Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là tài sản vô hình giá trị mà còn là công cụ chiến lược giúp khẳng định vị thế, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc nhận thức và quản trị SHTT vẫn là thách thức lớn đối với nhiều startup, đòi hỏi những giải pháp đột phá và sự đồng hành từ cả hệ thống chính sách lẫn cộng đồng khởi nghiệp.
Sở hữu trí tuệ – Tài sản chiến lược của startup
Khác với các doanh nghiệp truyền thống, startup thường hoạt động trong các lĩnh vực mang tính đột phá cao như công nghệ, sinh học, hoặc trí tuệ nhân tạo. Những sáng kiến và ý tưởng đổi mới này chính là nguồn gốc tạo nên giá trị cho startup. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, các tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, và bí mật kinh doanh dễ bị xâm phạm hoặc sao chép nếu không được bảo hộ đầy đủ.
SHTT không chỉ là lá chắn pháp lý bảo vệ ý tưởng khỏi hành vi xâm phạm mà còn là công cụ để thương mại hóa, tạo ra giá trị kinh tế. Theo ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp, “Quản trị SHTT không chỉ đơn thuần là đăng ký bảo hộ mà còn bao gồm quá trình nhận diện, đánh giá, bảo vệ, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ.” Một chiến lược SHTT bài bản giúp các startup không chỉ bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn tận dụng chúng như đòn bẩy để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu.
Bà Lê Thị Khánh Vân Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp. Ảnh: Hoàng Toàn |
Một ví dụ điển hình là câu chuyện của ThS Trần Thị Hương Giang, người sáng lập Genatech. Trước đây, chị từng xem nhẹ việc bảo hộ thương hiệu khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tham gia các khóa đào tạo về SHTT, chị đã thay đổi tư duy, xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu một cách bài bản. Chính sự chuyển đổi này đã giúp Genatech tạo dựng vị thế trên thị trường, với doanh thu tăng trưởng vượt bậc.
Dù SHTT mang lại nhiều lợi ích chiến lược, nhưng việc quản trị hiệu quả lại không hề dễ dàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập. Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt kiến thức về SHTT. Nhiều nhà sáng lập chưa hiểu rõ về các loại hình bảo hộ SHTT, quy trình đăng ký, hoặc cách khai thác thương mại tài sản trí tuệ. Điều này dẫn đến tình trạng bị mất cơ hội bảo vệ ý tưởng hoặc vô tình vi phạm quyền sở hữu của đối thủ.
Ngoài ra, nguồn lực hạn chế cũng là bài toán khó. Việc đăng ký bảo hộ SHTT thường đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài – những yếu tố mà startup thường không có đủ. Đồng thời, các rủi ro vi phạm SHTT hoặc tranh chấp pháp lý cũng có thể gây thiệt hại nặng nề đến uy tín và tài chính của doanh nghiệp.
SHTT – Đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Để giúp các startup vượt qua thách thức trong quản trị SHTT, sự hỗ trợ từ chính sách và cộng đồng khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng. Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình tư vấn, đào tạo và hỗ trợ pháp lý, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các nhà sáng tạo trẻ.
TS. Nguyễn Thị Ngoan giới thiệu các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học của mình đã được cấp bằng sáng chế. Ảnh: Hoàng Toàn |
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Việt Nam là một trong những ví dụ tiêu biểu. Thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo và triển lãm, chương trình này đã giúp nâng cao nhận thức về SHTT, cung cấp công cụ và giải pháp để doanh nghiệp bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực SHTT cho các doanh nghiệp. Các khóa đào tạo và tài liệu chuyên sâu của WIPO không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược SHTT phù hợp với đặc thù từng ngành nghề.
Các khóa đào tạo của WIPO thu hút được sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Hoàng Toàn |
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài sản trí tuệ, SHTT còn là động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khi các startup nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ SHTT, họ sẽ có động lực đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển. Việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ như cấp phép, nhượng quyền thương mại, hay chuyển giao công nghệ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, SHTT còn giúp các doanh nghiệp xây dựng uy tín trên thị trường toàn cầu. Những sáng chế và thương hiệu được bảo hộ không chỉ nâng cao giá trị doanh nghiệp mà còn tạo dựng lòng tin với khách hàng và nhà đầu tư. Quản trị SHTT không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hơn bao giờ hết, SHTT chính là chìa khóa để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiện thực hóa khát vọng chinh phục thị trường và tạo nên những giá trị đột phá.
-----
"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì".
Nghiên cứu và phát triển cây trồng thông qua bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trong trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển giống cây trồng.