Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố bước đột phá trong điều trị ung thư khi sử dụng virus biến đổi gene để tạo tế bào miễn dịch chống ung thư trực tiếp trong cơ thể bệnh nhân. Công nghệ này không chỉ giúp rút ngắn thời gian điều trị xuống còn 72 giờ, mà còn giảm hơn 80% chi phí so với liệu pháp truyền thống CAR-T.
![]() |
Công bố trên tạp chí The Lancet, nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Liên hiệp, Đại học Y khoa Đồng Tế (Vũ Hán) cho biết họ đã thử nghiệm thành công phương pháp điều trị mới trên 4 bệnh nhân mắc loại ung thư máu phổ biến, chứng đa u tủy.
Sau một liều tiêm duy nhất, 2 bệnh nhân đạt mức thuyên giảm hoàn toàn khi các tổn thương khối u đã biến mất sau 2 tháng, trong khi 2 người còn lại ghi nhận khối u thu nhỏ đáng kể chỉ sau 28 ngày.
Thông thường, liệu pháp CAR-T truyền thống đòi hỏi tế bào T phải được chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm trước khi được đưa lại vào cơ thể. Đây là một quy trình phức tạp có thể kéo dài từ 3-6 tuần và rất tốn kém.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp mới sử dụng một loại virus đặc biệt được tiêm trực tiếp vào cơ thể và tự tìm đến tế bào T, sau đó “lập trình” chúng để nhận diện và tấn công tế bào ung thư.
“Đây là liệu pháp sẵn có, không còn là thuốc điều chế riêng cho từng người”, nhóm nghiên cứu khẳng định, nhấn mạnh tính linh hoạt và khả năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ này.
Trên mạng xã hội chuyên về liệu pháp tế bào tại Trung Quốc, công nghệ này được ca ngợi là “cột mốc quan trọng” và có tiềm năng thay đổi hoàn toàn mô hình điều trị cá nhân hóa hiện nay. Nếu được thử nghiệm trên quy mô lớn, phương pháp này có thể giúp liệu pháp miễn dịch tiếp cận với đông đảo bệnh nhân hơn, không chỉ trong điều trị ung thư mà cả với các bệnh mãn tính như hen suyễn và bệnh tự miễn.
Trước đó vào tháng 6, công ty Capstan Therapeutics (Mỹ) cũng báo cáo kết quả khả quan khi thử nghiệm phương pháp tạo CAR-T in vivo (ngay trong cơ thể) trên chuột. Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai kỹ thuật này trên người.
Giới khoa học đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong ngành y học tái tạo và trị liệu miễn dịch, mở ra hy vọng mới trong cuộc chiến lâu dài với bệnh ung thư và các bệnh mạn tính khó điều trị.
Nghiên cứu biến tế bào hỗ trợ ung thư thành "sát thủ" tiêu diệt khối u
Các nhà khoa học kỳ vọng phương pháp này có thể nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ khi điều trị ung thư.