Triết lý bếp

Mỗi tối, khi trở về nhà, đói mềm người, anh bắt đầu thời gian thích thú nhất trong ngày: nấu ăn. Anh tự nhủ, đó là một dạng thiền.

Sểnh nhà ra thất nghiệp - ông bà dạy thế. Còn sểnh vợ thì sẽ liên tục sểnh nhà. Anh sểnh vợ đã vài năm, thành ra tất yếu sểnh nhà liên tục.

Sau 6 tháng đầu tiên ở tạm trong căn buồng hơn chục mét vuông và ăn mỳ gói 7 món luân phiên, anh giác ngộ ra rằng, thứ đầu tiên để bắt đầu cuộc sống độc thân, là một cái nồi cơm điện. Bưng bát cơm nóng trên tay, dù chỉ rưới chút mắm nhĩ, anh ứa nước mắt. Với cái nồi cơm điện, cuộc cách mạng bếp núc chính thức ập đến cuộc đời anh. Và như tất cả mọi cuộc cách mạng trên đời này, người ta sẽ không bao giờ còn trở lại như cũ nữa, dù cách mạng có thành công hay thất bại.

Anh thuê một căn chung cư tử tế, với đồ gia dụng cơ bản và một cái bếp đầy đủ tiện nghi. Những con dao Nhật thượng hạng, nồi chiên không dầu, lò nướng bánh đa năng, nồi hầm… đủ để nấu những bữa thịnh soạn cho cả chục người ăn. Nhưng anh chỉ nấu cho riêng mình.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Có một cuốn sách bán khá chạy, bởi cái tít đánh trúng tâm lý nhiều người: “Đừng bao giờ đi ăn một mình”. Cô đơn - đó là nỗi sợ hãi của thị dân thời hiện đại. Đại học Brigham Young của Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu về những người cô đơn, và kết quả những chỉ số huyết áp cũng như cholesterol gây tác hại đến sức khỏe của những người này tương đương với việc họ hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Anh cô đơn dài hạn, và hút thuốc lá đã 20 năm, mỗi ngày nửa bao. Nói chung, giảm thọ là một thứ gì đấy xa xôi và mơ hồ, tương tự như hàng chữ cảnh báo ghi trên vỏ bao thuốc “Hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn”. 10 điếu thuốc + 15 nỗi cô đơn/ ngày – cái chết có thể sẽ đến nhanh hơn, còn đau đớn thì cũng còn xem là đặt trong tương quan nào.

Nhưng có cái bếp, anh hạnh phúc nhấm nháp sự cô đơn của mình.

Ban đầu, để đơn giản, anh luộc mọi thứ.

    Rau luộc.

    Thịt luộc.

    Trứng luộc.

Luộc tất, chấm mắm. Rất nhanh mà không quan trọng nêm nếm.

Điều quan trọng luôn là cơm phải ngon, bí quyết nằm ở việc mua loại gạo hạng nhất và mất 1 - 2 bữa để biết cữ đổ nước vào nồi cơm điện.

Sau nửa năm, anh nâng cấp lên một chút, xào.

    Rau xào.

    Thịt xào.

      Trứng bác - thì bản chất cũng là xào thôi.

Món ăn đã ra chiều thấm thía. Và mâm cơm sẽ có đĩa mặn với bát canh.

Cuối năm ấy, anh tổng hợp 2 cách luộc và xào, thành ninh.

    Gà ninh lõng bõng nước.

    Chân giò ninh mềm nhừ.

    Khoai tây ninh với thịt bò.

Và khi ăn bữa sườn ninh khoai sọ đầu tiên tự tay mình làm, anh thấy nhớ mẹ. Hôm ấy, anh dặn mẹ nấu cơm, về nhà sớm cùng ăn với bà. Bởi vì chỉ đến khi tự nấu được những món tương đối khó, anh mới hiểu rằng bản chất của đồ ăn ngon không phải là nguyên liệu, mà là sự chăm chút. Trong suốt nhiều năm, anh đã thụ hưởng sự chăm chút ấy vô điều kiện và miễn phí, đến mức anh cho rằng nó không cần thiết cho cuộc sống bận rộn của mình.

Mỗi tối, khi trở về nhà, đói mềm người, anh bắt đầu thời gian thích thú nhất trong ngày: nấu ăn. Anh tự nhủ, đó là một dạng thiền. Gọt, thái, băm, chặt, xào nấu. Cái gì cho vào trước, cái gì cho vào sau, món nào lửa to, món nào liu riu, gia vị nào khắc chế gia vị nào… Đó là một thế giới của riêng anh, không cần phải mở điện thoại ra tra công thức trên mạng, hay chép lại từ một cuốn bí kíp lấm lem dầu mỡ của một tay đầu bếp béo quay nào đấy.

Rồi thì mùa xuân năm sau, anh mạnh dạn mời khách đến nhà ăn tối. Những bữa ăn do anh nấu. Hồi hộp bưng ra bày trên bàn, hồi hộp nhìn khách ăn, và nhìn vào yết hầu của họ, khóe miệng của họ, ánh mắt của họ, chứ không chờ đợi những lời khen hào phóng động viên.

Đó là một người phụ nữ.

Cô dịu dàng gắp, nhẹ nhàng nhai, chúm môi thổi thìa canh cho bớt nóng trước khi đưa lên miệng. Và cười, và ăn thật nhiều thay cho lời khen.

Bữa ăn diễn ra nhẹ nhàng.

Đến khi dọn bàn uống trà, anh rụt rè hỏi cô về chuyện ngon dở.

- Anh có biết vì sao dân mình thích ăn lẩu không?

- Vì nó rẻ mà ngon?

- Không, có nhiều món khác rẻ và ngon hơn. Người ta thích ăn lẩu, vì nó quây quần. Chỉ mớ rau, vài bìa đậu, dăm quả trứng vịt lộn, ít thịt bạc nhạc với lọ sa tế là có nồi lẩu rồi. Ăn lẩu, ít nhất phải 2 người trở lên. Người chan, người húp, gắp cho nhau, suýt soa, nâng chén hạ chén, khoác vai bá cổ. Thế là thành bữa ăn…

- Cũng có thể…

- Cho nên em nghĩ, đồ ăn trước hết phải mang lại hạnh phúc. Thế anh có biết vì sao người ta thích ăn cơm rang ở nhà không?

- Em giải thích đi?

- Vì cơm rang ở nhà, là hình ảnh còn lại của một bữa ăn đầm ấm vào tối hôm trước. Chút cơm nguội, ít thịt rim, vài cọng rau, quả trứng… Anh ăn bát cơm rang vào buổi sáng trước khi đi làm, thì nhớ rằng phía sau mình là một gia đình.

- Đã lâu lắm anh không ăn cơm rang…

Cô mỉm cười, nhìn vào mắt anh, lần đầu tiên trong suốt buổi tối hôm ấy, và hỏi:

- Sáng mai anh có muốn ăn cơm rang không?

Phạm Gia Hiền

Tôi đã vào bếp như thế nào

Tôi đã vào bếp như thế nào

Nấu ăn không hề dễ, nhưng cái khó nhất mà tôi phải vượt qua đó chính là định kiến thâm căn cố đế trong chính bản thân mình.