Đánh giá việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT đã có nhiều cải thiện, đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết.

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT đã có nhiều cải thiện, đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết.

Kết quả đáng ghi nhận

Thứ nhất, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng và cải thiện khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019 và 2022 đã cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ đã bao quát các quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, đáp ứng các cam kết quốc tế và tình hình thực tế trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA và ký kết các hiệp định thương mại tự do khác đã nâng cao tiêu chuẩn và cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng đã tham gia vào các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ đó giúp chúng ta cập nhật các xu hướng và tiêu chuẩn quốc tế. 

Ảnh minh họa: Thời báo Ngân hàng
Ảnh minh họa: Thời báo Ngân hàng

Thứ hai, tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chuyên trách về sở hữu trí tuệ được củng cố về mặt tổ chức và nhân sự. Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chịu trách nhiệm Quản lý đăng ký, cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu, và kiểu dáng công nghiệp. Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chịu trách nhiệm Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm Kiểm soát hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới. Đồng thời, các lực lượng chức năng như Công an kinh tế, Hải quan, và Quản lý Thị trường đã thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Hoạt động của các cơ quan này giúp cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được thực thi có hiệu quả, các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù đã đạt được nhiều kết qủa đáng ghi nhận nhưng việc thực thi quyền sỏ hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại cần giải quyết để thật sự đạt được hiệu quả.

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam như sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong các lĩnh vực thời trang, dược phẩm, điện tử. Bên cạnh đó, sao chép phần mềm bất hợp pháp vẫn là vấn đề lớn dù có nhiều nỗ lực nâng cao nhận thức và thực thi luật.

Mặc dù đã có những cải thiện, mức độ nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trong cộng đồng và doanh nghiệp vẫn còn thấp. Người dân còn thiếu hiểu biết và ý thứ về sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái khá phổ biến. Không chỉ người dân, nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với viêc thực thi xã hội cũng còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, dẫn đến dễ bị xâm phạm.

Việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự hiệu quả do thiếu hụt về nguồn lực và kỹ năng chuyên môn trong các cơ quan chức năng. Thủ tục pháp lý và hành chính phức tạp và kéo dài làm giảm hiệu quả bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu sở hữu trí tuệ. Hệ thống cơ quan thực thi quyền sỏe hữu trí tuệ, đặc biệt là hệ thống các cơ quan xử lý hành chính tại Việt Nam tương đối cồng kềnh, phức tạp và chồng chéo về chức năng, trong khi đó chúng ta chưa có đầu mối điều phối, hướng dẫn việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả.

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet

Bên cạnh đó, nguồn tài chính và công nghệ phục vụ cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn cũng còn hạn chế. Các cơ quan thực thi thường thiếu nguồn lực tài chính và công nghệ để giám sát và xử lý các vụ vi phạm. Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của hoạt động mại điện tử, giải trí dựa trên nền tảng kỹ thuật dẫn đến các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp đòi hỏi nguồn tài chính và công nghệ của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải thật mạnh mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thị trường và kinh tế ngầm, nơi mà các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến cũng là một thách thức lớn đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Cần nhiều giải pháp

Để đáp ứng yêu cầu, thách thức trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục cụ thể chủ trương, chính sách, pháp luật bằng những giải pháp cụ thể, hữu hiệu và phù hợp với tình hình thực tiễn

Thứ nhất, cần tăng cường nguồn lực, kỹ năng, và kinh phí cho các cơ quan chức năng để giám sát và xử lý hiệu quả hơn các vụ vi phạm. Đầu tư vào việc nâng cao năng lực và kỹ năng chuyên môn cho các cơ quan thực thi, cải thiện quy trình xử lý vi phạm để đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền và đào tạo để nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục cải tiến luật pháp để tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và dễ dàng thực thi.

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các tổ chức và đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và phối hợp trong việc xử lý các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ xuyên biên giới

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế và khắc phục các hạn chế tài chính và công nghệ, Việt Nam có thể bảo vệ và thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế một cách bền vững.

----------

Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì.

PV

Đóng góp của Hội Nữ trí thức Việt Nam vào việc tạo lập và bảo vệ sở hữu trí tuệ

Đóng góp của Hội Nữ trí thức Việt Nam vào việc tạo lập và bảo vệ sở hữu trí tuệ

Ngay từ khi thành lập, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã quan tâm đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.