Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên - Người tiếp lửa cho nữ giới đổi mới sáng tạo

Quá trình làm việc, Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên luôn hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt, lãnh đạo nữ ở Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của nữ giới trong xã hội. Họ còn là những nhà đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo doanh nghiệp (IBIA), là một người như vậy. Chị không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh lãnh đạo nữ đổi mới sáng tạo mà còn được nhìn nhận là "Người tiếp lửa cho nữ giới đổi mới sáng tạo."

Khách tham quan một gian trưng bày giải pháp đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Khách tham quan một gian trưng bày giải pháp đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều là cán bộ lâm nghiệp, tuổi thơ của chị Kim Liên là những tháng ngày “lang thang” khắp các tỉnh khi phải theo chân bố mẹ đi trồng rừng ở Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ…

Chính những tháng ngày này đã “khắc” vào trong tâm trí chị những trải nghiệm cũng như sự nặng lòng với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi họ phải tự làm mọi việc từ sinh nở, nuôi dạy con, làm nương rẫy, kinh doanh... Điều này đã đưa chị đến với "duyên" được thực hiện các dự án về phát triển nông thôn, miền núi và đặc biệt sau này là các dự án hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ.

Chị từng đảm nhận vị trí điều phối viên trong nhiều dự án quốc tế và ODA (đầu tư nước ngoài) đến quản lý cấp cao và giám sát các chương trình và dự án cấp bộ, các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển), Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Từ năm 2022 đến nay, Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên đã đảm nhận vị trí Điều phối viên Dự án về hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ trên toàn quốc mang tên: "Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới (CWE)" thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện chị còn làm Trưởng nhóm cố vấn Chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ khu vực ASEAN tham gia vào nền Kinh tế Số. Dự án này do Trung tâm Mạng lưới Thông tin phụ nữ châu Á-Thái Bình Dương (APWINC) triển khai với hơn 230 chuyên gia đến từ 10 quốc gia khu vực ASEAN.

Quá trình làm việc, Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên luôn hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự tập trung đặc biệt vào việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ.

Chị Kim Liên còn nhớ, thời điểm đầu những năm 1990, sau khi học đại học, nghe lời khuyên của mẹ, chị đã vào làm cơ quan nhà nước nhưng vẫn mang trong mình tư tưởng của một doanh nhân. Nhờ tư duy đó, chị liên tục có những sáng kiến cải tiến và phấn đấu không ngừng, để rồi trở thành một trong 29 cán bộ về cải cách hành chính thí điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn những năm 2000. Nhiều năm sau, cũng chính tư duy năng động, luôn mày mò đổi mới, chị đã rời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển chung của đất nước.

Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên luôn tự hào là người thiết kế và xây dựng các dự án mới và đi trước, tiên phong với công nghệ hay xu hướng mới. Năm 2011, chị đã theo học Tiến sỹ Quản trị kinh doanh với đề tài "Thực hành đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam."

Bảo vệ luận án thành công, chị được coi là Tiến sỹ đầu tiên với nghiên cứu chuyên sâu về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời điểm đó. Theo chị, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có sự cố gắng của nhiều bên, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo và với mạng lưới những người cùng tư tưởng.

Kể cả khi làm việc tới 20 tiếng/ngày, chị Kim Liên vẫn tìm được 5 phút tới 1 tiếng để học, chỉ 5 phút học 1 điều mới mỗi ngày đã giúp thay đổi suy nghĩ và thay đổi cuộc đời của chị.

Hiện nay, chị vẫn đang dành nhiều tâm trí thiết kế và triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến về kỹ năng kinh doanh, thương mại điện tử cho 20.000 phụ nữ từ nay đến hết năm 2026, giữ lời hứa với lòng mình là giúp các phụ nữ, đặc biệt là những chị em ở nông thôn và các làng nghề truyền thống - nơi chưa dễ dàng tiếp cận với đào tạo trực tuyến, chưa hiểu nhiều về thương mại điện tử có thể dễ dàng theo học tất cả các kỹ năng mọi lúc, mọi nơi.

Với việc sáng lập Viện Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp và Doanh nghiệp Coworking Campus-K, Tiến sỹ Liên đã không chỉ chứng minh tầm nhìn lãnh đạo của mình mà còn góp phần tăng cường hệ sinh thái, hệ thống thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Sự đóng góp của Tiến sỹ Liên vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam là không thể phủ nhận, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đặc biệt là việc thúc đẩy, hỗ trợ nữ giới trong lĩnh vực này.

Tiến sỹ Liên đã chứng minh mình không chỉ là một cầu nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà còn là một người thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ, thông qua việc tạo ra cơ hội và không gian cho chị em phụ nữ thể hiện và phát triển.

Trong hơn 5 năm qua, Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên đã tham gia sâu vào hàng trăm sự kiện hội thảo, đào tạo, huấn luyện mỗi năm, hàng trăm chuyến đi các tỉnh, vùng sâu vùng xa nhằm tổ chức kết nối và phát triển mạng lưới hỗ trợ doanh nhân nữ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đào tạo và phát triển năng lực, nâng cao ý thức về vai trò của phụ nữ, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Thông qua việc tham gia thiết kế hay vận hành các dự án quan trọng của quốc gia về đổi mới sáng tạo đã thể hiện năng lực, lòng đam mê của chị đối với đổi mới sáng tạo như Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) 2009-2014, Dự án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo khí hậu Việt Nam (VCIC) 2016 và dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghệ Việt-Hàn (INCENTECH) 2016-2017, Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP), "SwedishCENTECVietnam" Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam-Thụy Điển năm 2023...

Tiến sỹ Liên đã tham gia đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp và truyền cảm hứng cho hơn 700 học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở đến từ 21 trường trên địa bàn thành phố Hà Nội là minh chứng cho tầm ảnh hưởng và vai trò không thể thay thế của chị trong việc định hình tương lai đổi mới sáng tạo và sự phát triển của thế hệ trẻ ở Việt Nam.

Tiến sỹ Dương Thị Kim Liên không chỉ là một biểu tượng của sự tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển kinh doanh mà còn là tấm gương sáng về chuyển hóa các sức mạnh tiềm ẩn của nữ giới vào công việc, lòng đam mê, sự nhẫn nại và sự đồng cảm, hỗ trợ đúng đắn giúp phụ nữ có thể vươn lên dẫn dắt trong kinh doanh và công nghệ. Sự nghiệp và cống hiến của chị là nguồn cảm hứng vô tận, thúc đẩy một thế giới kinh doanh đa dạng và công bằng hơn cho phụ nữ khắp nơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Việt Nam sẽ có đơn vị phân phối khí LNG đầu tiên từ 15/3

Việt Nam sẽ có đơn vị phân phối khí LNG đầu tiên từ 15/3

'Ông lớn' ngành dầu khí cho biết từ ngày 15/3 sẽ là đơn vị đầu tiên của Việt Nam chính thức triển khai cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp.