Trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam được coi là một trường hợp đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm và coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đó, nữ giới đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bài báo này nêu bật vai trò của nữ giới cũng như sự cần thiết của việc tăng cường vai trò của họ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài báo cũng làm rõ những rào cản đang kìm hãm sự tham gia của nữ giới vào quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam được coi là một trường hợp đáng quan ngại |
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những vấn đề mang tính cấp bách, tác động tới tất cả các tầng lớp trong xã hội và vượt qua mọi biên giới quốc gia. Ứng phó với BĐKH trở thành một chủ đề thảo luận trọng tâm trên bàn nghị sự. Sự cam kết mạnh mẽ trong hành động của chính phủ các nước, sự vào cuộc của mọi tầng lớp xã hội là yếu tố quyết định hiệu quả đạt được trong việc ứng phó với BĐKH.
Tại Việt Nam, nữ giới ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, duy trì sự ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong ứng phó với BĐKH là rất cần cần thiết. Một mặt, vì tác động của BĐKH là không phân biệt giới tính, do đó, không thể gạt nữ giới sang một bên trong vấn đề ứng phó với BĐKH; mặt khác, trong vấn đề ứng phó với BĐKH, phụ nữ thường có những góc nhìn khác biệt so với nam giới. Phụ nữ mang đến những quan điểm, những ưu tiên và sức mạnh riêng từ những trải nghiệm trong cuộc sống của họ. Sự hiện diện của phụ nữ sẽ góp phần giúp cho quá trình ứng phó với BĐKH hiệu quả hơn, các chính sách liên quan đến vấn đề BĐKH cũng trở nên toàn diện, phổ biến, nhân văn và tiến bộ hơn vì có tiếng nói của phụ nữ.
Biến đổi khí hậu và vai trò của nữ giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu
BĐKH đã được ghi nhận là một mối đe dọa toàn cầu (IPCC, 2014). Có nhiều cách hiểu khác nhau về BĐKH. Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 1992, thì “biến đổi khí hậu nghĩa là biến đổi của khí hậu được qui cho trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kỳ có thể so sánh được” (UN, 1992). Theo khoản 13 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015, BĐKH được hiểu là “sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan” (Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2015).
Các đại biểu dự Hội thảo STEM và Giới tại Hội nghi Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Châu Á-Thái Bình Dương 2024 |
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động tiêu cực từ BĐKH, xếp thứ 91 trong tổng số 191 quốc gia phải đối mặt với mức độ rủi ro thiên tai cao, xếp thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu (World Bank Group and the Asian Development Bank, 2021). Do đó, ứng phó với BĐKH được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách, chương trình, hành động về ứng phó BĐKH đã được ban hành và triển khai thực hiện ở nhiều cấp độ.
Để các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trở thành hiện thực, thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế, vấn đề ứng phó với BĐKH cần phải xem xét một cách toàn diện, đa chiều, không chỉ là những sáng kiến về kinh tế, kỹ thuật, mà còn là những giải pháp về mặt con người và bình đẳng giới. Sự tham gia của nữ giới vào quá trình ứng phó với BĐKH tại Việt Nam sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần to lớn để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Những năm gần đây, nhiều báo cáo, nghiên cứu đã thảo luận về chủ đề giới và BĐKH, chẳng hạn: Báo cáo tổng quan về “Lồng ghép giới vào Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu” do Morgane Rivoal và TS. Nguyễn Thanh Thủy biên soạn đã tập trung xem xét các tác động khác biệt về giới của BĐKH đối với năm lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH: Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nông nghiệp, y tế, kế hoạch và đầu tư, và giao thông vận tải. Báo cáo đề xuất “lộ trình lồng ghép giới trong thích ứng với biến đổi khí hậu” với các hoạt động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 20/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các Bộ, ngành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy hoạch ngành. Các đề xuất này góp phần hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức về tình trạng dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ, thúc đẩy trao quyền và nâng cao vị thế của phụ nữ trong thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, Báo cáo này cũng khẳng định: “Bất bình đẳng giới không phải là vấn đề của phụ nữ mà là vấn đề của toàn xã hội” (Rivoal, M. và Nguyễn Thanh Thuỷ, 2022); Tài liệu Thực trạng bình đẳng giới và biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Tóm tắt chính sách (UNEP, Isponre, Sweden Svegire, Empower và UN Women, 2021) đã trình bày các vấn đề bình đẳng giới và BĐKH ở Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về cách thức thúc đẩy bình đẳng giới trong hành động khí hậu thông qua nâng cao năng lực thể chế và thiết lập can thiệp hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội có sức chống chịu với BĐKH; Trong “Phát huy tối đa hiệu quả: Lồng ghép giới vào Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai và Thích ứng biến đổi khí hậu: Tài liệu hướng dẫn thực hành, CARE Quốc tế tại Việt Nam, GIZ và UN Women tại Việt Nam nhận định: Trên khắp Việt Nam, phụ nữ đóng một vai trò thiết yếu trong việc giải quyết các thách thức BĐKH. Phụ nữ đang thể hiện những cách sáng tạo để thích ứng với những tác động của BĐKH và xây dựng xã hội có tính chống chịu cao với BĐKH. Phụ nữ đang hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính bằng cách dẫn đầu những sáng kiến đưa ra những giải pháp mới để đối phó với BĐKH. Nếu chúng ta có thể giải quyết và thay đổi sự bất bình đẳng giới thông qua các sáng kiến về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH, thì chúng ta không chỉ thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam mà còn tăng sự tác động bền vững của các hoạt động liên quan đến khí hậu lên gấp nhiều lần (CARE Quốc tế tại Việt Nam, GIZ và UN Women tại Việt Nam, 2015).
Vai trò của nữ giới ngày càng được ghi nhận như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình triển khai các can thiệp về BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai |
Như vậy, vai trò của nữ giới ngày càng được ghi nhận như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình triển khai các can thiệp về BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các nghiên cứu nói trên nêu bật những vấn đề như: Phụ nữ phải gánh vác quá nhiều công việc, bị hạn chế quyền ra quyết định trong gia đình, phụ nữ thường được coi là nạn nhân, ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với BĐKH”, bất bình đẳng trong tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực là những cản trở lớn với phụ nữ Việt Nam trong việc áp dụng các chiến lược hiệu quả để thích ứng với BĐKH.
Tính tất yếu phải tăng cường sự tham gia của nữ giới trong ứng phó với BĐKH
Lịch sử hơn bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, dù ở thời kỳ nào, thì người phụ nữ Việt Nam vẫn là người tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu lao động trong xã hội và gia đình. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ Việt Nam không những đóng vai trò quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, sản xuất, kinh doanh, mà còn là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH. Trong quá trình ứng phó với BĐKH, tăng cường sự tham gia của nữ giới là tất yếu, phù hợp với quy luật vận động và xu hướng tiến bộ của nhân loại, và xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, phụ nữ và trẻ em gái chiếm hơn 50% trong cơ cấu dân số nước ta (Tổng cục thống kê, 2023). Với tỷ lệ đó, sự tham gia tích cực của họ sẽ góp phần đa dạng và toàn diện hơn trong các giải pháp ứng phó với BĐKH. Bởi lẽ, phụ nữ và trẻ em gái có những kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm khác biệt so với nam giới, do đó sẽ mang lại những ý tưởng và giải pháp mới, đa dạng và toàn diện hơn trong việc ứng phó với BĐKH.
Thứ hai, xuất phát từ chính vai trò của phụ nữ trong phân công lao động xã hội. Theo thống kê, khoảng 62,9% nữ giới trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bằng sự hiện diện của mình trong lực lượng lao động, nữ giới đã và sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Trong bức tranh lao động và việc làm ở Việt Nam nhiều năm qua, nữ giới tập trung đông đảo trong lĩnh vực nông nghiệp và những ngành công nghiệp đòi hỏi sự khéo léo và linh hoạt như dệt may, giày da, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử. Đây cũng là những ngành nghề có mức độ ô nhiễm môi trường cao.
Thứ ba, xuất phát từ vai trò của phụ nữ trong gia đình. Trong gia đình, nữ giới được gán cho vai trò làm các công việc nội trợ, giáo dục con cái. Họ là người quyết định trong việc tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm năng lượng, nước, nuôi trồng và bảo vệ cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn,... Những việc làm này trong mỗi gia đình góp phần rất lớn trong việc giảm phát thải, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong giáo dục con cái trong gia đình. Phụ nữ vừa là người mẹ, người thầy trong việc giáo dục con cái tri thức, kỹ năng ứng phó và thích ứng với BĐKH. Ví dụ dạy trẻ em kỹ năng sống và tự bảo vệ khi thiên tai xảy ra. Phụ nữ cũng là người tiên phong trong giáo dục con cái nâng cao nhận thức về bình đẳng giới với BĐKH; bảo vệ nữ giới trong thiên tai và giải quyết những vấn đề của phụ nữ sau thiên tai.
Thứ tư, thực tế cho thấy, trong câu chuyện ứng phó với BĐKH, vai trò của nữ giới thường bị bỏ qua. Điều này, một mặt tạo ra sự lãng phí về nguồn lực xã hội khi nữ giới ít có cơ hội cống hiến, vừa gia tăng khoảng cách bình đẳng giới. Tăng cường vai trò của nữ giới thực chất là phát huy tiềm năng sẵn có bên trong họ, cũng là khai thác hiệu quả, tối đa nguồn lực của xã hội trong việc ứng phó với BĐKH.
Thứ năm, các chương trình chính sách ứng phó với BĐKH có lồng ghép yếu tố giới (đã được triển khai trong thực tiễn) đã chứng minh rằng sự tham gia của nữ giới đã giúp cho các hành động khí hậu hiệu quả hơn, hiệu suất hơn, công bằng hơn, bền vững hơn. Hiệu quả hơn bởi nó xác định tất cả các nhóm đối tượng mục tiêu và các bên liên quan. Trong đó, phụ nữ thường có xu hướng quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường và bền vững; Hiệu suất hơn bởi nó đạt được các kết quả đầu ra cao hơn với nguồn lực được phân bổ; Công bằng hơn do nó xác định và giảm sự bất bình đẳng; và bền vững hơn do nó dẫn tới phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Những rào cản xã hội cản trở nữ giới trong quá trình ứng phó với BĐKH ở Việt Nam
Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương nhất quán thúc đẩy, thể chế hóa quyền bình đẳng của phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới phát triển, phát huy vai trò, vị thế của mình trong xã hội cũng như đóng góp nhiều hơn vào quá trình ứng phó với BĐKH. Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) tiếp tục khẳng định: “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” (Đảng cộng sản Việt Nam, 2021, tr.111). Tuy nhiên, quá trình triển khai các chủ trương, chính sách vẫn còn nhiều rào cản. Những rào cản đó có thể là từ khung chính sách, từ công tác cán bộ đối với nữ giới. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng, rào cản lớn nhất đối với phụ nữ trong việc tham gia ứng phó với BĐKH là những rào cản từ chuẩn mực văn hóa truyền thống và định kiến về giới, gánh nặng công việc gia đình và từ nhận thức của chính bản thân người phụ nữ.
Về những rào cản từ chuẩn mực văn hóa truyền thống và định kiến giới, có thể nói, trong xã hội hiện nay, mặc dù quá trình hội nhập đang diễn ra sâu rộng, có sự giao thoa giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương Tây, nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại “các qui tắc, giá trị và thông lệ được thừa hưởng từ quan niệm “nho giáo” xa xưa”(WB và UNDP tại Việt Nam, 2005, tr.7). Nền văn hóa Việt Nam với những truyền thống lâu đời, với tâm điểm dựa trên những qui tắc mang tính gia trưởng về gia đình, đề cao vai trò của nam giới trong các công việc ngoài xã hội cũng như ra quyết định về các chính sách vĩ mô. Trong khi nữ giới phải thực hiện vai trò “xây tổ ấm”. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình gần như được “mặc định” là trách nhiệm của người phụ nữ, cho dù, những chuẩn mực đó đang ngày càng xung đột với những chuẩn mực mới và xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Những quan niệm và chuẩn mực văn hóa cũ xưa ấy chính là rào cản lớn nhất đối với nữ giới trong việc tham gia vào các chương trình, kế hoạch hành động nhằm ứng phó với BĐKH.
Ngay trong việc ứng phó với thiên tai, nam giới vẫn được coi là chủ thể của mọi hoạt động, trong khi nữ giới thường bị xem là nạn nhân, nhóm dễ tổn thương. Với định kiến này, xã hội đã vô tình bỏ qua khả năng hành động, đóng góp của phụ nữ trong quá trình tham gia ứng phó với BĐKH. Việc tập trung vào tình trạng dễ bị tổn thương và coi mọi người như là một nhóm đồng nhất cũng có thể dẫn đến việc triển khai các chương trình giống nhau cho các nhóm khác nhau, khiến các can thiệp không phản ánh được thực tế và thường không mang lại hiệu quả tối ưu.
Số liệu điều tra Lao động - Việc làm những năm gần đây cho thấy, khoảng 1/3 phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế là vì “Lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”. Hạn chế các cơ hội tham gia hoạt động kinh tế dẫn đến việc bị hạn chế trong việc ra quyết định. Ngoài ra, dù là lực lượng tham thị trường lao động, nhưng thu nhập của lao động nữ thường thấp hơn nhiều so với nam giới. Điều này cũng dẫn đến những bất lợi cho nữ giới trong quá trình tiếp cận thông tin, ra quyết định trong ứng phó với BĐKH. Bởi vì, khi quyền lực về kinh tế của nữ giới còn yếu, thì các cơ hội tiếp cận của họ tới tài nguyên thiên nhiên, thông tin, công nghệ, thị trường, và cơ hội được đào tạo các kiến thức về BĐKH cũng sẽ bị thu hẹp, từ đó dẫn đến việc nữ giới gặp khó khăn trong phát triển năng lực thích ứng với BĐKH.
Khả năng cân bằng giữa gia đình và các công việc ngoài xã hội của bản thân người phụ nữ cũng là một rào cản lớn, cản trở họ trong việc ra quyết định về ứng phó với BĐKH. Ở Việt Nam và các nước châu Á, phụ nữ thường phải dành nhiều thời gian, công sức cho công việc gia đình, trong khi nam giới tập trung nhiều hơn cho công tác xã hội, điều đó đã trở thành nếp nghĩ truyền thống của xã hội. Vì phụ nữ một lúc phải hoàn thành cả hai trách nhiệm nên họ có rất ít cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định ở các cấp, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến BĐKH. Do đó, các quyền của họ thường bị bỏ qua trong những pháp luật lao động liên quan mà lẽ ra phải bảo vệ họ một cách đầy đủ.
Một rào cản lớn hạn chế sự tham gia của nữ giới trong quá trình ứng phó với BĐKH chính là tâm lý thụ động của chính nữ giới. Một bộ phận nữ giới từ bỏ công việc ngoài xã hội, hài lòng chấp nhận việc chăm sóc gia đình để nam giới phát triển sự nghiệp và đảm nhận trọng trách về kinh tế. Nhiều phụ nữ có xu hướng tự coi mình là “nạn nhân”, tự gắn cho mình nhãn “dễ bị tổn thương”, “cần được che chở”… thay vì nhìn thấy bản thân chính là tác nhân thay đổi cho tương lai của chính mình.
Trong quá trình ứng phó với BĐKH, nữ giới đã có những đóng góp quan trọng và cần được thúc đẩy, tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào tất cả các quá trình, từ xây dựng chính sách đến triển khai các chương trình hành động về BĐKH.
Thực tế cho thấy, trong quá trình tham gia ứng phó với BĐKH, phụ nữ Việt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn bởi những rào cản về mặt xã hội, đặc biệt những chuẩn mực văn hóa truyền thống và định kiến về giới, khả năng cân bằng giữa gia đình và công việc ngoài xã hội của chính bản thân người phụ nữ. Việc tháo dỡ những rào cản xã hội đó là điều cần thiết, để phụ nữ phát huy được sức mạnh nội sinh và góp phần hành động hiệu quả hơn trong quá trình ứng phó với BĐKH.
Để tháo dỡ những rào cản nói trên, cần phải có một hệ thống các giải pháp khoa học, phù hợp. Tác giả bài báo mạnh dạn khuyến nghị một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, trao quyền cho phụ nữ, trước hết là quyền năng về kinh tế, thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế. Trao quyền cho phụ nữ là yếu tố trung tâm để đạt được bình đẳng. Trao quyền nghĩa là xóa bỏ những sự mất cân bằng trong quyền lực và trao cho phụ nữ năng lực lớn hơn để tiếp cận các nguồn lực và quản lý cuộc sống của mình mà không bị hạn chế bởi giới tính/giới. Nắm quyền về kinh tế là tiền đề thực tiễn đầu tiên để nữ giới ra quyết định về chính sách, hành động ứng phó với BĐKH. Trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế thể hiện trước hết ở bình đẳng về thu nhập, về việc nhà được trả công, ở việc họ có tên trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, sử dụng các nguồn tài nguyên như đất đai, nhà cửa,…
Thứ hai, cần xóa bỏ các định kiến về giới trên tất cả các lĩnh vực. Xoá bỏ định kiến giới trong ứng phó với BĐKH có thể được thực hiện thông qua việc thực hiện lồng ghép giới và phân tích giới trong các chính sách về ứng phó với BĐKH. Gia tăng và đảm bảo hạn ngạch tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo và phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định. Phát huy và mở rộng hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Lồng ghép giới trong các hoạt động ứng phó với BĐKH. Xây dựng một mạng lưới các chuyên gia thuộc khu vực nhà nước và các nhà vận động chính sách làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới và BĐKH, bao gồm Hội liên hiệp phụ nữ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành khác, đồng thời thu hút sự tham gia của các tổ chức liên minh của nam giới.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong quá trình ứng phó với BĐKH bằng phương pháp tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống. Việc này sẽ tạo điều kiện và khích lệ công tác vận động chính sách ở tất cả các cấp, các ngành để thực hiện các cam kết chính trị, cũng như huy động được nguồn tài chính tiềm năng cho các sáng kiến lồng ghép giới trong ứng phó với BĐKH. Điều này có thể đạt được thông qua: 1/Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tổ chức, bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành giữ trọng trách ứng phó với BĐKH; 2/ Tăng cường đối thoại và tham vấn các bên liên quan, trong đó nêu bật vai trò tham vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - là cơ quan có khả năng tiếp cận hội viên nữ ở tất cả các cấp để nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về ứng phó với BĐKH; 3/ Thường xuyên tập huấn, tổ chức nhiều khoá học nâng cao nhận thức cho nữ giới về vai trò, trách nhiệm của nữ giới trong ứng phó với BĐKH; 4/ Tích cực vận động sự hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức quốc tế để tiếp cận nguồn tài chính, nhân lực (chuyên gia) và học hỏi kinh nghiệm trong việc tăng cường vai trò của nữ giới ứng phó với BĐKH.
Thứ tư, phát huy trách nhiệm của toàn thể xã hội. Bên cạnh việc thực thi các văn bản pháp luật về Bình đẳng giới cũng như vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ quyền cho phụ nữ, cần phải phát huy mạnh mẽ ưu thế của truyền thông, dư luận xã hội trong việc đảm bảo quyền con người đối với phụ nữ nói chung và quyền tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng chính sách và hành động ứng phó với BĐKH. Xóa bỏ dần quan điểm nhìn nhận phụ nữ như một “nhóm dễ bị tổn thương”, là “nạn nhân” trong xây dựng chính sách cũng như trong quá trình triển khai các kế hoạch ứng phó với BĐKH.
Sự tham gia của xã hội trong việc tháo dỡ các rào cản, tăng cường vai trò của nữ giới trong quá trình ứng phó với BĐKH còn thể hiện ở việc giáo dục kiến thức về bình đẳng giới trong các cơ sở giáo dục, ở tất cả các cấp học. Trang bị cho các bé gái, nữ sinh kiến thức, kỹ năng về quyền và giá trị bản thân, về tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng phục hồi và các kỹ năng cần thiết khác để thích ứng với nền kinh tế xanh cũng như sự tự tin để tham gia vào quá trình ra quyết định, lãnh đạo trong không gian chính thức và không chính thức.
Thứ năm, đánh thức tiềm năng, khơi dậy ý thức tự khẳng định của chính nữ giới. Phụ nữ Việt Nam phải có ý thức học tập, nâng cao nhận thức về các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Mạnh dạn đề xuất chính sách và tham gia các chương trình hành động nhằm thích ứng với BĐKH, tăng trưởng xanh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Biến đổi khí hậu làm sản lượng 'vàng lỏng' thiếu hụt trên toàn cầu
Biến đổi khí hậu đã làm giảm sản lượng dầu ô liu ở các quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.