LTS: Rocker, nhà báo Xuân Thi tên thật là Phạm Hữu Xuân Thi, qua đời lúc 20h50 ngày 18-7, hưởng dương 40 tuổi.
Phạm Hữu Xuân Thi - Ảnh: Tiệp Nguyễn |
Thế hệ 8X, nhất là giới hâm mộ nhạc Rock Hà Nội, vẫn nhớ Thi với cương vị là giọng ca chính của Small Fire. Lúc đó, Small Fire được xếp vào hàng những người tiếp bước Bức Tường. Nói không quá rằng, Small Fire - trong đó có sự hiển diện của Thi - đã đóng góp không nhỏ vào dòng chảy Rock một thời Hà Nội, bằng thứ Nu-Metal riêng biệt. Small Fire từng phát hành album Ngược dòng vào năm 2005. Âm nhạc, như Thi từng nói “là một niềm vui”, “Chúng ta thường có những khoảng thời gian tuyệt vời nhất để chơi nhạc và lắng nghe nhau”.
Với nghề báo, Thi cân bằng được giữa sự kỹ lưỡng của nghề và cái guồng quay tin tức thời view là trên hết. Thi để tâm và hiểu nhân vật, theo dõi nhân vật trên cả chặng đường, cộng với chuyên môn và tích lũy vốn âm nhạc khá, bài viết của anh luôn đáng đọc.
Học sinh chuyên Toán, học ĐH khoa Sử, đi hát Rock rồi làm báo, Xuân Thi đa tài, nhưng không phải kiểu đứng giữa đám đông tỏa sáng rực rỡ. Anh làm việc âm thầm, quan sát mọi thứ, đúc kết theo kiểu của riêng mình.
Ngoài Rock và viết báo, Xuân Thi cũng là một người đọc nhiều và tâm huyết với sách. Đôi lần, Thi bày tỏ sự bực bội khi một cuốn sách đứng tên một dịch giả nổi tiếng hiệu đính, nhưng bản dịch lại ngô nghê cẩu thả. Chẳng ai bắt, nhưng Thi tự cho mình cái trách nhiệm nhắn tin cho những người thực hiện cuốn sách đó.
Thi đã có gần 40 năm sống và đủ đam mê, đủ ghi dấu ấn, như cách anh đã muốn. “Nhưng cuộc đời, nếu nghĩ về khái niệm đó như một đối tượng có bàn tay và có khả năng sắp đặt, chẳng thể chiều ý hết từng ấy con người trên trái đất này. Từ khi con người biết suy nghĩ tới ngay lúc này, con người vẫn cứ vật vã với chính điều ấy thôi”.
Thế nên, Thi ra đi bất ngờ, bởi vì cuộc đời không chiều ý hết tất cả.
Chào Thi, như chào một phần tuổi trẻ đã qua trong đời
PNM xin đăng lại một bài cảm nhận về sách Xuân Thi viết với bút danh Độc Cầm. Bài viết được Độc Cầm viết trong những ngày giãn cách của đợt cao điểm chống dịch Covid 2021.
*******
Khoảng 60 ngày ở nhà tôi đã đọc được đáng kể.
Sau gần 20 năm, tôi lại đọc Anh em nhà Karamazov. Dostoevsky vẫn thật kỳ lạ và bản dịch của Phạm Mạnh Hùng vẫn thật hoàn hảo. Thứ ngôn ngữ tiếng Việt thuần khiết đó lại truyền tỉa một cách đầy thuyết phục tâm hồn Nga sâu thẳm. Tôi lại sống lại những “cơn sốt nóng” của đám người trong tác phẩm của Dos, những cuộc chiến đấu vô hình, vô thanh nhưng tàn khốc trong tâm hồn con người.
Sau 20 năm, đọc Dos sẽ khác. Bạn thấy con người không thay đổi. Con người vẫn chỉ có từng đó những bi kịch và sự phấn khích chỉ là những hoàn cảnh hay tôi nghĩ giống như phông bạt làm nền cho chúng thay đổi. Con người vẫn từng ấy những sân si. Có đáng buồn? Nếu buồn bạn đã rời xa con người mất rồi.
Ảnh: Độc Cầm |
Có lẽ sau đây tôi sẽ đọc lại Gã khờ hoặc Lũ người quỷ ám, nếu còn kịp.
Tôi đã đọc liền ba tác phẩm của José Saramago: Mù lòa, Mọi cái tên và Hang động. Xuất sắc! Chẳng thể nói gì hơn. Ở đời, sợ nhất là nghe một giai điệu đoán được bài hát sẽ ra sao, đọc vài trang một cuốn sách có thể biết cách kết thế nào. Phim ảnh thì càng dễ gặp hơn, xem vài scene hình là đoán luôn được kịch bản. Vì điều đó giết chết sự thích thú. Nhưng bạn càng lao vào nghe, kiên trì đọc và cuốn theo xem bạn sẽ càng thường xuyên gặp phải cái tình huống “giết chết sự thích thú” đó.
Nói vậy để thấy rằng được đọc một cụm tác phẩm như bộ ba của José Saramago đáng giá thế nào. Bởi nó kích thích cao độ sự thích thú. Chủ đề tác phẩm không mới nhưng Saramago tài tình ở cái khả năng dẫn dắt một câu chuyện cuốn hút đến khó tin dù nhân vật chính luôn là người quá đỗi bình thường. Lối viết của ông có phần giống Thomas Bernhard, sách là những khối chữ dài (nhưng chưa đến nỗi liền một khối khổng lồ như Bernhard) đan xen mô tả, tự thoại và hội thoại. Nhìn có vẻ “nhiều chữ” nhưng đọc tác phẩm của Saramago giống như dùng chiếc chổi từ tốn quét từng lớp bụi rồi tiếp theo là chiếc bóng thổi bụi nhẹ nhàng làm sách rồi hà hơi lên món đồ để dùng chiếc khăn sạch sẽ, mềm mại nhẹ nhàng làm bóng lên, để cuối cùng lộ ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ ẩn sau vẻ ngoài xù xì.
Thật sự tình cờ khi Mù lòa có gì đó tương đồng với cái hiện trạng ảm đạm của những ngày dịch bệnh. Sự vô phương của con người, cái nghịch lý sững sờ của bi kịch sáng mắt giữa một thế giới toàn người mù và cuối cùng là sự trở lại những tận cùng bản năng kinh tởm trong một thế giới mù. Tất cả được mô tả trần trụi đến mức chân thực!
Mọi cái tên và Hang động khiến tôi nghĩ nhiều tới câu “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”. Một người công chức sống 50 tuổi tẻ nhạt tới ông thợ gốm 64 tuổi chỉ biết làm ra những sản phẩm không thay đổi từ đời ông mình tới mình. Họ đều quá đỗi tầm thường, quá đỗi nhạt nhẽo, nhỏ bé và cô độc. Ông thợ gốm Algor thực ra không cô độc, ông có vợ chồng người con gái yêu thương mình, có con chó Adacho yêu thương mình và người góa phụ yêu thương mình. Đời một con người, có cần nhiều hơn từng đó kẻ yêu thương? Nhưng ông vẫn cô đơn. Sự cô đơn của ông như một cái ngã năm ngã bảy mà mỗi nguồn cơn là một con đường dẫn tới. Một câu tôi nghĩ hay nhất trong Hang động: Không có gì buồn bã bằng, không gì buồn một cách thảm hại hơn là cảnh một ông già đang khóc”.
Người công chức tại trung tâm lưu trữ dữ liệu cá nhân trong Mọi cái tên lại là một sự cô đơn khác. Nỗi cô đơn của anh thực sự là của kẻ cô độc. Anh sống một mình, làm việc trong một hệ thống nhưng như là một mình, những niềm vui cũng một mình. Anh một mình đi tìm một con người vô danh trong một hành trình mà đích đến cuối cùng là sự vô nghĩa hoàn toàn. Một cuộc đời thế đáng sống không? Tôi tin là nhiều người sẽ chọn câu trả lời “Không”. Nhưng thực tế tôi cũng tin rằng nhiều người đang sống như vậy. Họ có muốn thế không? Không! Chẳng ai muốn cô đơn cả. Cuộc đời - nếu nghĩ về khái niệm đó như một đối tượng có bàn tay và khả năng sắp đặt - chẳng thể chiều ý hết từng con người trên trái đất này. Từ khi con người biết suy nghĩ tới ngay lúc này, con người vẫn cứ vật vã với chính điều đó đấy thôi. Vì sao tôi cô đơn? Điều đó không đúng nhưng vì sao tôi vẫn tồn tại và cô đơn? Su thẳm con người có lẽ sẽ mãi mãi không thể trả lời được những câu hỏi đó bởi “công bằng là không có trong từ điển của cuộc đời”.
Đọc ba tác phẩm của Saramago tôi nghĩ tới những bộ phim của các nước châu Âu hay Nam Mỹ. Những bộ phim về những đề tài bình thường, tiết tấu chậm rãi, tông màu nhàn nhạt đời thường, diễn viên như những người bạn gặp hằng ngày trên ngã tư khi chờ đèn đỏ. Rất nhiều, tôi chẳng nhớ tên nhưng có cả cái kênh riêng cho loại phim như thế. Phim được định danh “tâm lý xã hội”. Rất hay, cái danh xưng đó đúng thật. Tâm lý của xã hội chính là tâm lý của những con người bình thường tạo nên xã hội. Họ rất bình thường nhưng họ tạo nên xã hội. Nếu toàn titan chắc chẳng có được xã hội.
Một lần nữa mừng rỡ vì bập vào những bản dịch tốt. Có lẽ tôi sẽ đọc lại Chùm nho phẫn nộ của Steinbeck, bản dịch của Phạm Văn là Tao Đàn mới in năm ngoái.
Tôi cũng đọc xong bộ đôi của W.G.Sebald: Austerlitz và Chóng mặt. Trước đó hai năm là Ký ức lạc loài. Tôi hoàn toàn bị truyền cảm hứng viết trở lại bởi Sebald. Sự chậm rãi nhưng bồi đắp những tầng lớp dày cộp của kiến thức, thông tin, của vùng đất, con người, lịch sử, địa lý trong thứ văn chương nửa thực nửa hư của ông khiến tôi bị mê hoặc. Mỗi tác phẩm của Sebald không quá dày nhưng chúng hàm chứa những đúc rút và tôi tin là cả ghi chép cực kỳ lớn trong khoảng thời gian không thể ngắn để cuối cùng lắp ghép chúng lại thành một… nhân vật. Tôi nghĩ rằng tầm vóc của một người viết chính là tầm nhìn. Nhà văn lớn chính là có một tầm nhìn rộng và xa. Ở Sebald, tầm nhìn đó gắn trực tiếp với những bức ảnh mà ông nhẹ nhàng rải chúng dọc theo những cuốn sách của mình một cách tự nhiên nhưng lại đầy ngụ ý. Những bức ảnh có chất lượng tầm thường, và nội dung cũng không lấy gì làm đặc biệt. Nhưng đọc văn Sebald có cảm giác như ông đã ngồi ngắm nhìn từng bức ảnh đó rất kỹ. Có thể ban đầu chúng đến với ông rồi gợi hứng cho ông trong một khoảnh khắc. Nhưng để đi tiếp tiến trình từ ảnh tới câu chữ chắc chắn là quá trình dài của sự ngắm nhìn và suy tưởng, lựa chọn trong những ngăn tủ dữ liệu mình đã lưu lại dữ liệu nào phù hợp để tạo nên một câu chuyện vừa như là thực mà lại có thể (có thể thôi nhé) hoàn toàn là hư.
Sebald đã khiến tôi muốn viết, nghĩ lại về việc viết và quyết định thử lại việc cầm bút lên (với đúng nghĩa đen của hình ảnh đó). Tôi không tin làm ra được cái gì ra hồn. Nhưng ít nhất phải viết.
Còn nữa, tôi còn đọc và nghe đáng kể trong thời gian ở nhà.
Tôi thích một câu khác của Saramago: “Chỉ ở nhà mới đạt đến và duy trì được một cách hoàn mỹ ý niệm về bản thân”.
Lễ viếng Phạm Hữu Xuân Thi được cử hành vào 8h ngày 21-7 tại nhà tang lễ Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ truy điệu và tiễn đưa diễn ra vào hồi 9h cùng ngày. Linh cữu hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội).
“Tủ sách xanh cho em”: nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em đất mỏ
Tham dự lễ bàn giao có đại diện các đơn vị và đại diện nhà tài trợ, nhà đồng hành và các thành viên của dự án.