Đối mặt với một tình huống khó khăn như vậy mà em có thể giữ bình tĩnh và nghĩ ra cách tự cứu mình.
Ngoài ra, nút trợ giúp khẩn cấp của ngân hàng thực sự rất hữu ích. Nhiều người đề xuất, những nơi như trung tâm mua sắm, công viên, ga tàu phải có biển báo rõ ràng để ai đó biết cách gọi trợ giúp nếu gặp nguy hiểm. Hơn nữa, những thiết bị này phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cẩn thận hơn. Khi đưa con đi chơi, đừng rời mắt khỏi chúng. Đừng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn chỉ trong chốc lát. Đôi khi, trong tích tắc, điều gì đó nghiêm trọng có thể xảy ra.
Bố mẹ cần làm gì để dạy con các kỹ năng an toàn khi ra ngoài?
Những đứa trẻ thường được bố mẹ bao bọc nhưng khi không có ai xung quanh, các em cần có khả năng tự lực nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh chủ quan không lường trước được những tình huống bất ngờ xảy ra, không dạy con trước một số kỹ năng nên lúc nguy cấp thực sự trẻ không biết cách xử lý như thế nào cho hợp lý.
1. Để trẻ ghi nhớ một số thông tin cần thiết
Sau khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ có thể học được rất nhiều điều và ghi nhớ tốt. Lúc này, bạn có thể dạy trẻ một số thông tin về gia đình như tên, số điện thoại di động của bố mẹ, địa chỉ nhà. Biết đâu một ngày nào đó, con cái có thể sử dụng những thông tin quan trọng này để nhờ người khác giúp liên hệ với gia đình.
Tuy nhiên, vì trí nhớ của trẻ nhỏ chưa được tốt nên bạn hãy cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình. Dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho người lớn để liên lạc gọi ba mẹ đến đón trẻ sớm. Ở nhà, bố mẹ có thể cùng con tập đi tập lại các tình huống giả định để giúp cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Hoặc có thể tranh thủ những lúc đi đến nơi công cộng để "ôn bài" phòng lúc cần dùng đến con lại không nhớ.
2. Xác định người an toàn để xin giúp đỡ
Bố mẹ hãy dạy cho con biết những ai là người an toàn, có thể tin cậy nhờ giúp đỡ. Nếu con đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên thì nên tìm đến những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đi cùng hoặc những nhân viên mặc đồng phục.
Nếu ở ngoài đường phố, con có thể tìm đến các chú công an hoặc ghé vào nhà dân, một cơ quan ngay gần đó như ủy ban, ngân hàng để nhờ liên lạc với gia đình. Bố mẹ hãy dặn con tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không cho người lạ đụng chạm vào cơ thể. Con phải tránh xa các đối tượng tỏ vẻ tốt bụng quá mức như cho tiền, cho quà bánh hoặc đồ chơi để dụ dỗ đi cùng.
3. Lập mật mã gia đình
Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?". Bạn nên lập ra một câu có vai trò như mật khẩu dùng trong các tình huống khẩn cấp. Sử dụng cụm từ ít ai nghĩ tới sẽ gây khó khăn cho người lạ có thể đoán ra.
Dạy con tiếng Anh nghiêm túc vẫn thất bại, nữ Tiến sĩ "đổi hướng", chỉ dành ngày 1 giờ mà con tiến bộ vượt bậc
Con của nữ Tiến sĩ học tiếng Anh khá muộn, khi đã lên lớp 3.