Ngày 10/9, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã tổ chức buổi làm việc với bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên.
Tại buổi gặp mặt, GS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch vui mừng chào đón và trân trọng cảm ơn bà Lidia Brito đã dành thời gian trong chuỗi hoạt động sôi nổi tại Việt Nam để tới thăm Trung tâm Vật lý quốc tế (ICP) và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Toán học quốc tế (ICRTM) (Trung tâm dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO) trực thuộc Viện Vật lý và Viện Toán học, VAST.
ICP và ICRTM trực thuộc Viện Vật lý và Viện Toán học, VAST được hình thành trên cơ sở Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO năm 2017.
Trong những năm vừa qua, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ UNESCO, Chính phủ Việt Nam và các Bộ ngành liên quan, VAST đã hoàn thành tốt các mục tiêu như tổ chức nghiên cứu và đào tạo Toán học và Vật lý trình độ quốc tế thông qua các lớp học, hội nghị, hội thảo; tài trợ tài năng trẻ của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, hướng tới một số nước trong khu vực châu Phi – nơi Vật lý và Toán học còn đang phát triển; tổ chức các nhóm và thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà vật lý và toán học nước ngoài.
GS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch vui mừng chào đón và trân trọng cảm ơn bà Lidia Brito đã dành thời gian trong chuỗi hoạt động sôi nổi tại Việt Nam để tới thăm VAST |
Những thành tựu nổi bật mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua đó là Nature và Physical Review Letters do ICP triển khai thực hiện, hình ảnh hoạt động hàng chục hội thảo quốc tế do ICRTM tổ chức với sự tham dự của hàng trăm sinh viên từ 20 quốc gia, các hoạt động cộng đồng và tư vấn hoạch định chính sách về khoa học và công nghệ; các bài giảng cho công chúng, các triển lãm khoa học.
VAST bày tỏ mong muốn được UNESCO tiếp tục ủng hộ và bảo trợ hoạt động của ICP và ICRTM, đồng thời có thể tạo điều kiện để VAST nói riêng và Việt Nam nói chung có thể xây dựng và phát triển được thêm các Trung tâm dạng II khác liên quan đến đa dạng sinh học hay thủy văn.
Bà Lidia Brito nhận định những kết quả ICP và ICRTM đạt được thời gian qua rất quan trọng đối với đơn vị nghiên cứu quốc gia như Viện Hàn lâm cũng như một đất nước đang phát triển như Việt Nam. UNESCO ủng hộ việc tiếp tục phát triển các Trung tâm hoạt động hiệu quả cũng như việc phát triển các trung tâm dạng II khác, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh thái và tài nguyên nước, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Lidia Brito cũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy có nhiều nhà khoa học nữ tham gia hoạt động của hai Trung tâm. Bà đánh giá VAST là một ví dụ điển hình cho việc thực hiện bình đẳng giới trong khoa học; thúc đẩy tích cực lời kêu gọi của UNESCO (UNESCO call for action) về bình đẳng giới và chương trình ‘Women in Science” do UNESCO khởi xướng tại Việt Nam; góp phần giảm cách biệt về giới trong lĩnh vực khoa học.
Bà Lidia Brito đã giới thiệu nhiều chương trình khoa học của UNESCO như “UNESCO Science Diplomacy” nhằm tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu; “UNESCO Equibment innitiative” nhằm chia sẻ thiết bị, cơ sở vật chất khoa học giữa các quốc gia giúp, tạo cầu nối giảm khoảng cách trong phát triển khoa học giữa các quốc gia bán cầu Nam – Nam hay Nam – Bắc,… Bà Lidia Brito đề xuất VAST nghiên cứu, tham gia, thúc đẩy hoạt chương trình này.
VAST hy vọng UNESCO tiếp tục ủng hộ việc triển khai hoạt động hai Trung tâm, hoạt động hợp tác đa phương về khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển khoa học tại Việt Nam và khu vực; góp phần thực hiện những chương trình khoa học UNESCO, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững do UNESCO khởi xướng.
Kỷ niệm 15 năm Chương trình Giải thưởng L'ORÉAL - UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong Khoa học" tại Việt Nam
Sự kiện nhằm tôn vinh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đã nhận Giải thưởng L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" .